Ảnh minh họa |
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) dự kiến sẽ chính thức có hiệu lực trong năm 2018. Là Hiệp định thương mại tự do (FTA) toàn diện nhất từ trước tới nay, được nhận định sẽ tác động trực tiếp, tích cực tới nền kinh tế Việt Nam thông qua thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu hàng hóa cũng như thu hút đầu tư.
Theo đó, Việt Nam và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hơn 99% số dòng thuế theo nguyên tắc 7/10 (EU sẽ xóa bỏ toàn bộ thuế nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam tối đa trong 7 năm theo các lộ trình xóa bỏ ngay, xóa bỏ sau 3 năm, sau 5 năm và 7 năm. Việt Nam sẽ xóa bỏ hoàn toàn sau 10 năm với các lộ trình xóa bỏ ngay, xóa bỏ sau 3 năm, sau 5 năm, sau 7 năm và sau 10 năm).
Đối với rất ít số dòng thuế còn lại, hai bên sẽ dành cho nhau hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm thuế quan một phần. Đây có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các Hiệp định FTA đã được ký kết từ trước tới nay.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: “Chúng ta đang rất kỳ vọng vào tác động tích cực mà EVFTA mang lại. Đây là ‘cú hích’ để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hiện tử, hàng dệt may, giày da, thủy sản; nhập khẩu nhiều hơn hàng máy móc thiết bị. Nhưng tôi kỳ vọng nhiều hơn vào luồng vốn đầu tư của khối EU vào Việt Nam đặc biệt trong những ngành nghề họ có thế mạnh như sản xuất dược phẩm”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Cung cho biết, việc phê chuẩn FTA giữa EU và Việt Nam sẽ phải được quốc hội từng nước thuộc khối này thông qua. Vì vậy, ông nhận định EVFTA để đi vào thực thi sẽ là một quá trình kéo dài hơn so với thời điểm năm 2018.
Từ đó, ông Cung nêu quan điểm, năm 2018, tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn diễn biến bình thường. Ông bày tỏ hi vọng nhiều hơn ở những cải cách trong nước như cải thiện môi trường kinh doanh, cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước…
“Chỉ khi làm như vậy mới nâng được doanh nghiệp nội địa lên, xóa bỏ những rào cản để họ phát triển. Hơn nữa, không nên quá đặt nặng yếu tố bên ngoài, nếu chỉ trông đợi cơ hội bên ngoài, mà cải cách bên trong không làm thì cuối cùng cũng chỉ tạo cơ hội cho những nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”.
Còn theo quan điểm của chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: “EVFTA có hiệu lực sẽ gỡ bỏ một số rào cản, Việt Nam cũng có được nhiều ưu đãi. Hiệp định sẽ đóng góp cho tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, nhưng đột phá thì không. Do hàng hóa vào Việt Nam vào EU càng ngày càng chiếm một tỷ trọng cao nhưng chúng ta không phải là thị trường xuất khẩu duy nhất vào EU mà phải cạnh tranh với rất nhiều quốc gia khác ngay cả trong khu vực Đông Nam Á”.
Nhất là khi EU là một thị trường đòi hỏi đáp ứng tiêu chuẩn rất cao, thực tế hàng Việt Nam chưa được xếp hàng tốp những sản phẩm chất lượng cao mà chỉ ở tầm trung. Ngay cả nông, thủy, hải sản-những mặt hàng được xem là thế mạnh hiện nay của Việt Nam cũng đã chứng kiến nhiều trường hợp không được thông quan, bị trả lại do không đáp ứng tiêu chuẩn. Vì vậy, cần nâng cao chất lượng cũng như đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu hơn nữa.
Mặt khác, bên cạnh EVFTA, Việt Nam đã có hiệp định song phương với hầu hết các quốc gia châu Âu, “hợp tác thương mại, mậu dịch, ưu đãi cũng như tiềm năng phát triển từ những hiệp định này cũng đã giúp chúng ta tăng trưởng xuất khẩu trong nhưng năm qua rồi chứ không phải chờ đến khi EVFTA có hiệu lực”, ông Hiếu nhận định.
Liên hệ với Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nêu nhận định, CPTPP khó có thể tạo đột phá cho Việt Nam về lĩnh vực thương mại như trường hợp có sự giam gia của Mỹ. Bởi với những quốc gia đóng vai trò quan trọng nhất như Nhật Bản, Mexico, Canada, Singapore… Việt Nam đều đã có những hiệp định thương mại.
Tuy nhiên, ông Hiếu cho biết, khác với hiệp định song phương thường tập trung vào vấn đề thương mại, đặt trọng tâm vào những quyền lợi kinh tế, hiệp định đa phương mang tính chất cải tổ mạnh mẽ, toàn diện hơn. Đó là sự liên kết giữa các quốc gia không chỉ qua trao đổi hàng hóa mà còn liên quan đến các chính sách khác của các Chính phủ.
Vì vậy, “cái tôi nhìn thấy trong EVFTA và CPTPP không phải việc khuếch trương về mặt xuất khẩu mà là tiền đề, động lực để Việt Nam đẩy mạnh cải cách một cách toàn diện", ông Hiếu nói.
“Khi vào những sân chơi quốc tế như phải thay đổi toàn bộ, không chỉ là thay cái áo đang mặc mà cơ thể cũng phải cường tráng lên để đủ sức hội nhập và cạnh tranh”, vị chuyên gia nhận định.