Thi nhau bán gói sở hữu kỳ nghỉ giá bạc tỷ, cảnh báo hàng loạt chiêu trò

0:00 / 0:00
0:00
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) vừa lên tiếng cảnh báo người tiêu dùng cẩn trọng với các hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ khi có nhiều khiếu nại, bức xúc về loại hình kinh doanh này.
"Timeshares" là loại hình còn khá mới không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới (Ảnh minh họa).
"Timeshares" là loại hình còn khá mới không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới (Ảnh minh họa).

Bóc mẽ loạt chiêu trò phổ biến

Trong những năm gần đây, thị trường xuất hiện một loại hình kinh doanh mới - đó là cung cấp các gói dịch vụ nghỉ dưỡng định kỳ hàng năm tại các khu nghỉ dưỡng, chủ sở hữu kỳ nghỉ có quyền sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định. Đồng thời có thể chia sẻ sản phẩm hoặc trao đổi dịch vụ đó với các chủ sở hữu khác.

Với loại hình này, người mua dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ sẽ phải trả một khoản tiền để có thể sở hữu kỳ nghỉ tại các bất động sản bất kỳ trong hệ thống của doanh nghiệp (thường là một tập đoàn chuyên kinh doanh bất động sản hay nghỉ dưỡng).

Người mua có quyền sử dụng bất động sản đó trong một khoảng thời gian thường là 7 ngày/năm liên tục trong nhiều năm với mức giá được quy định tại hợp đồng. Loại hình kinh doanh này là loại hình còn khá mới không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới và được gọi là "timeshares".

Tuy nhiên, mới đây Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, trên thực tế, sau khi loại hình kinh doanh mới này du nhập vào Việt Nam một thời gian, đã xuất hiện những vấn đề gây bức xúc.

Cụ thể, theo phản ánh từ người tiêu dùng, sau khi hai bên ký kết hợp đồng nhiều năm, dù đã thanh toán nhiều đợt cho phía doanh nghiệp với trị giá lên tới hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng nhưng họ vẫn chưa được sử dụng dịch vụ kỳ nghỉ như doanh nghiệp cam kết và khi người tiêu dùng có yêu cầu chấm dứt hợp đồng, hoàn trả tiền thì bị doanh nghiệp gây nhiều khó khăn, thậm chí không được hoàn trả.

Ngoài ra, một số phản ánh điển hình mà Cục tiếp nhận trong thời gian qua như việc tại thời điểm ký kết, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này cho người tiêu dùng chưa đủ điều kiện để kinh doanh ngành nghề dịch vụ lưu trú theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, phần lớn người tiêu dùng đồng ý ký kết hợp đồng với nhân viên của doanh nghiệp ngay khi được tư vấn trực tiếp mà không có thời gian đọc kỹ hợp đồng và trong nhiều trường hợp nhân viên giới thiệu sản phẩm sai mục đích, cung cấp thông tin sai sự thật, gây nhầm lẫn cho người dùng...

Đến khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng khiếu nại tới cơ quan có thẩm quyền thì lại không có tài liệu, chứng cứ chứng minh cụ thể mà chỉ là "được nghe tư vấn từ nhân viên".

Cũng theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, hợp đồng doanh nghiệp sử dụng để ký kết với người tiêu dùng có nhiều nội dung, điều khoản không rõ ràng, gây bất lợi cho người tiêu dùng; miễn trừ trách nhiệm cho công ty; loại bỏ quyền khiếu nại của người tiêu dùng…

Đây là vấn đề bất cập mà trong thời điểm hiện tại, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tiếp nhận được nhiều nhất. Thậm chí nhiều ý kiến còn cho rằng hoạt động của các doanh nghiệp này có dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo pháp luật hình sự.

Cẩn trọng với hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ, cần lưu ý gì?

Để hạn chế tối đa những rủi ro mà người tiêu dùng có thể gặp phải khi tham gia giao kết những "Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ", Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đưa ra một loạt lưu ý.

Theo đó, người tiêu dùng cần phải nhận thức rõ "sở hữu kỳ nghỉ" không phải là bất động sản theo quy định của pháp luật hiện hành. Bên bán trong hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ chỉ là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, cụ thể là dịch vụ lưu trú.

Người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ, xác minh rõ các thông tin về hàng hóa, dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp. Đặc biệt, cần hết sức tỉnh táo, cảnh giác với các thông tin quảng cáo của doanh nghiệp về dự án. Ví dụ như: cơ sở hạ tầng và dịch vụ được giới thiệu, chào bán đã hiện hữu chưa hay chỉ là "cam kết miệng" của doanh nghiệp; các quyền lợi được hưởng có đi kèm hạn chế/điều kiện nào không…

Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cũng khuyến cáo người dân cần đọc và nghiên cứu kỹ toàn bộ nội dung của hợp đồng và các phụ lục kèm theo trước khi ký kết, so sánh các thông tin được quảng cáo, chào bán hoặc "cam kết miệng" của doanh nghiệp với các điều khoản quy định chính thức tại dự thảo hợp đồng.

Đặc biệt khi có sự không thống nhất giữa thông tin chào bán và hợp đồng hoặc có các quy định, điều khoản trong hợp đồng chưa rõ ràng cần đề nghị doanh nghiệp giải thích, làm rõ và sửa đổi, bổ sung.

"Người tiêu dùng cần cân nhắc thật kỹ, đặc biệt cần tỉnh táo trước các chiến lược khai thác khuynh hướng tâm lý người tiêu dùng của doanh nghiệp trước khi quyết định đặt cọc bất kỳ khoản tiền nào hoặc đặt bút ký vào bất kỳ tài liệu nào", Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục