Bộ KH&ĐT dự kiến đưa ra bộ chỉ số đánh giá mức độ phát triển DN của các bộ, ngành, địa phương vào cuối năm 2017. Ảnh: Nhã Chi |
Tại đây, Bộ KH&ĐT đã thông tin sơ bộ về bộ chỉ số đánh giá mức độ phát triển DN của các bộ, ngành, địa phương.
Đóng góp ngân sách hạn chế
Theo ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2000 - 2015, tổng số DN thực tế đang hoạt động cập nhật vào thời điểm ngày 31/12/2015 trên cả nước là 442.485 DN, bình quân giai đoạn 2000 - 2015 tăng 17,6%/năm (giai đoạn 2000 - 2010 tăng 21,8%/năm; giai đoạn 2010 - 2015 tăng 9,6%/năm).
Tổng vốn thu hút vào khu vực DN cả nước tại thời điểm ngày 31/12/2015 đạt 23.656,7 nghìn tỷ đồng. Bình quân giai đoạn 2000 - 2015 mỗi năm khu vực DN thu hút tăng thêm 22,8% vốn cho sản xuất kinh doanh (giai đoạn 2000 - 2010 tăng 25,1%/năm; giai đoạn 2010 - 2015 tăng 14%/năm).
Năm 2015, tổng doanh thu theo giá hiện hành của khu vực DN đạt 14.949,2 nghìn tỷ đồng, bình quân giai đoạn 2000 - 2015 tăng 21,6%/năm. Tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực DN năm 2015 đạt 552,7 nghìn tỷ đồng. Bình quân giai đoạn 2000 - 2015, lợi nhuận toàn khu vực DN tăng 19%/năm. “Đóng góp cho ngân sách nhà nước của khu vực DN năm 2015 là 746,4 nghìn tỷ đồng. Bình quân giai đoạn 2000 - 2015 khu vực DN đóng góp cho ngân sách nhà nước tăng 18,2%/năm, thấp hơn mức tăng của vốn, doanh thu và lợi nhuận”, ông Vinh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp thuộc Tổng cục Thống kê cho rằng, DN Việt Nam chủ yếu phát triển về quy mô, tăng trưởng về lao động, về vốn, nhưng hiệu quả vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Điều này cho thấy nền kinh tế chủ yếu phát triển theo chiều rộng, hiệu quả không cao, ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất kinh doanh, lợi nhuận của DN.
Có thêm “thước đo” đầu ra của doanh nghiệp
Tại buổi Họp báo, Tổng cục Thống kê cũng đã thông tin thêm về bộ chỉ số đánh giá mức độ phát triển DN của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ chỉ số này được triển khai trên tinh thần của Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020.
Theo kế hoạch, cuối năm 2017, Bộ KH&ĐT (Tổng cục Thống kê) sẽ đưa ra bộ chỉ số đầu tiên với những tính toán chung nhất để đánh giá, xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh về hỗ trợ DN. Theo đó, bộ chỉ số sẽ gồm nhiều chỉ số thành phần có tầm quan trọng khác nhau. Mỗi bộ chỉ số sẽ kèm theo các quyền số, chỉ số và đưa ra bình quân hóa chỉ số chung để đánh giá, xếp hạng hỗ trợ phát triển DN của các địa phương.
Bộ chỉ số này gồm nhiều chỉ tiêu liên quan đến doanh thu, lợi nhuận, đóng góp ngân sách, có giá trị tăng thêm, giá trị mới sáng tạo ra của DN trên địa bàn từng địa phương. Bộ chỉ số cũng sẽ có thêm một số chỉ tiêu khác để phản ánh rõ kết quả sản xuất kinh doanh cuối cùng của DN cấp tỉnh. Đây tạm gọi là “thước đo” đầu ra của DN.
Trả lời báo chí về sự khác nhau giữa bộ chỉ số trên và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, PCI là kết quả đo lường sự cảm nhận của DN đối với môi trường kinh doanh mà các tỉnh, thành phố, địa phương đã tạo ra cho DN. Chỉ số của VCCI có những chỉ số trọng yếu như sự gia nhập thị trường, đào tạo, tính năng động của thị trường… cùng với nhiều chỉ số nhỏ để đo lường sự phát triển của DN.
Trong khi đó, bộ chỉ số của Bộ KH&ĐT phối hợp với VCCI thực hiện có sự khác biệt trong cách tiếp cận. Cụ thể, bộ chỉ số này dựa trên hệ thống thống kê số liệu đã có. Như vậy, bộ chỉ số này và PCI sẽ bổ sung tốt cho nhau để đo lường mức độ thuận tiện (môi trường, hệ sinh thái) trong sản xuất, kinh doanh và kết quả hoạt động của DN.