Thêm khó khăn dồn lên doanh nghiệp thủy sản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh sức cầu yếu và giá bán giảm, việc giá cước vận tải biển tăng vọt do tình hình xung đột tại khu vực Biển Đỏ thời gian gần đây đang làm gia tăng gánh nặng chi phí cho các doanh nghiệp thủy sản khi bước sang năm 2024.
Xuất khẩu thủy sản được dự báo phục hồi nhẹ trong năm 2024, với kim ngạch đạt 9,5 - 10 tỷ USD. Ảnh: Lê Tiên
Xuất khẩu thủy sản được dự báo phục hồi nhẹ trong năm 2024, với kim ngạch đạt 9,5 - 10 tỷ USD. Ảnh: Lê Tiên

Sức cầu yếu, giá bán giảm, chi phí ở mức cao

Năm 2023 được đánh giá tiếp tục là năm có nhiều khó khăn đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản trên cả nước. Bối cảnh lạm phát, mặt bằng lãi suất còn ở mức cao làm suy yếu sức mua tại nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản hay kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm hơn kỳ vọng… đã khiến các đơn hàng xuất khẩu suy giảm, giá bán duy trì ở mức thấp.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản cả nước trong năm 2023 ước đạt 9,2 tỷ USD, giảm 16% so với năm 2022. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, xuất khẩu các nhóm hàng thủy sản chủ lực của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2023 đều giảm so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu tôm giảm 14,52% về lượng và giảm 23,04% về giá trị; xuất khẩu cá tra, cá basa giảm 9,63% về lượng và giảm 26,97% về giá trị...

Trong khi đó, ở phía đầu vào, giá cả các loại hàng hóa, vật tư phục vụ nuôi trồng - chế biến thủy sản dù “hạ nhiệt” so với năm 2022, nhưng vẫn còn ở mức cao so với giai đoạn trước. Bên cạnh đó, 2 đợt tăng giá điện trong năm 2023 đã ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp trong ngành.

Công ty CP Vĩnh Hoàn cho biết, trong 11 tháng năm 2023, doanh thu bán hàng đạt 9.246 tỷ đồng, ­giảm 27% so với cùng kỳ năm 2022 và hoàn thành gần 81% kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu xuất khẩu sang Mỹ - thị trường xuất khẩu chủ lực của Vĩnh Hoàn giảm gần 50% so với cùng kỳ năm 2022. Với tình hình xuất khẩu trong quý IV/2023 vẫn ở mức thấp, kết quả kinh doanh của Vĩnh Hoàn được đánh giá tiếp tục “ảm đạm”.

Trước đó, tại Báo cáo tài chính quý III/2023, Vĩnh Hoàn cho biết, biên lợi nhuận gộp sau 9 tháng đầu năm 2023 giảm về 16,3% so với mức 23,2% cùng kỳ năm 2022; biên lợi nhuận sau thuế đạt 11,6% (cùng kỳ năm 2022 đạt 16,9%). Riêng quý III/2023, biên lợi nhuận gộp của Vĩnh Hoàn chỉ ở mức 10,5%, mức thấp nhất nhiều năm gần đây.

Tiêu thụ sản phẩm chậm khiến tồn kho của Vĩnh Hoàn tại thời điểm 30/9/2023 tăng 35% so với đầu năm, đạt 4.349 tỷ đồng. Trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho 424,6 tỷ đồng, tăng 7,1% so với đầu năm. Để đáp ứng quy mô vốn lưu động tăng, nợ vay và chi phí lãi vay của Công ty cũng tăng lên.

Tại Công ty CP Nam Việt (Navico), lợi nhuận sau thuế sau 9 tháng đầu năm 2023 giảm 92,5% so với cùng kỳ năm 2022; biên lợi nhuận gộp đạt 10,1%, trong khi cùng kỳ năm 2022 đạt 29,3%. Thực tế, lợi nhuận của Navico chủ yếu đóng góp từ quý I/2023. Quý II/2023, Công ty báo lỗ sau thuế 51 tỷ đồng và quý III/2023 có lãi trở lại với vỏn vẹn 1 tỷ đồng.

Trong khi đó, Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú báo lỗ 23,4 tỷ đồng trong quý III/2023, nâng số lỗ luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023 lên 109,7 tỷ đồng.

Giá cước vận tải đang tăng nhanh

Bước sang năm 2024, VASEP đánh giá, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ phục hồi nhẹ so với mức nền thấp của năm 2023, với kim ngạch xuất khẩu dự báo đạt 9,5 - 10 tỷ USD. Kinh tế thế giới phục hồi chậm, tác động đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản và chu kỳ giảm giá có thể vẫn tiếp diễn, trong khi áp lực cạnh tranh trên thị trường thế giới ở mức cao, chi phí vận tải và giá sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng - chế biến thủy sản gia tăng… là những khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp thủy sản trong năm 2024.

Theo Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), ngành thủy sản Việt Nam chưa thể tăng trưởng mạnh mẽ trở lại trong năm 2024, bởi nhu cầu phục hồi chậm tại các thị trường chính, lượng cung thủy sản còn nhiều khiến giá xuất khẩu khó tăng mạnh và cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các thị trường quốc tế khác.

Đa số các phân tích đồng thuận đánh giá, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản sẽ còn nhiều khó khăn trong nửa đầu năm 2024 và được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn trong nửa cuối năm 2024, khi các nền kinh tế lớn có thể bước vào chu kỳ giảm lãi suất, giúp sức mua phục hồi. Tuy vậy, bối cảnh thế giới hiện nay vẫn còn nhiều biến số khó lường có thể ảnh hưởng đến kỳ vọng này.

Trong khi những khó khăn cũ chưa được giải quyết, một khó khăn mới với các doanh nghiệp lại xuất hiện gần đây. Xung đột “leo thang” tại Biển Đỏ, khu vực có vị trí chiến lược trong tuyến hàng hải qua kênh đào Suez, vốn chiếm tới 15% tổng lưu lượng giao thông hàng hải toàn cầu đã đẩy giá cước vận tải biển tăng cao.

VASEP cho biết, từ tháng 1/2024, nhiều hãng vận tải lớn như Yang Ming Line, One, Evergreen Line, HMM, Maersk… đã gửi thông báo thu thêm phụ phí do phải thay đổi hải trình các tuyến châu Á - châu Âu, tránh đi qua kênh đào Suez và khu vực Biển Đỏ. Theo đó, giá cước vận tải các tuyến đi Bắc Mỹ và châu Âu tăng từ hàng chục tới hàng trăm phần trăm.

Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư tại Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI Research) ước tính, chi phí vận chuyển/doanh thu của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tăng khoảng 3 - 5% trong tháng 12/2023 lên 7 - 10% trong tháng 1/2024. Theo SSI Research, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu đều sử dụng hợp đồng FOB khi xuất khẩu, nghĩa là người mua sẽ chịu chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, do nhu cầu suy yếu nên người mua có thể đàm phán với nhà cung cấp để chia sẻ gánh nặng, điều này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu trong quý I/2024 có thể phải đối mặt với chi phí bán hàng cao hơn hoặc giá bán thấp hơn cho đến khi căng thẳng Biển Đỏ “hạ nhiệt”.

Bên cạnh đó, thời gian vận chuyển kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, đẩy doanh nghiệp xuất khẩu rơi vào nguy cơ phải bồi thường hợp đồng hoặc phát sinh rủi ro tổn thất, hư hỏng hàng hóa khi các mặt hàng thủy sản vốn đòi hỏi điều kiện bảo quản lạnh khắt khe và thời hạn sử dụng không dài.

Tin cùng chuyên mục