Tôn mạ Việt Nam bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá sơ bộ 40 - 88%
Hoa Sen, Tôn Đông Á... và loạt doanh nghiệp thép mạ lớn tại Việt Nam bị áp mức thuế chống bán phá giá sơ bộ từ 40% đến 88%.
![]() |
Nguồn: Cục Quản lý thương mại quốc tế Mỹ - ITA |
Bộ Thương mại Mỹ đã công bố kết luận sơ bộ trong cuộc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ nhập khẩu từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Mức thuế chống bán phá giá đối với các doanh nghiệp Việt Nam có sự chênh lệch đáng kể. Các công ty bị điểm tên chịu mức thuế 39,84 - 59%, phần còn lại sẽ bị áp mức tối đa 88,12%.
Cuộc điều tra được khởi xướng từ tháng 9/2024, sau khi Bộ Thương mại Mỹ tiếp nhận đơn kiện từ các nhà sản xuất thép nội địa Mỹ. Theo kế hoạch, Bộ Thương mại Mỹ sẽ đưa ra kết luận cuối cùng vào ngày 18/8. Sau đó, Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) sẽ đưa ra quyết định cuối cùng dự kiến vào tháng 10.
Theo danh sách Bộ Thương mại Mỹ công bố, Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG) - một trong những doanh nghiệp đầu ngành - bị áp mức thuế cao nhất trong nhóm các công ty niêm yết, lên tới 59%.
Tiếp đến là Tôn Hòa Phát, thuộc Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG), và Thép Nam Kim (mã: NKG), cùng bị áp mức thuế 49,42%. Công ty CP Tôn Đông Á (mã chứng khoán: GDA) chịu mức thuế thấp nhất trong nhóm các công ty đại chúng với 39,84%.
Ngoài ra, một loạt doanh nghiệp khác như Tôn Pomina, Thương mại Thép TVP, Thép Tây Nam, Tôn Phương Nam và các công ty có vốn đầu tư nước ngoài như China Steel & Nippon Steel Việt Nam, Maruichi Sun Steel, Sam Hwan Vina, Tôn Thép Việt Pháp... bị áp chung mức thuế 49,42%.
Với những doanh nghiệp thép Việt Nam không được nêu cụ thể trong danh sách, Bộ Thương mại Mỹ áp mức thuế suất toàn quốc lên đến 88,12%, mức cao nhất trong đợt công bố lần này.
Theo số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ, kim ngạch nhập khẩu thép mạ từ Việt Nam vào thị trường Mỹ đạt 626 triệu USD trong năm 2021, tăng lên 751 triệu USD trong năm 2022. Tuy nhiên, năm 2023, con số này giảm mạnh chỉ còn 241 triệu USD.
Ngoài việc đối mặt với thuế chống bán phá giá, các doanh nghiệp thép Việt Nam còn phải đối phó với cuộc điều tra trợ cấp đang được Bộ Thương mại Mỹ tiến hành song song. Kết quả của cuộc điều tra này có thể dẫn đến việc áp thêm thuế đối kháng lên các sản phẩm thép Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.
Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị danh sách các mặt hàng đàm phán gỡ thuế
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành tập trung chuẩn bị danh sách các mặt hàng cần đàm phán để đưa thuế suất về 0%.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp thứ 2 của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành để thảo luận các giải pháp trước mắt và lâu dài sau khi Mỹ công bố áp thuế đối ứng với hàng hóa từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam |
Chiều 5/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành trước việc Mỹ công bố quyết định áp mức thuế đối ứng lên các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang nước này. Đây là cuộc họp thứ 2 trong vòng 3 ngày qua của lãnh đạo Chính phủ liên quan vấn đề này.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các thành viên chuẩn bị danh sách các mặt hàng cần đàm phán để đưa thuế suất về 0%.
"Danh sách này cần chuẩn bị sẵn sàng để có căn cứ rõ ràng khi gặp gỡ, đàm phán", Thủ tướng nói và cho biết, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc sẽ chịu trách nhiệm quyết định trên bàn đàm phán với tinh thần "dĩ bất biến, ứng vạn biến".
"Tinh thần chung là sẵn sàng đàm phán để đưa mức thuế về 0% với hàng hóa nhập từ Mỹ và đề nghị Mỹ áp thuế tương tự", Thủ tướng Chính phủ nói thêm.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các thành viên Chính phủ tiếp tục xúc tiến các cuộc trao đổi, tiếp xúc với phía Mỹ trên các cấp, các kênh, giải quyết các quan tâm từ phía Mỹ trên tinh thần hai bên cùng có lợi.
Người đứng đầu Chính phủ cũng giao các bộ, ngành làm việc với các doanh nghiệp Mỹ, tháo gỡ vướng mắc để thúc đẩy các dự án của doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam. Cùng với đó, Việt Nam sẽ rà soát các mặt hàng, tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ để cân bằng thương mại; tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh giảm thuế phù hợp với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Theo số liệu từ Cục Hải quan, năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lượng hàng trị giá 119,5 tỷ USD và nhập từ thị trường này 15,1 tỷ USD.
Thuế nhập khẩu đối ứng được Mỹ áp dụng với hơn 180 đối tác thương mại, trong đó khoảng một nửa số nền kinh tế chịu mức thuế chung là 10%, có hiệu lực từ ngày 5/4.
Đến ngày 9/4, phía Mỹ sẽ xem xét mức thuế bổ sung cao với khoảng 59 quốc gia, trong đó có Việt Nam, với thuế suất lên tới 46%. Mức thuế này được đưa ra nhằm "đối ứng" với thuế nhập khẩu Việt Nam đang áp với hàng hóa Mỹ, tức là khoảng 90%, theo cách tính của nước này.
Trước đó, ngày 4/4, Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống Donald Trump, cho biết sẵn sàng trao đổi với Mỹ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% với hàng nhập từ Mỹ và đề nghị Mỹ áp mức thuế tương tự với hàng nhập từ Việt Nam.
Đêm 5/4, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc lên đường công tác tại Mỹ. Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cùng với phía Mỹ tập trung triển khai, hiện thực hóa nội dung mà hai lãnh đạo đã nhất trí trong cuộc điện đàm ngày 4/4.
Thủ tướng Tây Ban Nha sắp thăm Việt Nam
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez sẽ thăm chính thức Việt Nam trong tuần sau, theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
![]() |
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez tại Cung điện Moncloa, thủ đô Madrid |
Bộ Ngoại giao cho biết, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 8 - 10/4.
Thủ tướng Phạm Minh Chính từng gặp ông Sánchez hai lần trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN - Liên minh châu Âu (EU) tại Bỉ tháng 12/2022 và Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Brazil tháng 11/2024.
Trong cuộc gặp tại Brazil, Thủ tướng Tây Ban Nha nhất trí với những đề xuất hợp tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ông đề nghị hai bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng như tàu điện ngầm, đường sắt đô thị, quy hoạch đô thị, tích cực ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương.
Việt Nam - Tây Ban Nha thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/5/1977 và trở thành Đối tác Chiến lược hướng tới tương lai vào tháng 12/2009. Tây Ban Nha là Đối tác Chiến lược đầu tiên của Việt Nam trong EU.
Hiện nay, Tây Ban Nha là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam trong EU và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Tây Ban Nha trong khối ASEAN. Kim ngạch thương mại song phương năm 2024 đạt 4,72 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023 và là mức cao nhất từ trước đến nay.
Tây Ban Nha hiện có 97 dự án tại Việt Nam với mức vốn gần 144 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, lưu trú và dịch vụ ăn uống. Việt Nam có 3 dự án đầu tư sang Tây Ban Nha với mức vốn hơn 64 triệu USD, chủ yếu trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ và công nghiệp chế biến, chế tạo.
Hiện có khoảng 5.000 người Việt cư trú tại Tây Ban Nha, chủ yếu là tiểu thương và đã hòa nhập với nước sở tại. Việt Nam hiện miễn thị thực đơn phương cho công dân Tây Ban Nha với thời hạn 45 ngày. Năm 2024, Việt Nam đón 91.400 lượt khách du lịch Tây Ban Nha.
Cả nước có hơn 200 nghìn cán bộ, công chức xã, 92,4% có trình độ đại học
Theo Bộ Nội vụ, tính đến ngày 31/12/2024, số lượng cán bộ, công chức cấp xã là trên 212.600 người, trong đó có 92,4% tốt nghiệp đại học trở lên và 7,6% tốt nghiệp cao đẳng trở xuống.
