Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã thay đổi như thế nào?

Bước sang giai đoạn mới, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng không chỉ dịch chuyển mạnh mẽ về cơ cấu loại hình sản phẩm mà còn có sự dịch chuyển về mặt địa lý khá rõ nét.
Các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng ngày càng đa dạng đáp ứng mọi nhu cầu của khách mua.
Các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng ngày càng đa dạng đáp ứng mọi nhu cầu của khách mua.

Loạt dự án lớn

Nếu như năm 2016, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng chỉ ghi nhận sức nóng cục bộ tại Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, thì trong quý I này, thị trường chứng kiến sự chuyển động khá rầm rộ tại Phan Thiết, Quy Nhơn, Phú Yên, Quảng Nam, Sapa, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc…. Đặc biệt, báo cáo mới nhất của Savills Việt Nam cho thấy, xu hướng đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng tại nhiều địa phương tại phía Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai, Vĩnh Phúc đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết khi hạ tầng giao thông đang được cải thiện mạnh mẽ.

Đồng thời, xu hướng học tập kinh nghiệm lẫn nhau cũng như bàn tính việc kết nối các sản phẩm du lịch của các địa phương phía Bắc cũng đang manh nha. Biểu hiện này có thể thấy tại các dự án nghỉ dưỡng của FLC. Bất cứ khi nào tập đoàn này tổ chức sự kiện liên quan đến bất động sản du lịch như khai trương, động thổ, khánh thành… tại một địa phương nào đó, hầu như đều thấy sự có mặt tham dự của lãnh đạo tất cả các địa phương nơi có các dự án khác của FLC tọa lạc.

Bà Đỗ Thu Hằng, Phó giám đốc, Trưởng bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu Savills Việt Nam cho biết, nhờ sự thay đổi về hạ tầng giao thông đã và đang được triển khai như tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, sân bay Cát Bi, cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện, cao tốc Hải Phòng - Hạ Long… đã tạo đã cho sự bùng nổ về bất động sản nghỉ dưỡng tại các địa phương có tiềm năng về phát triển du lịch nêu trên. Các sản phẩm du lịch vùng miền cũng có sự gia tăng mạnh mẽ khi các chủ đầu tư bất động sản lớn đang tiệm cận gần sát đến nhu cầu và quyết định đầu tư của khách hàng.

Các dòng sản phẩm nhà phố thương mại đã rất thịnh hành, tiêu biểu như dự án Little Vietnam của Syrena, Vinhome Dragon Bay, Mon Bay Hạ Long... Hoạt động thị trường khách sạn tại một số địa phương du lịch phía Bắc có nhiều khởi sắc.

Tại Quảng Ninh, khối khách sạn từ 3 - 5 sao có công suất trung bình đạt khoảng 60 - 70%. Tại Hải Phòng, công suất cho thuê của từng phân khúc và toàn thị trường cải thiện hơn trong thời gian qua. Lào Cai cũng ghi nhận công suất thị trường khách sạn 4 - 5 sao đạt mức xấp xỉ 70%, trong đó các khách sạn 4 sao tại Sapa có giá thuê trung bình cao hơn so với các khách sạn cùng phân khúc tại các địa phương khác.

Trong khi đó, tại Phan Thiết, Quy Nhơn, Phú Yên, Quảng Nam kể từ cuối 2016, đầu 2017, các thị trường này cũng đang nóng lên từng ngày với hàng loạt dự án hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú được triển khai. Chẳng hạn như tại Phan Thiết với hàng loạt dự án có quy mô hàng trăm hecta và tổng mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng như Pegasus, Sentosa Villa, quần thể Resort SeaLinks Phan Thiết Mũi Né, dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết...

Tiếp theo Đà Nẵng, Quảng Nam đang được xem là điểm nóng tiếp theo của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng miền Trung với hàng loạt dự án nghìn tỷ của các ông lớn cam kết đầu tư vào đây kể từ đầu năm. Trong đó có thể kể đến dự án Tập đoàn Vingroup cũng vừa khởi công xây dựng khu phức hợp nghỉ dưỡng trị giá 5.000 tỷ đồng tại đây.

Tại khu vực này, dự án lớn gần 1.000 ha của Vinacapital và các đối tác trong và ngoài nước đang được triển khai, đã kích thích nhiều nhà đầu tư khác rót vốn vào đây với những khu nghỉ dưỡng quy mô khá lớn. Mới đây nhất, Tập đoàn Đất Xanh cũng đã công bố thông tin sẽ đầu tư dự án du lịch nghỉ dưỡng Opal Ocean View, với tống vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng tại Nam Hội An.

