Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng 10 ước đạt 32,3 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng trước. Ảnh: Anh Tuấn |
Tín hiệu phục hồi rõ nét hơn
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Chánh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Danh Mộc kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết, trong những tháng gần đây, hoạt động XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam có xu hướng phục hồi. “Nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành gỗ đã có đơn hàng trở lại, phục vụ cho mùa mua sắm nội thất cuối năm của thị trường thế giới. Cùng với đó, nhiều khách hàng Mỹ, châu Âu gặp khó ở thị trường Trung Quốc nên tìm kiếm nhà cung cấp mới để thay thế, trong đó chủ yếu là DN Việt Nam”, ông Phương cho biết.
Theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại thuộc Bộ Công Thương, trong tháng 10/2023, kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 1,2 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng 9/2023; giảm 0,9% so với tháng 10/2022. Trong đó, kim ngạch XK sản phẩm gỗ ước đạt 790 triệu USD, tăng 4% so với tháng 9/2023 và tăng 0,3% so với tháng 10/2022. Tính chung 10 tháng năm 2023, kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 10,8 tỷ USD, giảm 19,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi đó, tín hiệu XK phục hồi với ngành thủy sản đã rõ nét hơn. Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống các cơ quan thương vụ tại nước ngoài tháng 10/2023, đại diện Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam cho biết, từ tháng 6/2023 tới nay, hoạt động kinh doanh của các DN thành viên Hiệp hội khá khả quan, doanh số tiêu thụ tiếp tục cải thiện so với các tháng đầu năm và cao hơn cùng kỳ năm trước.
Theo đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam, mặc dù bối cảnh chung của thị trường dệt may và kinh tế thế giới vẫn đặt ra nhiều thách thức, nhưng đơn hàng đang dần quay trở lại trong những tháng cuối năm 2023.
Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch XK hàng hóa trong tháng 10 lấy lại đà tăng trưởng, ước đạt 32,3 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng trước. Trong 10 tháng, có 33 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, chiếm 92,9% tổng kim ngạch XK (có 7 mặt hàng XK trên 10 tỷ USD, chiếm 66,2%). “Tính chung 10 tháng năm 2023, kim ngạch XK hàng hóa ước đạt 291,28 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy mức suy giảm trong tăng trưởng XK đã thu hẹp đáng kể so với mức giảm 12% trong nửa đầu năm 2023”, Bộ Công Thương đánh giá.
Khơi thông động lực tăng trưởng
Nhận định về triển vọng 2 tháng cuối năm 2023 cũng như năm 2024, ông Nguyễn Chánh Phương cho rằng, tín hiệu khả quan vẫn tiếp tục đến với ngành gỗ. Chẳng hạn, nhìn vào thị trường Nhật Bản, nhập khẩu gỗ viên nén của nước này sẽ tiếp tục tăng trưởng khi nhiều nhà máy điện sinh khối lớn bắt đầu hoạt động. Tuy nhiên, đại diện HAWA nhấn mạnh, khó khăn, thách thức với DN vẫn còn rất nhiều. “Các thị trường lớn ngày càng yêu cầu khắt khe về nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc, sự ổn định nguồn hàng..., trong khi tiềm lực của nhiều DN còn yếu, khó đáp ứng những tiêu chuẩn này”, ông Phương cho biết.
Chưa hết, theo đại diện HAWA, hiện ngành gỗ có một số DN bị kiện chống bán phá giá từ các thị trường nhập khẩu, gồm cả thị trường lớn lẫn thị trường tiềm năng. “Điều này cho thấy, nếu DN không hoạt động bài bản, có hệ thống quản trị thông tin một cách rõ ràng thì sẽ khó cạnh tranh và thúc đẩy XK bền vững”, ông Phương khuyến nghị.
Tương tự, với ngành chế biến và XK thủy sản, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ nhấn mạnh, thị trường này thường áp dụng hàng rào kỹ thuật khắt khe, quy định về kiểm dịch, môi trường nuôi trồng, xuất xứ hàng hóa nghiêm ngặt. Vì thế, để đẩy mạnh XK sang Hoa Kỳ, DN cần tìm hiểu kỹ lưỡng về thị trường, hạn chế cạnh tranh về giá, kiểm soát chặt chẽ chất lượng lô hàng XK; quan tâm, cập nhật các xu hướng, cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại cũng như lưu ý về chất lượng bao bì đóng gói…
Bộ Công Thương cũng nhận định, 2 tháng cuối năm, hoạt động XK sẽ tiếp tục khởi sắc. Tuy vậy, sự bất ổn, không chắc chắn của kinh tế toàn cầu đang ở mức cao nhất trong nhiều năm, tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới. Ở trong nước, DN vẫn đối mặt với khó khăn trong phục hồi sản xuất, kinh doanh. Vì thế, Bộ Công Thương yêu cầu, toàn ngành không được lơ là, chủ quan, theo dõi chặt chẽ tình hình biến động cung cầu, giá cả hàng hóa trên thế giới và trong nước để sẵn sàng các phương án giải pháp ứng phó kịp thời nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra.
HSBC vừa công bố báo cáo về Việt Nam với nhận định, 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu nông sản Việt Nam ghi dấu ấn “bùng nổ”, mang lại sư hỗ trợ đúng lúc cho hoạt động xuất khẩu nói chung. Việt Nam hưởng lợi nhờ đa dạng mặt hàng nông sản xuất khẩu, trong đó gạo và sầu riêng đang có kết quả vượt trội. Với tỷ trọng thị phần 13%, Việt Nam đang là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Ấn Độ (40%) và Thái Lan (15%) với dự kiến có thể xuất khẩu 7 - 8 triệu tấn gạo ra thị trường quốc tế trong năm 2023. Cũng theo HSBC, với nguồn tài nguyên dồi dào, Việt Nam đang tận hưởng một nền tảng nông nghiệp đa dạng. Thủy sản chiếm gần 40% trong cơ cấu xuất khẩu nông nghiệp, sau đó là cà phê Robusta (14%), gạo (12%) và trái cây/rau củ (11%). Trong số các điểm đến, châu Á chiếm chủ yếu, trong đó Trung Quốc (25%) và ASEAN (18%), hai thị trường này cộng lại chiếm hơn 40% tổng xuất khẩu nông sản của Việt Nam, sau đó là tới các nước phương Tây với 27% thị phần.