![]() |
Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) đề xuất không phân biệt công chức cấp xã và công chức cấp tỉnh, cấp trung ương. Ảnh minh họa |
Theo đó, số lượng cán bộ, công chức xã không đạt tiêu chuẩn chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, sẽ được giải quyết theo chính sách, bảo đảm lợi ích chính đáng theo quy định của Chính phủ.
Trước đó, Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) đề xuất không phân biệt công chức cấp xã và công chức cấp tỉnh, cấp trung ương.
Ngoài ra, Điều 53 Dự thảo Luật quy định: Kể từ ngày Luật này có hiệu lực, cán bộ, công chức cấp xã theo quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019) được giữ nguyên số lượng biên chế cho đến khi hoàn thành việc rà soát, tinh giản, cơ cấu lại và sắp xếp theo vị trí việc làm của chính quyền địa phương; được bảo lưu mức tiền lương hiện hưởng cho đến khi bố trí việc làm mới theo quy định của Chính phủ.
Trong thời hạn 5 năm, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải sắp xếp, tinh giản và cơ cấu lại đội ngũ theo đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt.
Chính phủ xây dựng lộ trình, ban hành quy định từng bước chuyển đổi quản lý theo vị trí việc làm trong thời hạn 5 năm tính từ ngày Luật này có hiệu lực.
Trong thời hạn 5 năm, việc quản lý đội ngũ, các nội dung về tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chức tiếp tục thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Theo chủ trương của Bộ Chính trị, dự kiến cả nước sẽ sáp nhập một số tỉnh, giảm còn 34 tỉnh, thành và hơn 3.000 đơn vị hành chính cấp xã. Đồng thời, cả nước sẽ không còn 696 huyện như hiện nay.
Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp dự kiến gồm cấp tỉnh (thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp cơ sở gồm xã, phường, đặc khu tại hải đảo.
Giá vàng giảm mạnh, lùi về 100 triệu đồng mỗi lượng
Mỗi lượng vàng giảm mạnh tới 1,7 triệu đồng, đồng thời chênh lệch giá mua và bán nới rộng lên 3 triệu đồng.
![]() |
Khách hàng giao dịch tại quầy thu mua vàng |
Sáng 5/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng tại 97,1 - 100,1 triệu đồng, giảm 1,7 triệu đồng ở chiều mua vào và 1,2 triệu đồng chiều bán ra so với hôm qua. Chênh lệch giá mua và bán vàng miếng nới rộng lên vùng 3 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn trơn sáng 5/4 cũng được SJC điều chỉnh với biên độ tương tự. SJC hạ giá mua bán vàng nhẫn xuống 97 - 100 triệu đồng. Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết nhẫn trơn tại 97,5 - 100,1 triệu đồng. Còn tại Bảo Tín Minh Châu, nhẫn trơn giảm về 97,5 - 100,5 triệu đồng mỗi lượng.
Giá vàng trong nước đi xuống sau khi kim loại quý trên thị trường quốc tế rớt mạnh vào phiên giao dịch cuối tuần. Mỗi ounce vàng giao ngay giảm tới 80 USD và chốt phiên cuối tuần ở 3.036 USD/ounce.
Quy đổi theo tỷ giá bán Vietcombank, giá vàng thế giới hiện tương đương 95 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hiện quanh mức 5 triệu đồng mỗi lượng.
Hà Nội gỡ vướng dự án tái định cư Xuân La, Song Hong City
Khu tái định cư tại hai tòa CT3, CT4 Xuân La và Song Hong City nằm trong 4 dự án được TP. Hà Nội yêu cầu giải quyết dứt điểm vướng mắc.
![]() |
Khu tái định cư Xuân La, quận Tây Hồ |
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì Phiên họp thứ 7 của Tổ công tác đặc biệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án. Theo đó, có 4 dự án được đề nghị gỡ vướng về thủ tục đầu tư, mặt bằng.
Công ty TNHH Phát triển đô thị đề nghị tháo gỡ những vướng mắc tại Dự án Song Hong City ở phường Phúc Xá, quận Ba Đình và phường Yên Phụ, quận Tây Hồ. Dự án này được cấp phép đầu tư năm 1994 với quy mô vốn khoảng 250 triệu USD. Dù có tiến độ được duyệt trong 8 năm đến 2002, nhưng đến nay, Dự án vẫn "nằm trên giấy".
