Lợi nhuận nửa đầu năm 2018 âm 506,41 tỷ đồng, đặt Tổng công ty Sông Hồng vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Ảnh: Thanh Sang |
Tại thời điểm 30/6/2018, lỗ lũy kế của Tổng công ty đã lên tới 506,41 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 196,1 tỷ đồng.
Mất cân đối tài chính trầm trọng
Sau khi chứng kiến sự sụt giảm mạnh về doanh thu trong quý I/2018 so với cùng kỳ năm 2017, trong suốt quý II/2018, Tổng công ty cũng chỉ ghi nhận được hơn 2 tỷ đồng doanh thu, bằng gần 1/5 doanh thu của quý I. Trong khi đó, các khoản chi phí hoạt động vẫn phải duy trì khiến cho mức lỗ ròng trong quý II/2018 lên tới 14,25 tỷ đồng, gấp 2 lần so với mức lỗ ròng trong quý I/2018.
Không có dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trong khi các nút thắt về tài chính vẫn chưa có hướng giải quyết khiến cho tình trạng mất cân đối tài chính của Tổng công ty ngày càng trở nên trầm trọng.
Cụ thể, tại thời điểm 30/6/2018, 3 khoản mục được coi là những “cục máu đông” làm tắc nghẽn dòng tiền của Tổng công ty bao gồm: các khoản phải thu ngắn hạn 666,44 tỷ đồng, trong đó đã thực hiện trích lập dự phòng 196,85 tỷ đồng; hàng tồn kho 417,02 tỷ đồng, trong đó chi phí sản xuất kinh doanh dở dang là 378,18 tỷ đồng và cuối cùng là các khoản phải thu dài hạn khác 296,25 tỷ đồng. Tính chung 3 khoản mục này là 1.182 tỷ đồng, chiếm 81,51% tổng tài sản doanh nghiệp (DN).
Sự mất cân đối tài chính được thể hiện rõ hơn khi tổng nợ ngắn hạn của Tổng công ty là 1.328,33 tỷ đồng, vượt quá tài sản ngắn hạn gần 360,33 tỷ đồng và tăng gần 10% so với thời điểm đầu năm 2018. Kinh doanh bết bát, lợi nhuận của Tổng công ty âm 506,41 tỷ đồng, vượt quá vốn chủ sở hữu 196,1 tỷ đồng và đặt Tổng công ty vào tình trạng mất khả năng thanh toán, tạm dừng hoạt động để giải quyết các vấn đề tài chính còn tồn đọng.
Số liệu tài chính chưa được phản ánh chính xác
Các vấn đề liên quan đến các khoản phải thu khách hàng, chi phí xây dựng cơ bản dở dang hay các khoản phải thu dài hạn khác không được phản ánh một cách chính xác và đầy đủ tiếp tục được kiểm toán độc lập ngoại trừ và nhấn mạnh khi thực hiện soát xét báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2018.
Liên quan đến các khoản phải thu ngắn hạn, Công ty TNHH Kiểm toán CPA Việt Nam không thu thập được đầy đủ thư xác nhận nên không thể xác định được tính hiện hữu đầy đủ của 218,89 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khách hàng, 296,24 tỷ đồng phải trả người bán ngắn hạn cũng như 161,45 tỷ đồng phải thu khác. Điều này đồng nghĩa Tổng công ty phải tiếp tục thực hiện trích lập dự phòng trong tương lai.
Tiếp đến là việc không thể đánh giá được ảnh hưởng của các vấn đề như việc Tổng công ty chưa có bất kỳ khoản dự phòng nào được lập liên quan đến nghĩa vụ bảo lãnh cho Công ty CP Thép Sông Hồng. Bản án số 45/2018/KDTM-PT ngày 12/4/2018 của Tòa án nhân dân TP. Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại tranh chấp hợp đồng bảo lãnh giữa Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam và Tổng công ty Sông Hồng kết luận Tổng công ty Sông Hồng phải có nghĩa vụ trả nợ thay cho Công ty CP Thép Sông Hồng với số tiền 238,97 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 95,43 tỷ đồng, nợ lãi trong hạn và nợ lãi quá hạn là 143,53 tỷ đồng. Có lẽ mức lỗ lũy kế của Tổng công ty Sông Hồng sẽ còn tăng hơn nữa trong trường hợp DN phản ánh một cách đầy đủ nghĩa vụ tài chính phải trả này vào kết quả kinh doanh.
Từ một DN nhà nước có tên tuổi, sau cổ phần hóa, Tổng công ty Sông Hồng đã làm ăn sa sút khi không kiểm soát tình hình đầu tư vào các dự án và công ty con. Tại Đại hội đồng cổ đông 2018 diễn ra mới đây, ông Lã Tuấn Hưng, Tổng giám đốc Tổng công ty cho biết, DN vẫn luôn trong tình trạng đối mặt với nguy cơ phá sản. Do báo cáo tài chính lỗ lũy kế lớn, âm vốn chủ sở hữu và nợ nhóm 5 của ngân hàng nên DN không đủ điều kiện về năng lực tham gia các gói thầu lớn để tạo công việc và hiệu quả tài chính. Doanh thu và sản lượng chủ yếu của các công trình chuyển tiếp dở dang từ các năm trước sang nên hiệu quả không cao. Năm 2018, Tổng công ty Sông Hồng đặt mục tiêu lỗ hơn 20,8 tỷ đồng, nhưng với tình thế khó khăn bủa vây như hiện nay, con số lỗ mục tiêu khó có thể kìm giữ được.