Hệ thống giao dịch chứng khoán mới KRX sẽ vận hành từ ngày 5/5
Ngày 2/4, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) thông báo, hệ thống công nghệ thông tin (KRX) cho thị trường chứng khoán Việt Nam dự kiến vận hành chính thức vào ngày 5/5, theo kế hoạch triển khai đã được phê duyệt.
![]() |
Hệ thống KRX chính thức được vận hành từ ngày 5/5 |
Theo đó, HoSE cho biết, ngày 5/5 trùng với ngày hiệu lực áp dụng của chỉ số kỳ tháng 4. Do đó, để đảm bảo công tác chuyển đổi và vận hành hệ thống được an toàn, thông suốt, HoSE quyết định thay đổi ngày hiệu lực áp dụng của Bộ chỉ số VNX-Index, VNDIAMOND, VNFINSELECT kỳ tháng 4 từ ngày 5/5 thành ngày 28/4.
Bên cạnh đó, HoSE cũng thay đổi ngày hiệu lực áp dụng của việc cập nhật tỷ lệ free-float, khối lượng lưu hành và giới hạn tỷ trọng vốn hóa của Bộ chỉ số HOSE-Index, chỉ số VNSI, chỉ số VNFINLEAD kỳ tháng 4 từ ngày 5/5 sang ngày 28/4.
KRX đang trong thời gian kiểm thử, từ ngày 17/3 đến ngày 11/4. Về nội dung kiểm thử, công ty chứng khoán thử nghiệm giao dịch chứng khoán như một ngày giao dịch bình thường. HoSE cũng lưu ý, công ty chứng khoán không được thử nghiệm các tình huống khác thường, không phù hợp thực tế.
Trước đó, ngày 11/3, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo về lộ trình triển khai hệ thống công nghệ thông tin mới. Ủy ban nêu nhiệm vụ các sở giao dịch (HoSE, HNX), Trung tâm Lưu ký và Bù trừ chứng khoán (VSDC) phải công bố về chức năng, tính năng mới của hệ thống mới được đưa vào vận hành để thị trường nắm được đầy đủ thông tin về hệ thống.
Ngay sau đó, HoSE thông báo về những thay đổi trong giao dịch khi áp dụng hệ thống công nghệ thông tin mới.
Dự kiến cấp tỉnh sáp nhập xong sẽ vận hành sau 30/8
Tại Hội nghị giao ban công tác tháng 3, triển khai nhiệm vụ công tác quý II và tháng 4, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo lộ trình, Đảng ủy Chính phủ sẽ báo cáo Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị lần thứ 11 để thông qua đề án sáp nhập tỉnh, xã, không tổ chức cấp huyện. Hội nghị ngày 16/4 cũng sẽ xác định các nhiệm vụ liên quan đến việc sắp xếp lại Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tòa án và viện kiểm sát.
![]() |
Dự kiến cấp tỉnh sáp nhập xong sẽ vận hành sau 30/8 |
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, từ 1/5, các tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ bắt đầu gửi đề án sắp xếp về Bộ Nội vụ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét.
Nội dung này được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội trước ngày 30/6. Chính quyền cấp xã sẽ bắt đầu vận hành từ ngày 1/7, trong khi cấp tỉnh sẽ vận hành sau ngày 30/8.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà lưu ý, từ ngày 1/5, khối lượng công việc sẽ rất lớn khi 63 tỉnh, thành phố gửi đề án sắp xếp về Bộ Nội vụ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội cùng thời điểm.
Đồng thời, Bộ cần phối hợp, hỗ trợ và hướng dẫn các bộ, ngành điều chỉnh văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo việc vận hành của chính quyền địa phương hai cấp, sau khi không còn cấp huyện.
Theo lộ trình, Đảng ủy Chính phủ sẽ báo cáo Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị 11 để thông qua đề án của Đảng ủy Chính phủ. Sau đó, Bộ Chính trị sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc để triển khai đồng bộ nội dung này.
Dự kiến, ngày 16/4 sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc để triển khai việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã, cùng với việc tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Hội nghị này cũng sẽ đề cập đến việc sắp xếp lại Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan tòa án, viện kiểm sát.