Trước đó, UBND TP. Hà Nội từng lý giải Dự án Song Hong City bị dừng triển khai do thay đổi quy định về quy hoạch đê điều, thoát lũ, quy hoạch phân khu qua các thời kỳ.
Công ty CP Đầu tư đô thị Hồ Tây đề nghị gỡ vướng mắc Dự án Nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo phương thức đặt hàng tại ô đất CT3, CT4 Khu tái định cư Xuân La, phường Xuân La, quận Tây Hồ.
Khu tái định cư Xuân La gồm 4 khối nhà, trong đó 2 tòa CT1 và CT2 do Ban Quản lý khu đô thị mới xây, còn CT3 và CT4 giao cho doanh nghiệp đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Đến nay, Dự án vẫn chưa được bàn giao.
Tại huyện Phúc Thọ, Tập đoàn Sunshine đề nghị giải quyết vướng mắc của Dự án Khu vườn sinh thái Cẩm Đình - Hiệp Thuận (tên thương mại: Sunshine Heritage Resort). Dự án được duyệt quy hoạch năm 2007, sau đó điều chỉnh quy hoạch vào tháng 6/2022 với tổng diện tích gần 250 ha, quy mô dân số trên 7.000 người.
Công ty CP Đầu tư và Thương mại Trung Yên kiến nghị được thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất để lập Dự án Khu cây xanh kết hợp thể dục thể thao và vui chơi giải trí tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh.
Chủ tịch UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành và địa phương giải quyết dứt điểm những vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền. Chủ tịch Trần Sỹ Thanh yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa trong giải quyết các thủ tục nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.
Đến nay, Tổ công tác đặc biệt TP. Hà Nội đã gỡ vướng cho 24 trên 36 nhà đầu tư có kiến nghị tại 6 phiên họp trước.
Hải Phòng có thêm cảng gần 73 ha đón được tàu container lớn nhất thế giới
Dự án bến cảng quy mô gần 73 ha tại Lạch Huyện vừa được đưa vào vận hành, có thể đón cùng lúc 2 tàu container lớn nhất thế giới.
![]() |
Bến cảng số 5 và 6 tại Lạch Huyện, Hải Phòng được vận hành từ ngày 5/4 |
Dự án bến số 5 và số 6 khu bến cảng Lạch Huyện, Hải Phòng bắt đầu hoạt động từ ngày 5/4, do Tập đoàn Hateco làm chủ đầu tư. Đây cũng là dự án phát triển hạ tầng cảng biển nước sâu đầu tiên tại Việt Nam từ nguồn vốn tư nhân theo quyết định của Chính phủ.
Cảng được khởi công từ tháng 8/2022, hoàn thành trong 30 tháng - vượt tiến độ 2 tháng với hơn 1.500 nhân lực từ 100 nhà thầu, đơn vị tư vấn. Cảng container quốc tế Hateco Hải Phòng (HHIT) có quy mô gần 73 ha, trong đó bến chính dài 900 m và bến sà lan 300 m. Dự án có khả năng tiếp nhận đồng thời 2 tàu container lớn nhất thế giới hiện nay.
HHIT cũng sở hữu 10 cẩu bờ STS (ship-to-shore) tầm với 24 hàng container, cùng 36 cẩu e-RTG chạy điện, giúp nâng hạ hàng hóa nhanh chóng và tiết kiệm năng lượng. Hateco đã bố trí hệ thống 1.350 ổ cắm container lạnh để phục vụ nhu cầu bảo quản hàng lạnh, đảm bảo chuỗi cung ứng không bị gián đoạn.
Cùng với đó, bến cảng này cũng trang bị hạ tầng kỹ thuật, dữ liệu hiện đại, trong đó có công nghệ TAS (Truck Appointment System) - nền tảng đặt lịch hẹn xe container, giúp tài xế chủ động thời gian ra vào cảng. Đến nay, đây là dự án cảng nước sâu lớn nhất và hiện đại nhất tại miền Bắc.
Bắc Ninh: Cưỡng chế thu hồi đất Dự án Khu đô thị phục vụ Khu công nghiệp Thuận Thành III - Phân khu B
UBND thị xã Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) vừa ban hành các quyết định cưỡng chế thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án cưỡng chế thu hồi đất khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng khu đô thị phục vụ Khu công nghiệp Thuận Thành III - phân khu B.
![]() |
Khu công nghiệp Thuận Thành III |
Dự án trên được Bộ Xây dựng phê duyệt thiết kế cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại Văn bản số 571 ngày 21/10/2020; UBND tỉnh Bắc Ninh điều chỉnh Quy hoạch tại Quyết định số 619 ngày 31/12/2021. Dự án có diện tích quy hoạch hơn 70 ha, thuộc địa phận phường Gia Đông, thị xã Thuận Thành do Công ty CP Đầu tư Trung Quý Bắc Ninh làm chủ đầu tư. Đây là dự án khu đô thị và dịch vụ có kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, hệ thống công trình công cộng, dịch vụ đầy đủ tiện nghi phục vụ sự phát triển chung của tỉnh Bắc Ninh.
Thời gian qua, với sự vào cuộc vận động tích cực của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương, cơ bản các hộ gia đình thuộc diện phải giải tỏa đã nhận tiền đền bù và thực hiện di dời để thực hiện Dự án. Đến nay, Dự án đã đền bù, giải phóng mặt bằng được 98%, được UBND Tỉnh giao đất với tổng diện tích 69,3 ha. Còn lại 2%, khoảng 1,6 ha của 23 hộ gia đình, cá nhân tại khu phố Tam Á và khu phố Ngọc Khám, phường Gia Đông có đất nông nghiệp và mồ mả chưa nhận tiền đền bù.
Để bảo đảm tiến độ thực hiện Dự án, UBND thị xã Thuận Thành đã ban hành phương án cưỡng chế thu hồi đất đối với những trường hợp chưa bàn giao mặt bằng theo quy định. Theo đó, Ban cưỡng chế thu hồi đất tiếp tục phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị xã Thuận Thành và các tổ chức chính trị xã hội của thị xã và phường Gia Đông trực tiếp vận động, thuyết phục từng hộ gia đình, cá nhân nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng để thực hiện Dự án. Thời gian vận động đến hết ngày 7/4/2025. Nếu các hộ gia đình, cá nhân đã được tuyên truyền, vận động nhưng vẫn không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng thì sẽ tiến hành cưỡng chế thu hồi đất vào ngày 9/4/2025.
Xử phạt hơn 1.600 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong ngày 5/4
Trong ngày 5/4, toàn quốc xảy ra 52 vụ tai nạn giao thông làm chết 32 người, bị thương 22 người. Ngoài ra, trong ngày nghỉ cuối tuần, cảnh sát giao thông đã xử lý hơn 1.600 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
![]() |
Cảnh sát giao thông Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông |
Chiều 5/4, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) thông tin, trong ngày, toàn quốc xảy ra 52 vụ tai nạn giao thông làm chết 32 người, bị thương 22 người. Cảnh sát giao thông công an các địa phương đã kiểm tra, phát hiện, xử lý hơn 8.600 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, qua đó tạm giữ 37 ô tô, hơn 2.300 xe máy và 90 phương tiện khác. Cảnh sát cũng tước 426 giấy phép lái xe các loại, trừ điểm giấy phép lái xe 1.085 trường hợp.
Ngoài ra, trong ngày nghỉ cuối tuần, cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý hơn 1.600 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn; hơn 2.000 trường hợp vi phạm về tốc độ; 114 trường hợp chở hàng quá tải trọng; vi phạm ma túy 10 trường hợp.
Cùng ngày, các đội tuần tra kiểm soát đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông kiểm tra, lập biên bản 204 trường hợp vi phạm, tước giấy phép lái xe 72 trường hợp, trừ điểm giấy phép lái xe 50 trường hợp, tạm giữ 2 phương tiện.
Về đường thủy, Thủy đoàn I, Thủy đoàn II (Cục Cảnh sát giao thông) và Phòng Cảnh sát giao thông công an các địa phương đã kiểm tra, phát hiện xử lý 204 trường hợp vi phạm.
Cảnh sát giao thông các địa phương phát hiện, xử lý 3 trường hợp vi phạm trật tự an toàn đường sắt.