“Thế giới sắp thoát cảnh thừa dầu”

Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho rằng lượng dầu thừa trên toàn cầu sẽ giảm còn 200.000 thùng/ngày trong 6 tháng cuối năm nay...
Sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong 12 năm vào tháng 1 năm nay do tình trạng dư thừa dầu trên toàn cầu, giá dầu đã tăng 30% trong 2 tháng qua - Ảnh: Forbes.
Sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong 12 năm vào tháng 1 năm nay do tình trạng dư thừa dầu trên toàn cầu, giá dầu đã tăng 30% trong 2 tháng qua - Ảnh: Forbes.

Thị trường dầu lửa sẽ “dịch chuyển gần tới trạng thái cân bằng” trong nửa sau của năm nay, khi giá dầu thấp dẫn tới suy giảm mạnh sản lượng tại các quốc gia ngoài Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC). 

Hãng tin Bloomberg dẫn báo cáo mới nhất từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng lượng dầu thừa trên toàn cầu sẽ giảm còn 200.000 thùng/ngày trong 6 tháng cuối năm nay, từ mức thừa 1,5 triệu thùng/ngày trong 6 tháng đầu năm. 

Bản báo cáo ra ngày 14/4 nói sản lượng dầu của các nước ngoài OPEC sẽ giảm mạnh nhất kể từ năm 1992 do cơn sốt khai thác dầu đá phiến của Mỹ hạ nhiệt. Tình trạng dư thừa dầu của thế giới còn giảm bớt khi tốc độ tăng xuất khẩu dầu của Iran diễn ra khá chậm chạp do những trở ngại về tài chính vẫn tồn tại bất chấp Tehran đã được quốc tế nới lệnh trừng phạt. 

“Không còn nghi ngờ gì nữa về hướng đi của tương quan giữa cung và cầu dầu thô”, báo cáo của IEA nhận định. “Đang có những dấu hiệu cho thấy sự suy giảm ngày càng mạnh của sản lượng dầu ở Mỹ”. 

Sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong 12 năm vào tháng 1 năm nay do tình trạng dư thừa dầu trên toàn cầu, giá dầu đã tăng 30% trong 2 tháng qua, một phần do OPEC và Nga lên kế hoạch cho một thỏa thuận nhằm hạn chế sản lượng. 

Tuy nhiên, theo IEA, nếu không có một thỏa thuận nào đạt được trong cuộc họp của OPEC và một số nước sản xuất dầu lớn ngoài khối, bao gồm Nga, ở Qatar vào cuối tuần này, thì ảnh hưởng thực sự của kế hoạch hạn chế sản lượng Nga - OPEC sẽ hầu như không đáng kể.

Ngày 14/4, giá dầu Brent tại thị trường London gần mức 43 USD/thùng, gần cao nhất trong 4 tháng. 

Báo cáo trên cho thấy sự thay đổi quan điểm của IEA. Mới tháng 2 vừa qua, IEA đã nâng mức dự báo dư thừa dầu toàn cầu và cảnh báo khả năng giá dầu còn giảm sâu hơn. 

Không chỉ IEA, thời gian gần đây nhiều tổ chức dự báo khác cũng đưa ra nhận định cho rằng thị trường dầu sẽ tiến tới trạng thái cân bằng vào cuối năm nay. 

Ngày 13/4, ngân hàng Credit Suisse cho rằng lượng dầu tồn kho trên toàn cầu sẽ giảm trong quý 3. 

Theo dự báo mà IEA đưa ra, sản lượng dầu ngoài OPEC sẽ giảm 700.000 thùng/ngày trong năm nay, còn trung bình 57 triệu thùng/ngày. 

Còn theo số liệu mà Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố hôm 13/4, trong tuần trước, sản lượng dầu thô của Mỹ trong tuần trước đã lần đầu tiên trong 18 tháng giảm xuống dưới ngưỡng 9 triệu thùng/ngày. 

IEA cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng 1,2 triệu thùng/ngày trong năm 2016, tương đương mức tăng 1,2%, so với mức tăng 1,8 triệu thùng/ngày trong năm 2015. Báo cáo cũng nói Ấn Độ đang gần vượt qua Trung Quốc để trở thành “động lực chính của tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu”. 

Báo cáo cho biết, 13 thành viên OPEC khai thác 32,47 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 3, giảm 90.000 thùng/ngày so với tháng 2 do gián đoạn sản xuất ở Nigeria, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Iraq. 

Theo báo cáo, sản lượng dầu của Iran đã tăng 400.000 thùng/ngày từ đầu năm đến nay, đạt mức 3,3 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, tốc độ trở lại thị trường xuất khẩu dầu của Iran là chậm hơn so với dự kiến ban đầu. 

Tin cùng chuyên mục