Thêm “chất xúc tác” phát triển công nghiệp hỗ trợ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Những năm qua, doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Tuy vậy, năng lực của DN CNHT vẫn còn hạn chế. Gần đây, Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp quan trọng này.
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động. Ảnh: Lê Tiên
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động. Ảnh: Lê Tiên

Theo Bộ Công Thương, số lượng DN CNHT chiếm gần 4,5% tổng số DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động, chiếm 8% lao động toàn ngành chế biến, chế tạo. Doanh thu sản xuất, kinh doanh đạt hơn 900.000 tỷ đồng, đóng góp gần 11% tổng doanh thu toàn ngành chế biến, chế tạo.

Đến nay, một số DN sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt tại những lĩnh vực như: sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện... Các sản phẩm này đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Tuy vậy, ngành CNHT vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn đến các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu. Theo Cục Công nghiệp thuộc Bộ Công Thương, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hàng điện tử lớn thứ 12 thế giới và thứ 3 trong khối ASEAN. Tuy nhiên, sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng phần lớn linh kiện nhập khẩu. Các DN CNHT trong nước đã tham gia vào chuỗi giá trị của ngành, nhưng đa số mới cung cấp các sản phẩm đơn giản, có giá trị, hàm lượng công nghệ thấp.

Chính bởi những điểm yếu trên, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại các quốc gia cung ứng linh phụ kiện sản xuất chủ yếu cho Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản..., ngành công nghiệp trong nước đã gặp rất nhiều khó khăn.

Liên quan đến vấn đề này, tại Hội nghị giao thương trực tuyến CNHT Việt Nam - Nhật Bản 2021 tổ chức mới đây, ông Akutsu Michio, chuyên gia tư vấn thuộc Hiệp hội Các nhà tư vấn kinh doanh quốc tế Nhật Bản nhận xét, còn nhiều thách thức với DN CNHT Việt Nam. Đó là năng suất của DN các địa phương còn khá thấp; thiếu nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao; việc cấp vốn để đầu tư trang thiết bị còn khó…

Xác định phát triển CNHT là một trong những giải pháp quan trọng nhằm cải thiện chất lượng, tạo động lực tăng trưởng kinh tế bền vững, thời gian qua, Chính phủ có nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển CNHT.

Đầu tháng 6, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2021/NĐ-CP bổ sung Điểm g Khoản 2 Điều 20 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 20 Điều 1 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP) về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với dự án sản xuất sản phẩm CNHT.

Nghị định nêu rõ, DN có dự án đầu tư (đầu tư mới và đầu tư mở rộng) sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển, thực hiện trước ngày 1/1/2015, đáp ứng các điều kiện của dự án sản xuất sản phẩm CNHT theo quy định tại Luật số 71/2014/QH13 và được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm CNHT thì được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập DN với các trường hợp cụ thể.

Ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam cho rằng, ưu đãi này là “chất xúc tác” cần thiết, quý giá để hỗ trợ các DN CNHT Việt Nam phát triển, khuyến khích ngày càng nhiều DN Việt đầu tư vào lĩnh vực CNHT.

Trong buổi làm việc giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và Bộ Công Thương cuối tuần qua, hai bên đã nhất trí tiến tới xây dựng một thỏa thuận hợp tác làm cơ sở để trao đổi, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng kỳ vọng, thời gian tới, ngành Công Thương sẽ làm tốt công tác xây dựng các ngành công nghiệp chủ chốt, nền tảng, cốt lõi để hội nhập thành công và giúp DN trong nước tận dụng tối đa những lợi ích của các FTA mà Việt Nam đã ký kết và thực thi. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất, hai bên cần tăng cường phối hợp, trao đổi để nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh cho DN.

Tin cùng chuyên mục