Mọi công việc sẽ được triển khai đồng bộ, với ngày 1/7 là mốc để chính quyền cấp xã bắt đầu vận hành và ngày 30/8 là thời điểm toàn bộ hệ thống chính trị, bộ máy sau khi sắp xếp, tổ chức lại sẽ đi vào hoạt động chung.
Hoàn thành giải phóng mặt bằng Cảng hàng không Quảng Trị trong tháng 4
Tính đến đầu tháng 4/2025, huyện Gio Linh đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 239/265 ha, đồng thời đang nỗ lực giải phóng khoảng gần 26 ha mặt bằng còn lại của dự án.
![]() |
Cảng hàng không Quảng Trị đang được thi công. |
Dự án Cảng hàng không Quảng Trị, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng như kế hoạch đã đề ra.
Cảng hàng không Quảng Trị là dự án trọng điểm của tỉnh Quảng Trị, có quy mô trên 265 ha, tập trung ở các xã: Gio Mai, Gio Hải, Gio Quang, huyện Gio Linh.
Dự án khởi công tháng 7/2024, tổng mức đầu tư 2 giai đoạn trên 5.830 tỷ đồng.
Cảng hàng không Quảng Trị được xây dựng đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C, có khả năng phát triển khai thác tàu bay Code E cho phép khai thác chuyến bay quốc tế không thường lệ theo quy hoạch tại Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 7/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ (khi có nhu cầu) và sân bay quân sự cấp 2, đáp ứng nhu cầu khai thác đến 5 triệu hành khách/năm và 25.500 tấn hàng hóa/năm.
UBND huyện Gio Linh được Tỉnh giao làm chủ đầu tư Dự án giải phóng mặt bằng Cảng hàng không Quảng Trị có kinh phí trên 233 tỷ đồng; trong đó, cần di dời tái định cư cho 35 hộ dân và hàng trăm lăng mộ.
Tính đến đầu tháng 4/2025, huyện Gio Linh đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 239/265 ha, đồng thời đang nỗ lực giải phóng khoảng gần 26 ha mặt bằng còn lại của Dự án.
Trước đó, tỉnh Quảng Trị đã cam kết với nhà đầu tư Dự án là hoàn thành giải phóng mặt bằng trong quý I/2025. Giải phóng mặt bằng Dự án bị chậm là do các khu tái định cư và nghĩa địa xây dựng mới chưa hoàn thành nên một số hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án, chưa đồng ý di dời bàn giao mặt bằng.
Việc áp dụng hỗ trợ, bồi thường tái định cư khi thu hồi đất theo Luật Đất đai 2024, cũng cần nhiều thời gian hơn để hoàn thành hồ sơ thủ tục. Một số hộ dân nằm trong vùng Dự án còn kiến nghị về mức bồi thường hỗ trợ đất và tài sản trên đất.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến cho biết, Tỉnh đã yêu cầu huyện Gio Linh khẩn trương hoàn thành dứt điểm công tác quy chủ, xác định nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất; công khai niêm yết phương án bồi thường hỗ trợ; tiếp tục đối thoại tuyên truyền, vận động các hộ dân thực hiện tạm cư và di dời lăng mộ, để hoàn thành giải phóng mặt bằng Dự án trong tháng 4/2025.
Ba dự án TOD gần Metro số 2 dự kiến triển khai cuối năm nay
TP.HCM sẽ tìm nhà đầu tư cho 3 khu đất tại quận 10, Tân Bình và Tân Phú để làm TOD dọc tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), cuối năm nay.
![]() |
Trung tâm triển lãm Tân Bình |
UBND quận Tân Bình vừa có kế hoạch triển khai khu vực TOD dọc tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) trong năm 2025. Thông qua đánh giá hiện trạng và quy hoạch, quận Tân Bình đã chọn khu đất số 446-448 đường Hoàng Văn Thụ, diện tích hơn 5 ha. Vị trí này được tính toán phát triển TOD để kết nối giao thông với tuyến Metro số 2 và số 5 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn).
