Sự dịch chuyển của các dự án bất động sản về những vùng đất mới đến từ hai yếu tố quan trọng: có nhà đầu tư tiên phong và hạ tầng giao thông phát triển, Ảnh: Lê Tiên |
Hấp lực từ các thị trường mới nổi
Trên thực tế, các đô thị lớn hiện không còn nhiều quỹ đất, sự quá tải hạ tầng xã hội cũng ngày một trầm trọng hơn, đồng thời quá trình rà soát pháp lý, các chính sách nghiêm ngặt để thị trường phát triển theo hướng bền vững hơn... đã thúc đẩy một số doanh nghiệp BĐS lớn như Vingroup, CEO Group, Capital House, Novaland, FLC… mạnh dạn tăng tốc đầu tư về những thị trường mới. Theo đó, thị trường BĐS tại Quy Nhơn, Sầm Sơn, Vân Đồn, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Phú Yên hay khu vực Tây Nguyên… đang trở thành kênh sinh lời mới, hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Một số khu tổ hợp nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn quốc tế được đầu tư bởi doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước làm cho các thị trường này thay da đổi thịt.
Theo các chuyên gia, sở dĩ các thị trường mới có sức hút với các nhà phát triển BĐS bởi tại đây, họ dễ dàng thực hiện các thủ tục hành chính, nhận được nhiều ưu đãi và cơ hội từ chính sách thu hút đầu tư của các địa phương, giá thuê đất, giá đền bù, giải phóng mặt bằng rẻ hơn, nhà phát triển dự án dễ dàng tiếp cận với những quỹ đất rộng lớn tại những khu vực đắc địa. Đồng thời, hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm đã và đang tiếp tục được các địa phương đầu tư đồng bộ trong quá trình đô thị hóa cũng như trong định hướng thu hút đầu tư xã hội.
Ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐS Việt Nam cho rằng, không phải tự nhiên nhà đầu tư tập trung về thị trường mới. Theo đó, điều kiện tự nhiên, điều kiện pháp lý và điều kiện kinh doanh tại các thị trường này đang rất hấp dẫn các chủ đầu tư. Việc phê duyệt và triển khai dự án theo đó dễ dàng hơn rất nhiều so với hai thị trường đã bão hòa là Hà Nội và TP.HCM. Bên cạnh đó, điều kiện kinh doanh tại các thị trường này thuận lợi hơn, bởi nhiều địa phương đang có những ưu đãi về thuế, đất đai... để mời gọi đầu tư. Ngoài ra, tính cạnh tranh tại các địa phương này bớt khốc liệt hơn do mới chỉ có ít nhà đầu tư và tính thanh khoản của thị trường cũng cao hơn so với các thị trường BĐS chính như Hà Nội hay TP.HCM do nguồn cung chưa nhiều.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam, điều tra trên 216 dự án BĐS du lịch ở 10 tỉnh, thành có tiềm năng du lịch tốt cho thấy, các dự án này có thể cung cấp ra thị trường trên 200.000 sản phẩm phục vụ cho lưu trú. Theo tính toán, để thực hiện Quyết định 147/2020/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 thì Việt Nam phải tăng lên khoảng 3 lần dung lượng này. Điều nay cho thấy tiềm năng của thị trường BĐS du lịch đang rất lớn.
Hạ tầng giao thông là điều tiên quyết
Theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, sự dịch chuyển về những vùng đất mới đến từ hai yếu tố quan trọng, một là có nhà đầu tư tiên phong và hai là phát triển hạ tầng giao thông. “Ông bà xưa đã có câu “thóc đến đâu, bồ câu đến đó”, thị trường mới nổi không thể nổi nếu như không có dự án, không có nhà đầu tư tiên phong. Đơn cử như việc Tập đoàn FLC đầu tư các dự án tại Bình Định, chính dự án này đã mở ra cơ hội cho nhiều nhà đầu tư tại thị trường này. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông là yếu tố quyết định cho việc thu hút nhà đầu tư. Với thị trường Bình Định, trong vòng 4 năm qua tỉnh Bình Định đã làm được hạ tầng giao thông kết nối từ Quy Nhơn đi các vùng khác với hàng loạt dự án giao thông trọng điểm”, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch nhấn mạnh. Chuyên gia này cũng lưu ý, bí quyết của đầu tư BĐS là chọn địa điểm đúng và huy động được dòng vốn. Nhưng hai yếu tố này nếu chọn sai cũng sẽ là tai hoạ, do đó, khi nhà đầu tư đã chọn được địa điểm thì Nhà nước hỗ trợ cho họ về hạ tầng.
Nhấn mạnh nhu cầu dịch chuyển đầu tư là xu hướng không thể thay đổi, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, trong số những cánh chim đầu đàn đầu tư dự án tại tỉnh lẻ, ngoài các doanh nghiệp Việt còn có cả nhà đầu tư nước ngoài. “Tại những thị trường mới như Quảng Nam, Bình Định, Bắc Ninh..., trong 2 năm vừa qua chứng kiến những “cánh chim đầu đàn” đã điền vào chỗ trống của những vùng đất mới với các vị trí như gần khu công nghiệp, làng nghề, trung tâm thị trấn và họ chấp nhận đợi chờ pháp lý”, ông Nguyễn Quốc Anh nói.
Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Chí Nghĩa, Phó Tổng giám đốc Đất xanh Miền Bắc chia sẻ, trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều sàn giao dịch đã phải đóng cửa, tuy nhiên đã xuất hiện những “cánh chim đầu đàn” dám đầu tư mạo hiểm bởi họ đã nhìn thấy tiềm năng ở những vùng đất mới không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các nhà đầu tư hiện nay đang nhìn thấy những cơ hội từ những mảnh đất đẹp và sự phục hồi của ngành du lịch trong thời gian tới, do đó, các chủ đầu tư trong bối cảnh này cũng cần tạo các sản phẩm mới, thích ứng thị trường và có sức hấp dẫn với nhà đầu tư, khách hàng.