Đề án được xây dựng nhằm đẩy mạnh triển khai nội dung của Nghị quyết số 35/NQ-CP hỗ trợ phát triển DN giai đoạn 2016 - 2020.
Theo nguồn tin của Báo Đấu thầu, cách thức đánh giá của bộ chỉ số phát triển DN của chính quyền có nhiều điểm tương tự như Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đang thực hiện để đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, bộ chỉ số PCI chưa phản ánh được hết tình hình “sức khỏe” của DN tại địa phương. Do đó, việc xây dựng Chỉ số phát triển của DN là rất cần thiết. Và tác dụng lớn nhất của bộ chỉ số này là giúp DN có thể phản ánh được những vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Căn cứ vào kết quả đánh giá của DN, chính quyền có thể có những đường hướng cụ thể nhằm xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển của DN.
Phương pháp xây dựng bộ chỉ số phát triển DN của chính quyền được dựa trên các chỉ số đầu vào cho DN (vốn, lao động, môi trường…) và chỉ số đầu ra của DN (lợi nhuận, số việc làm tạo ra hay tổng thuế phải nộp…) theo mô hình toán hồi quy. Kết quả của phương pháp tính này là một bộ trọng số đánh giá rất sát kết quả hoạt động của DN, cũng như phản ánh rõ nhất tại địa phương đó DN đang có vấn đề gì mà chính quyền địa phương cần phải quan tâm điều chỉnh.
Nguồn tin cũng cho biết, khi Đề án Chỉ số phát triển DN được thực hiện, chắc chắn sẽ đón nhận được sự quan tâm và tham gia của DN, nhất là sẵn sàng cung cấp thông tin khảo sát để nói lên tiếng nói của mình, cho biết mình đang cần gì ở chính quyền… Bộ chỉ số này cũng được nhiều nước có nền kinh tế phát triển đẩy mạnh triển khai như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore…
Tuy nhiên, một số DN bày tỏ băn khoăn, khi bộ chỉ số phát triển DN của chính quyền được ban hành, DN phải trả lời khảo sát - đây có phải là một thủ tục hành chính hay không? Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định, đây không phải là một thủ tục hành chính phiền hà, mà gần như là một khảo sát đánh giá về mức độ hài lòng của DN với chính quyền trên nền tảng thông tin có sẵn. Thông qua việc trả lời câu hỏi một cách đơn giản, DN nói được tiếng nói của mình với chính quyền, chính quyền nhìn nhận lại mình để thay đổi nhằm thiết lập một môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN.
Một chuyên gia pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhìn nhận, Chỉ số phát triển DN của chính quyền khảo sát dùng trên thông tin có sẵn nên không tạo thêm thủ tục cho DN. Kết quả đánh giá từ bộ chỉ số này sẽ cho cơ quan quản lý, người dân biết được, trong một năm ở địa phương đó có bao nhiêu DN được thành lập, bao nhiêu DN rời khỏi thị trường, hoạt động kinh doanh lỗ lãi như thế nào… “Đây là một phương pháp tốt để đo độ hài lòng của người dân, DN với chính quyền trong công tác hỗ trợ DN và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”, chuyên gia này khẳng định.