Về hiện trạng, khu đất này đang là Trung tâm Triển lãm và thể dục thể thao quận Tân Bình, do Nhà nước quản lý nên không phải giải phóng mặt bằng mà có thể xây dựng mới ngay. TP.HCM dự kiến phát triển nơi đây thành trung tâm thương mại, dịch vụ, văn hóa - thể thao đa năng và một bãi xe ngầm kết nối với các tuyến Metro số 2 và số 5.
Ngoài ra, UBND quận 10 và Tân Bình đã lựa chọn khu đất ký hiệu C30 để thực hiện TOD có diện tích 41 ha nằm trên địa bàn Phường 14 (giữa quận 10 và Tân Bình) cách ga công viên Lê Thị Riêng (Metro số 2) khoảng 900 m.
Hiện trạng là đất do Nhà nước trực tiếp quản lý, được sử dụng làm bãi xe, kho bãi, đồng thời có các cửa hàng cho thuê cây cảnh dọc theo các mặt tiền đường. Theo kế hoạch, khu đất này sẽ được chuyển đổi thành một khu đô thị hỗn hợp tạo thêm không gian sống cho người dân.
Trước đó, UBND quận Tân Phú cũng đã ban hành kế hoạch triển khai khu vực TOD dọc tuyến Metro số 2 tại khu đất số I/82 A, diện tích 26 ha, phường Tây Thạnh. Hiện trạng khu đất đa số là đất trống, một số khu vực đang được cho thuê làm rạp chiếu phim, kho bãi. Theo quy hoạch, khu vực này sẽ có chức năng là đất hỗn hợp đầu tư thành khu đô thị nén, đồng thời khai thác thêm không gian ngầm để tối ưu hiệu quả sử dụng đất xung quanh nhà ga tuyến Metro số 2.
Về kế hoạch thực hiện, quý II và III năm nay, các quận sẽ hoàn tất việc trình và phê duyệt đề cương, dự toán và có thể tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch. Dự kiến, sau khi đồ án điều chỉnh quy hoạch được duyệt sẽ tiến hành lựa chọn nhà đầu tư và triển khai vào quý IV năm nay.
Như vậy đến nay, 3 địa điểm làm mô hình TOD dọc tuyến Metro Bến Thành - Tham Lương đều đã được xác định và lên kế hoạch triển khai cụ thể.
Xuất khẩu cà phê lần đầu đạt tỷ USD trong một tháng
Giá cà phê leo thang giúp xuất khẩu mặt hàng này đạt 1,16 tỷ USD trong tháng 3/2025, tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái - mức cao kỷ lục.
![]() |
Thu hoạch cà phê |
Đây là số liệu vừa được Bộ Nông nghiệp và Môi trường công bố. Theo đó, 3 tháng đầu năm nay, khối lượng cà phê xuất khẩu đạt 509.500 tấn, giá trị ước khoảng 2,88 tỷ USD, giảm 12,9% về khối lượng nhưng lại tăng mạnh 49,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Hiện, giá xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm khoảng 5.656 USD một tấn, tăng 71,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đức, Italy và Nhật Bản là 3 thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt 16,2%, 9,9% và 7,4%.
So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu cà phê 2 tháng đầu năm nay sang thị trường Đức tăng 79,3%, Italy tăng 32% và thị trường Nhật Bản tăng 56%.
Trong nhóm 15 thị trường lớn, xuất khẩu cà phê tăng mạnh nhất ở Ba Lan với mức tăng 3,1 lần, trong khi Indonesia là thị trường duy nhất có giá trị xuất khẩu giảm (sụt 37,5%).
Giá cà phê nhân xô Việt Nam đang quanh ngưỡng 132.300 đồng một kg. Trên sàn London, giá cà phê Robusta (loại cà phê trồng chủ yếu ở Việt Nam) được giao dịch quanh mức 5.269 USD một tấn cho kỳ hạn giao tháng 5, giao tháng 7 có giá 5.295 USD một tấn.
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, sản lượng cà phê niên vụ 2024 - 2025 dự kiến giảm 5% so với niên vụ trước, xuống còn khoảng 27 triệu bao (bao 60 kg).
Nguyên nhân là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và diện tích trồng bị thu hẹp. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2025, La Nina dự báo thay thế El Nino, có nguy cơ gây sương giá, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng cà phê của Việt Nam và Brazil.
