Thế khó của doanh nghiệp có cổ đông ngoại nắm quyền phủ quyết

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tổng công ty CP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) sẽ chốt danh sách cổ đông vào giữa tháng 3/2024 để tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024. Theo đó, kế hoạch tăng vốn điều lệ của PTI tiếp tục là nội dung được quan tâm tại Đại hội năm nay, sau 2 năm liên tiếp chưa tìm được tiếng nói chung giữa các cổ đông lớn.
Tại Tổng công ty CP Bảo hiểm Bưu điện, các nhóm cổ đông nội - ngoại không tìm được tiếng nói chung trong những năm gần đây. Ảnh: ST
Tại Tổng công ty CP Bảo hiểm Bưu điện, các nhóm cổ đông nội - ngoại không tìm được tiếng nói chung trong những năm gần đây. Ảnh: ST

Từ câu chuyện PTI

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 (diễn ra vào tháng 6), tờ trình chào bán cổ phiếu nâng vốn điều lệ lên gấp đôi không được thông qua khi chỉ có 54,06% số phiếu tán thành và 44,55% số phiếu phủ quyết.

Phương án tăng vốn khi đó được HĐQT PTI đề ra trên cơ sở đánh giá với vốn điều lệ 804 tỷ đồng, Tổng công ty có năng lực về vốn ở mức thấp so với các công ty bảo hiểm phi nhân thọ. PTI khó có cơ hội tham gia các hợp đồng bảo hiểm lớn do không đáp ứng được yêu cầu vốn điều lệ tối thiểu của chủ đầu tư, hạn chế khả năng cạnh tranh với các đối thủ. Do vậy, tăng vốn điều lệ sẽ giúp PTI tăng cường năng lực tài chính, có cơ hội tham gia các hợp đồng bảo hiểm lớn, đặc biệt là trong đấu thầu bảo hiểm…

Tuy nhiên, đề xuất tăng vốn điều lệ không nhận được sự đồng thuận từ cổ đông lớn DB Insurance (Hàn Quốc) khi cho rằng, sau năm 2022 thua lỗ, việc tăng vốn điều lệ có thể gặp phải khó khăn về thủ tục. Bên cạnh đó, biên độ thanh toán của PTI đã được cải thiện do kết quả kinh doanh đầu năm 2023 tốt lên nên việc tăng vốn là chưa cần thiết. Năm 2023, PTI ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 252 tỷ đồng, đảo chiều so với khoản lỗ 347 tỷ đồng trong năm 2022.

DB Insurance đã tham gia và trở thành cổ đông lớn tại PTI từ năm 2015 với tỷ lệ sở hữu 37,32% vốn. Đây là tỷ lệ đủ để mọi quyết sách của PTI cần phải có sự đồng thuận từ cổ đông này, bởi tỷ lệ cổ phần tối thiểu để thông qua nghị quyết là 65% (ở một số trường hợp, tỷ lệ này là 75%).

Tại ĐHĐCĐ năm 2022, HĐQT PTI cũng trình kế hoạch phát hành tăng vốn lên gấp đôi thông qua chào bán cổ phiếu, nhưng chỉ đạt tỷ lệ tán thành 51,05% nên không được thông qua. Bên cạnh đó, các tờ trình phát hành ESOP và chia cổ tức cũng không được thông qua khi chỉ nhận được tỷ lệ tán thành lần lượt là 51,03% và 55,99%.

Với thực tế trên, PTI tiếp tục bị lệch về vị thế thương trường, khi Công ty ghi danh vị trí thứ 4 trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, nhưng vốn điều lệ lại ở vị trí thứ 9. Thực tế này có thể khiến PTI gặp hạn chế khi tiếp cận các gói thầu bảo hiểm quy mô lớn, do nhiều gói thầu đánh giá nhà thầu dựa trên nhiều tiêu chí, trong đó có tiêu chí về vốn điều lệ.

Dấu hỏi về cổ đông ngoại

Sở hữu lớn tại PTI, tháng 2/2024, DB Insurance công bố trở thành cổ đông lớn, sở hữu 75% cổ phần tại đồng thời 2 công ty cùng ngành, là Tổng công ty CP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) và Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm hàng không (VNI). Tại Lễ công bố việc mua thâu tóm 2 DN bảo hiểm mới, lãnh đạo DB Insurance đều khẳng định sẽ cùng với các cổ đông khác, ban lãnh đạo và toàn thể nhân sự hiện có, xây dựng BSH/VNI phát triển, trở thành công ty bảo hiểm sở hữu năng lực hoạt động mạnh mẽ tại Việt Nam, khu vực bán đảo Đông Dương. DB Insurance cam kết sẽ trở thành “người đồng hành đáng tin cậy” cùng thực hiện tầm nhìn và mục tiêu tương lai của BSH/VNI.

PTI là một trong các doanh nghiệp đối mặt với bài toán khó khi nhóm cổ đông lớn nội - ngoại không tìm được tiếng nói chung. Trước đó, thị trường từng ghi nhận những câu chuyện tương tự giữa các nhóm cổ đông nội - ngoại tại các doanh nghiệp như Bibica, Coteccons… Để xử lý được những đối nghịch về quan điểm giữa các cổ đông lớn, hoặc các bên phải chấp nhận đàm phán, tìm tiếng nói chung trong phát triển doanh nghiệp, hoặc 1 bên phải rút lui, nhường lại quyền quyết cho bên còn lại.

Quan sát từ thực tế cho thấy, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm là những lĩnh vực có sức hút đáng kể với nhà đầu tư quốc tế và nhiều cuộc mua bán sáp nhập (M&A) đã diễn ra trong các lĩnh vực này. Tuy nhiên, nếu ngành chứng khoán/ngân hàng có quy định hạn chế cổ đông lớn mua cổ phần ở các công ty chứng khoán/ngân hàng khác thì lĩnh vực bảo hiểm lại chưa có quy định này.

Trong khi nhà đầu tư DB Insurance “vui duyên mới” tại BSH/VNI thì nhiều nhà đầu tư, cổ đông đại chúng của PTI đang nóng lòng với câu hỏi: kế hoạch tăng vốn của PTI năm 2024 liệu có được cổ đông Hàn Quốc đồng thuận? Nếu DB Insurance tiếp tục phủ quyết, PTI sẽ không thể tăng vốn và có khả năng khó giữ vững vị thế thương trường do chính hạn chế về năng lực vốn điều lệ.

DB Insurance được biết đến là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đứng thứ 2 tại Hàn Quốc với mạng lưới hoạt động toàn cầu. Với nền tảng pháp lý hiện tại và tiềm lực tài chính lớn, DB Insurance đã mua và sở hữu lớn tại đồng thời 3 doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam. Tương lai 3 doanh nghiệp bảo hiểm có cổ đông lớn là DB Insurance ra sao là một câu hỏi ngỏ, nhưng thực tế tại PTI cho thấy, các cổ đông trong nước ở trong tình thế khó khi không thể quyết việc tăng vốn để phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp, do cổ đông ngoại phủ quyết với lý do không thực sự rõ ràng.

Tin cùng chuyên mục