Không chỉ dành cho người "đông tiền"

Không chỉ dịch chuyển về mặt địa lý, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng còn ghi nhận sự dịch chuyển về cơ cấu sản phẩm: những sản phẩm triệu “đô” đang mất dần thế độc quyền, thay vào đó là sự lên ngôi của dòng sản phẩm phù hợp với tầng lớp trung lưu như condotel hoặc apartment có mức giá từ 1 - 3 tỷ đồng.

Các dự án này ngoài có mức đầu tư ban đầu vừa phải, vừa có thể đa dạng trong cách thức đầu tư bằng hình thức cho đơn vị quản lý thuê lại và nhận lợi tức hàng năm. Đây là mô hình phổ biến vào thời điểm hiện tại với các dự án condotel có mặt trên thị trường hiện tại. Trong đó, nhà đầu tư chỉ bỏ ra khoảng 30% giá trị căn hộ, được ngân hàng hỗ trợ với lãi suất ưu đãi, rồi cho đơn vị quản lý thu lợi với mức cam kết sinh lời từ 8 - 12%/năm căn cứ trên tổng doanh thu.

Ngoài ra, các chủ sở hữu cũng được tận hưởng từ 15 - 20 ngày miễn phí trong chính căn hộ mình sở hữu hoặc trao đổi trong cùng hệ thống dự án khách sạn, căn hộ do chủ đầu tư triển khai.

Với các dự án được đầu tư bởi các chủ đầu tư uy tín, được các thương hiệu nổi tiếng quản lý và tại các địa danh thu hút nhiều khách du lịch, các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng theo hình thức này khá hút khách. Tuy nhiên, tại nhiều dự án khác, do thiếu đi các lợi thế, nên hình thức timeshare (chia sẻ kỳ nghỉ) này chưa đủ hấp dẫn khách hàng, nên các chủ đầu tư đã đưa ra nhiều chương trình khác. Trong đó, có nhiều chủ đầu tư áp dụng hình thức chủ sở hữu toàn quyền quyết định sử dụng như an cư, chuyển nhượng, tự kinh doanh hoặc ký hợp đồng cho thuê dài hạn với chủ đầu tư.  

Chẳng hạn như Dự án Panorama Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Vịnh Nha Trang triển khai và ra mắt từ giữa tháng 10/2015, áp dụng chính sách cho phép người mua được quyền tự do khai thác. Theo đó, người mua được lựa chọn việc mua để sử dụng, tự khai thác kinh doanh, hoặc ủy thác kinh doanh.

Hay tại Dự án căn hộ cao cấp Luxury Apartment, tọa lạc tại bãi biển Mỹ Khê  (TP. Đà Nẵng), chủ đầu tư là Alphanam Group áp dụng hình thức linh hoạt, khách hàng có thể mua để sinh sống ngay tại căn hộ của mình hoặc nếu khách hàng mua để đầu tư thì cũng có thể cho đưa căn hộ vào chương trình cho thuê lâu dài được cam kết với mức lợi nhuận hấp dẫn từ chủ đầu tư.

Ngoài hai loại hình sở hữu trên, trên thị trường hiện nay vừa xuất hiện một loại hình kinh doanh mới là hình thức “sở hữu kỳ nghỉ” do Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường (ALMA), thuộc Tập đoàn Blenheim của tỷ phú Igal Ahouvi (Israel) triển khai. Tuy nhiên, hình thức này chưa thực sự nở rộ vì còn vướng những vấn đề về pháp lý chưa thực sự rõ ràng giữa sở hữu kỳ nghỉ hay sở hữu căn hộ.

Theo đánh giá của TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tiềm năng tăng trưởng cho lĩnh vực

bất động sản Việt Nam rất lớn. Việt Nam có dân số tiếp tục tăng trưởng, đồng thời tầng lớp trung lưu tăng lên và giao lưu quốc tế ngày càng mở rộng. Do đó, các loại hình sản phẩm cũng được mở rộng hơn. Bất động sản nghỉ dưỡng không hề kén khách, không chỉ dành cho những người có tiền mới có thể tham gia, mà còn gắn với một số phân khúc khác như người lớn tuổi và bảo hiểm.

"Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, số người giàu ngày càng nhiều lên và kéo theo là nhu cầu được sở hữu bất động sản du lịch, vừa là nơi nghỉ dưỡng lại vừa có thể kinh doanh lâu dài", ông Thành nói và cho biết thêm đây chính là động lực và cơ hội để những chủ đầu tư kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng phát triển.

Tin cùng chuyên mục