Dừng cấp online bằng lái xe quốc tế đến tháng 6
Việc cấp online bằng lái xe quốc tế sẽ dừng đến tháng 6 để Bộ Công an xây dựng hệ thống, sau khi nhận chức năng, nhiệm vụ chuyển sang từ ngành giao thông vận tải.
![]() |
Giấy phép lái xe quốc tế (IDP) do Cục Đường bộ (cũ) cấp |
Cấp giấy phép lái xe quốc tế (IDP: International Driving Permit) là một dịch vụ mà trước đây người dân có thể làm trực tuyến trên cổng dịch vụ công của Bộ Giao thông vận tải (cũ) với lệ phí khoảng 135.000 đồng và thời gian giải quyết 5 ngày. Tuy vậy, từ sau khi chuyển giao giữa 2 ngành (tháng 3), cổng dịch vụ công cũ không còn tồn tại, trong khi cổng mới tại địa chỉ dvc4.gplx.gov.vn do Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) vận hành chỉ mới cung cấp dịch vụ đổi giấy phép lái xe trong nước.
Cục CSGT cho biết, do quá trình chuyển đổi, hiện tại tạm thời chưa thể cung cấp chức năng này trên nền tảng trực tuyến. Bộ Công an đang lên phương án xây dựng tính năng nhận hồ sơ cấp giấy phép lái xe quốc tế, dự kiến tháng 6/2025 đi vào hoạt động.
Người dân có nhu cầu cấp IDP có thể đến trực tiếp bộ phận tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi giấy phép lái xe tại Cục CSGT và Phòng CSGT, Công an các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Tây Ninh, Nghệ An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thanh Hóa để nộp hồ sơ và được hướng dẫn các thủ tục.
Giấy phép lái xe quốc tế IDP tại Việt Nam được thực hiện theo Công ước Vienna 1968, là hiệp ước quốc tế, thiết lập các quy tắc giao thông tiêu chuẩn giữa các bên tham gia công ước. Người được cấp IDP có thể sử dụng ở các nước tham gia Công ước, bao gồm 86 quốc gia, phần lớn là châu Á, châu Âu.
Với những người thường xuyên đi du lịch, công tác, học tập ở nước ngoài và cần lái xe, IDP là một giấy tờ quan trọng. Thời hạn hiệu lực của IDP là 3 năm kể từ ngày cấp, nhưng phải theo hiệu lực của bằng lái trong nước. Có nghĩa là, nếu bằng lái trong nước chỉ còn thời hạn hai năm, thì IDP cũng chỉ có giá trị trong 2 năm. Nếu muốn gia hạn tiếp, việc trước tiên là đổi bằng lái xe trong nước.
Dùng công nghệ viễn thám cảnh báo hạn hán Tây Nguyên
Các dữ liệu từ công nghệ viễn thám sẽ được sử dụng để xây dựng bộ dữ liệu phục vụ giám sát, điều phối nguồn nước ở Tây Nguyên.
![]() |
Khô hạn ở Tây Nguyên năm 2024 |
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết sẽ phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) thực hiện Dự án Đánh giá tác động của hạn hán vùng Tây Nguyên bằng công nghệ viễn thám. Công nghệ này cho phép thu nhận thông tin của vật thể, đối tượng từ một khoảng cách cố định, không cần tiếp xúc trực tiếp nhờ việc thu nhận năng lượng phản xạ, bức xạ từ vật thể.
Dự án được thực hiện trong bối cảnh Tây Nguyên bắt đầu bước vào giai đoạn đỉnh điểm của hạn hán, dự báo kéo dài đến đầu tháng 5. Hiện, lượng nước tích trữ trong các hồ chứa thủy lợi ở khu vực này phổ biến đạt 40 - 80% dung tích thiết kế, thấp hơn trung bình nhiều năm 2%. Đặc biệt, 120/1.310 hồ trữ dưới 50% dung tích, 13 hồ nhỏ cạn nước tại Kon Tum và Đăk Nông.
