Trong thời gian tới, ở Việt Nam sẽ có rất nhiều mô hình bán lẻ mới ra đời. Ảnh: Internet. |
Những xu hướng tất yếu
Theo bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Tư vấn Savills TP.HCM, với chính sách mở cửa cho ngành bán lẻ từ năm 2009, thị trường Việt Nam trở thành môi trường màu mỡ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Khảo sát người tiêu dùng của Savills tại TP.HCM năm 2017 cho thấy, tỷ lệ người tiêu dùng thích đến các cửa hàng tiện lợi là 17%, cao hơn rất nhiều mức 4% vào năm 2015.
Sau một thời gian phát triển khá cầm chừng, các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini tại Việt Nam đang có những chuyển biến đáng kể, với sự góp mặt của khá nhiều thương hiệu trong nước lẫn quốc tế. Trào lưu này đã quay lạị với chiến lược bài bản hơn từ những thương hiệu quốc tế cũng như sự gia nhập của các doanh nghiệp nội địa.
Tại TP.HCM, các siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi đang xuất hiện ồ ạt với hơn 1.000 địa điểm tại TP.HCM như Family Mart, B’s mart, Circle K, Ministop, Shop&Go, Vinmart… đang dần thay thế cho loại hình tạp hóa truyền thống. Sự đổ bộ của 7Eleven và GS 25 vào thị trường Việt Nam cũng hứa hẹn tạo nên sự sôi động cho sân chơi này.
Theo kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam của Family Mart (Nhật Bản), dự kiến sẽ có khoảng 1.000 cửa hàng vào năm 2020 tại Việt Nam, còn 7-Eleven (Nhật Bản) sẽ mở rộng hoạt động với 1.000 cửa hàng tại Việt Nam sau 10 năm (2027).
Trong khi đó, các thương hiệu Việt Nam cũng tích cực mở rộng thị phần; như chuỗi cửa hàng tiện ích lớn nhất Việt Nam, Vinmart+ dự kiến sẽ có 4.000 cửa hàng vào năm 2020.
Xu hướng nguồn cung thị trường bán lẻ phát triển hướng ra khu vực ngoài trung tâm thành phố cũng đang hình thành khá rõ rệt. Thị phần nguồn cung bán lẻ khu vực ngoài trung tâm tăng liên tục từ mức 79% vào năm 2013 lên mức 87% vào quý 3/2018. Trong thị trường bán lẻ, phân khúc trung tâm thương mại chiếm thị phần lớn nhất với 53%. Các trung tâm thương mại ngoài trung tâm đa số nằm trong các dự án phức hợp với quy mô nhà ở lớn và trong khu vực có tốc độ đô thị hóa cao như Quận 2 và Quận 7.
Tương lai nào cho ngành bán lẻ?
Bà Võ Thị Khánh Trang cho hay, nhìn chung thị trường bán lẻ nói chung và phân khúc trung tâm thương mại nói riêng tại TP.HCM đang có công suất cho thuê duy trì ở mức cao, trên 90%. Tính đến quý 3/2018, công suất cho thuê của trung tâm thương mại đạt mức ổn định 91% trong khi đó giá cho thuê trung bình có xu hướng giảm.
Theo khảo sát của Savills tại các trung tâm thương mại, người tiêu dùng Việt Nam đang có sự thay đổi về hành vi tiêu dùng trong năm 2017 - 2018 so với hai năm trước đó. Nhu cầu mua sắm thay đổi đáng kể khi các quầy hàng thời trang và đồ gia dụng không duy trì được sức hút đối với người tiêu dùng tới trung tâm thương mại.
Đây cũng là kết quả khi mua sắm trực tuyến ngày càng phát triển trong thời gian gần đây, dù dịch vụ thương mại điện tử ở Việt Nam đang ở bước đầu. Tuy nhiên, khả năng cũng như tốc độ phát triển của mô hình này đang gia tăng khá mạnh mẽ.
Ngành bán lẻ tại nước ta đang trải qua quá trình biến chuyển và tiến hóa mạnh mẽ. Trong quá khứ, những loại hình bán lẻ đương đại là rất hiếm thấy. Giờ hàng loạt sản phẩm mới xuất hiện trên thị trường, nhiều trung tâm mua sắm mọc lên với những thiết kế thời thượng, đẹp mắt. Bán lẻ đang thay đổi từng ngày, và điều này cũng ảnh hưởng khá lớn đến hành vi tiêu dùng.
Trong thời gian tới, sẽ còn có dịp chứng kiến rất nhiều những mô hình bán lẻ mới, với những tiện ích hiện đại phục vụ tối đa nhu cầu trải nghiệm, giải trí lẫn sáng tạo. Thêm vào đó, thị trường thương mại điện tử, đơn cử tại Việt Nam cũng đang lớn mạnh cùng sự phát triển công nghệ thông minh. Và hơn hết, tất cả những sự thay đổi, tiến hóa này đều hướng đến người tiêu dùng.
"Bước tiến hay bước lùi của các thương hiệu cũng là một điều rất hiển nhiên của ngành bán lẻ, nhưng ít nhất là trong thời điểm này, thị trường Việt Nam đang sở hữu nhiều yếu tố như thời điểm lý tưởng cũng như sự mở rộng nhanh chóng, người tiêu dùng có thu nhập cao và sở thích mua sắm đa dạng. Nói chung, đây là một thời khắc thú vị", Savills nhận định.