Thi công cao tốc Bắc - Nam qua miền Trung: Quyền khai thác mỏ vật liệu, có như không?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dù đã khởi công hơn một năm, tình thế thi công chờ… vật liệu đắp nền vẫn đang diễn ra tại các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Vũng Áng - Bùng và Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Dacico là một trong những nhà thầu thi công Dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Tháng 4/2023, Dacinco được tỉnh Quảng Ngãi cấp phép quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp đối với mỏ đất Truông Ổi trên tổng diện tích gần 23 ha. Ngay sau đó, Nhà thầu đã nộp 1,7 tỷ đồng tiền cấp quyền và tiến hành thỏa thuận với người dân về giá bồi thường, hỗ trợ cây cối, hoa màu trên đất trong khu vực quy hoạch mỏ. Dù vậy, kể từ tháng 9/2023 đến nay, Dacinco vẫn chưa thể khai thác mỏ do người dân không đồng ý phương án đền bù. “Làm việc với nhóm hộ dân riêng lẻ có diện tích đất gần 8 ha, các chủ đất đưa ra mức giá bồi thường là 500 triệu đồng/ha, cao hơn khoảng 60 triệu đồng so với giá dự toán. Trong khi đó, đối với phần diện tích còn lại khoảng 16 ha, các chủ đất yêu cầu giá bồi thường từ 1,1 - 1,3 tỷ đồng/ha, cao gấp 2,5 lần so với giá dự toán”, đại diện Dacinco cho biết.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện Dacinco cho biết: “Để không để chậm trễ tiến độ thi công, Dacinco đã chạy vạy tìm mua 300 nghìn m3 từ mỏ đất thương mại tại khu vực Tân Lập (huyện Nghĩa Hành) của Công ty TNHH Phú Điền, cách vị trí công trường hơn 10 km , còn thiếu 200 nghìn m3 nữa.

Ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Tỉnh đã yêu cầu Dacinco phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện kiểm đếm cây cối, hoa màu trên đất trong phạm vi mỏ đất núi Truông Ổi như đã thỏa thuận với các hộ dân. Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung hướng dẫn và hỗ trợ chủ đầu tư, nhà thầu trong quá trình lập phương án và tổ chức thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, sớm hoàn thiện các thủ tục đưa mỏ đất núi Truông Ổi vào khai thác theo đúng quy định của pháp luật.

Phía Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông vận tải) thì cho rằng, nguyên nhân của tình trạng thiếu vật liệu tại Quảng Ngãi là do thủ tục cấp phép của địa phương bị chậm liên quan đến bồi thường, phương án vận chuyển và khai thác. Dù Quảng Ngãi đã chấp thuận bản đăng ký khối lượng khai thác 7/8 mỏ với trữ lượng khoảng 5 triệu m3, nhưng đến nay mới có 4/8 mỏ đất được đưa vào khai thác.

Tại Quảng Bình, tháng 12/2023, UBND Tỉnh cấp quyền khai thác cát làm vật liệu xây dựng cho Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phương Thành thi công Gói thầu XL02 thuộc cao tốc Bắc - Nam, đoạn Vũng Áng - Bùng. Khu vực được cấp phép khai thác trên sông Son qua huyện Bố Trạch, tổng trữ lượng hơn 465.000 m3 cát trong diện tích 18,3 ha, thời hạn khai thác từ năm 2024 - 2025.

Tuy nhiên, Nhà thầu Phương Thành đã gặp phải sự cản trở của người dân địa phương vì cho rằng khai thác cát sẽ gây nguy cơ sạt lở hai bên bờ sông. Về phía nhà thầu, đại diện Phương Thành cho biết, doanh nghiệp khai thác cát phục vụ Dự án thành phần đoạn Vũng Áng - Bùng và cam kết sử dụng đúng mục đích, cố gắng bảo đảm hài hòa đối với người dân, làm văn bản cam kết với người dân sống 2 bên khu vực nếu để xảy ra tình trạng sạt lở. Sau khi hoàn thành công trình, đơn vị sẽ tham mưu với tỉnh có quyết định đóng mỏ và không có bất kỳ lợi ích cá nhân nào từ mỏ khoáng sản này.

Theo Ban Quản lý dự án 6 và Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, hiện Quảng Bình đã chấp thuận 29 mỏ cát phục vụ 3 dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình với trữ lượng 6,250,135 triệu m3, công suất khai thác 381.529 m3/năm. Riêng Dự án thành phần đoạn Vũng Áng - Bùng, hiện mới chấp thuận 4 mỏ cát với tổng trữ lượng 477.027 m3, công suất 33.000 m3/năm. Nếu tình trạng người dân ngăn nhà thầu khai thác cát không được giải quyết thì sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung toàn Dự án.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình cho biết, lãnh đạo Tỉnh đang chỉ đạo các cơ quan, trong đó có lực lượng công an phối hợp với chủ đầu tư, nhà thầu, địa phương để đưa ra các phương án xử lý bảo đảm an toàn, tiến độ thi công công trình trọng điểm quốc gia.

Tin cùng chuyên mục