Nhóm thực hiện Dự án sẽ xây dựng công nghệ cảnh báo hạn hán trên nền tảng viễn thám cho khoảng 1.500 km2 thuộc các vùng sản xuất nông nghiệp của Đăk Lăk và Đăk Nông. Cụ thể, bộ dữ liệu WaPOR sẽ được xây dựng cho khu vực thử nghiệm nhằm đánh giá, giám sát tình trạng hạn hán, thiếu nước. WaPOR là nền tảng dữ liệu không gian mở cho phép theo dõi liên tục chỉ số bốc thoát hơi thực tế (ET), sinh khối, độ ẩm đất, mức độ thiếu nước với độ phân giải 20 - 300 m.
WaPOR cũng sẽ cung cấp thông tin không gian ở các cấp độ phân giải, cho phép hiểu sâu hơn về năng suất sử dụng nước, mức độ nghiêm trọng của hạn hán và tính bền vững của các hoạt động nông nghiệp.
Là vùng nông nghiệp lớn song Tây Nguyên chỉ có 26% diện tích canh tác được phục vụ bởi hệ thống thủy lợi, phần còn lại phụ thuộc vào nước mưa tự nhiên. Trong 25 năm qua, Tây Nguyên trải qua 17 đợt hạn hán lớn, diện tích và thiệt hại có xu hướng gia tăng. Cây lúa, cà phê và hồ tiêu là nhóm chịu ảnh hưởng chính bởi thiếu nước tưới.
Cùng với đó, theo cơ quan chuyên môn, nguồn nước ngầm ở khu vực này đang suy thoái cũng dẫn tới gia tăng chi phí sản xuất. Gần nhất năm 2024, hầu hết tỉnh Tây Nguyên trải qua hạn hán nghiêm trọng gây thiệt hại lớn cho nông nghiệp. Đơn cử Đăk Lăk đã ghi nhận hơn 18.000 ha cây cà phê bị thiệt hại, trong đó hơn 1.000 ha thiệt hại trên 70%, hơn 12.600 ha 30 - 70%.
Cao tốc TP.HCM - Dầu Giây sẽ tăng phí
Mức phí qua cao tốc dài 55 km nối TP.HCM - Đồng Nai dự kiến tăng 7% để phù hợp phương án tài chính đầu tư dự án.
![]() |
Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn qua TP.HCM |
Theo phương án vừa được Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đưa ra, mức phí mới áp dụng trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dự kiến tăng từ 2.100 đồng/PCU (đơn vị xe 4-7 khi quy đổi) mỗi km lên 2.240 đồng/PCU/km, tương ứng tăng 7%. Mức giá này bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT). Đơn vị đang hoàn chỉnh các thủ tục trước khi thông báo áp dụng.
Hiện mức phí dịch vụ sử dụng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tính theo từng loại xe, quãng đường.
Theo VEC, các dự án cao tốc do Tổng công ty đầu tư, bao gồm tuyến TP HCM Long Thành - Dầu Giây trước đó đã được phê duyệt phương án tài chính với quy định cụ thể về mức thu và lộ trình tăng (3 năm một lần), tỷ lệ tăng 12% mỗi lần. Việc này nhằm đảm bảo hiệu quả dự án cũng như phù hợp khả năng trả nợ các khoản vay đầu tư ban đầu.
Cuối năm 2023, các dự án khác do VEC đầu tư đã được điều chỉnh tăng phí 12%, riêng tuyến TP.HCM Long Thành - Dầu Giây chỉ tăng 5% do bị giới hạn bởi quy định mức giá tối đa, theo Thông tư 28 của Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng). Hiện thông tư này đã được bãi bỏ nên VEC điều chỉnh tăng phí ở tuyến cao tốc trên để phù hợp phương án tài chính.
Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km, nối TP.HCM và Đồng Nai đã đưa vào khai thác từ năm 2015. Đây là một trong những tuyến cao tốc có lượng xe cao nhất nước, bình quân 45.000 - 50.000 ôtô chạy qua mỗi ngày.
Công ty TNHH Hwaseung Chemical bị xử phạt hơn 18,5 tỷ đồng vì vi phạm trong xuất khẩu hàng hóa
UBND Đồng Nai vừa ra quyết định xử phạt Công ty TNHH Hwaseung Chemical hơn 18,5 tỷ đồng vì vi phạm trong xuất khẩu hàng hóa.
![]() |
Công ty TNHH Hwaseung Chemical bị xử phạt hơn 18,5 tỷ đồng vì vi phạm trong xuất khẩu hàng hóa. Ảnh minh họa |
Ngày 2/4, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết đã ban hành Quyết định số 1027/QĐ-XPVPHC, ngày 1/4/2025 về việc xử phạt vi phạm hành chính số tiền hơn 18,5 tỷ đồng đối với Công ty TNHH Hwaseung Chemical Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1, tỉnh Đồng Nai) vì những vi phạm trong xuất khẩu hàng hóa.
Thời gian để Công ty TNHH Hwaseung Chemical Việt Nam thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định.
Công ty TNHH Hwaseung Chemical Việt Nam phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt này. Nếu quá thời hạn mà Công ty không tự nguyện chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.
Theo Quyết định, từ tháng 1/2023 - 7/2024, Công ty TNHH Hwaseung Chemical Việt Nam xuất khẩu hàng hóa là tiền chất công nghiệp nhưng không có giấy phép xuất khẩu tại gần 220 tờ khai hàng xuất khẩu có tiền chất. Trong số đó, có gần 200 tờ khai hàng hóa là tiền chất công nghiệp có giá trị trên 100 triệu đồng.
Danh sách gần 220 tờ khai hàng xuất khẩu của công ty có chứa tiền chất công nghiệp đã được ngành hải quan xác định tại Công văn số 62/HQĐNa-NT ngày 9/1/2025 và công văn ngày 19/3/2025 của Công ty TNHH Hwaseung Chemical Việt Nam kèm theo danh sách tờ khai xuất khẩu hàng hóa có chứa tiền chất.
Phối hợp bắt giữ 2 tàu khai thác cát trái phép trên sông Hồng
Sáng 2/4, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết vừa phối hợp với các lực lượng thuộc Công an thành phố Hà Nội bắt giữ một vụ hút cát trái phép trên sông Hồng.
![]() |
Tàu khai thác cát trái phép trên sông Hồng. |
Thời điểm kiểm tra, những người có mặt trên phương tiện không xuất trình được giấy phép khai thác khoáng sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp tại vị trí phương tiện đang khai thác và các giấy tờ có liên quan.
Hồi 4 giờ 45 ngày 2/4, Tổ công tác Đội Cảnh sát đường thủy số 2, Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội chủ trì phối hợp với Phòng hướng dẫn tuần tra, kiểm soát và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên đường thủy nội địa, Cục Cảnh sát giao thông (Phòng 8, Cục Cảnh sát giao thông), Công an xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì, Hà Nội) làm nhiệm vụ trên tuyến sông Hồng.
Khi đến đoạn sông Hồng thuộc địa phận xã Vạn Phúc, lực lượng đã phát hiện một phương tiện thủy không kẻ, gắn, sơn số đăng ký, số kiểm soát đang tiến hành hút cát từ lòng sông bơm vào khoang chứa hàng của phương tiện thủy chở hàng neo đậu bên cạnh.
Tàu chở hàng này không sơn, kẻ, gắn số đăng ký, gắn số kiểm soát VR16040XXX. Tổ công tác đã lên phương tiện kiểm tra, yêu cầu dừng việc khai thác cát và yêu cầu người làm việc trên phương tiện xuất trình các loại giấy tờ liên quan.
Tại thời điểm kiểm tra, trên phương tiện tàu hút cát có 2 người gồm Đ. X. T (sinh năm 1986, trú tại huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) và T.V. T (sinh năm 1987, trú tại huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng). Trên phương tiện tàu chở hàng số kiểm soát VR16040XXX có 2 người gồm N. V. H (sinh năm 1978) và T. B. Đ (sinh năm 2002, cùng trú tại huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam).
Những người có mặt trên tàu hút cát nêu trên không xuất trình được giấy phép khai thác khoáng sản (cát) do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp tại vị trí phương tiện đang khai thác và các giấy tờ liên quan đến phương tiện. Người trên tàu chở hàng gắn số kiểm soát VR16040XXX cũng không xuất trình được giấy tờ liên quan đến phương tiện.
Trên tàu có chứa khoảng 200 m3 cát. Lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ các phương tiện. Hiện vụ việc đang được tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định.