Thị trường bất động sản phía Nam sẽ ấm dần trong quý III/2023

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dù không kỳ vọng vào sự đột phá, nhưng nhiều công ty nghiên cứu thị trường dự báo, các phân khúc bất động sản nhà ở khu vực phía Nam sẽ có sự phục hồi nhẹ từ nguồn cung lẫn sức cầu từ quý III năm nay.
Nhiều công ty nghiên cứu thị trường dự báo, các phân khúc bất động sản nhà ở khu vực phía Nam sẽ có sự phục hồi nhẹ từ nguồn cung lẫn sức cầu
Nhiều công ty nghiên cứu thị trường dự báo, các phân khúc bất động sản nhà ở khu vực phía Nam sẽ có sự phục hồi nhẹ từ nguồn cung lẫn sức cầu

Theo báo cáo mới được DKRA Group công bố, nguồn cung phân khúc đất nền trong quý III/2023 sẽ khởi sắc so với quý II/2023, dao động ở mức 750 - 900 nền, tập trung chủ yếu tại các vùng phụ cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai.

Sức cầu chung toàn thị trường dự kiến tăng nhẹ nhưng khó có đột biến trong ngắn hạn, giao dịch phát sinh chủ yếu ở nhóm dự án đã hoàn thiện hạ tầng và pháp lý. Mặt bằng giá sơ cấp tiếp tục xu hướng đi ngang so với 6 tháng đầu năm 2023.

Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung mới quý III tại TP.HCM sẽ tăng, dao động từ 1.200 - 1.500 căn; Bình Dương khoảng 500 - 800 căn; Đồng Nai khoảng 150 căn và Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 250 căn mở bán mới. Phân khúc căn hộ hạng A giữ vững vị thế chủ đạo tại TP.HCM, trong khi đó căn hộ hạng B và C dẫn dắt nguồn cung mới tại các tỉnh giáp ranh.

Tuy nhiên, mặt bằng giá bán sơ cấp tiếp tục neo cao trước áp lực chi phí đầu vào, lãi vay và thời gian hoàn thiện thủ tục pháp lý dự án kéo dài. Giá cũng như thanh khoản thứ cấp sẽ cải thiện so với quý II/2023, tập trung ở phân khúc nhà ở vừa túi tiền, đầy đủ pháp lý.

Đối với phân khúc nhà phố/biệt thự (bất động sản liền thổ), nguồn cung mới và sức cầu quý III/2023 có xu hướng tăng nhẹ so với quý II/2023, dao động khoảng 350 - 450 căn, tập trung chủ yếu ở Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP.HCM. Mặt bằng giá sơ cấp không có nhiều biến động so với 6 tháng đầu năm.

Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Group chia sẻ, các chính sách chiết khấu cho phương án thanh toán nhanh, cam kết thuê lại… được các chủ đầu tư ở tất cả các phân khúc áp dụng rộng rãi nhằm hỗ trợ khách hàng, kích cầu thị trường.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu liên quan đến dự báo thị trường bất động sản phía Nam trong trong thời gian tới, bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, nhìn về tương lai, do quỹ đất trung tâm dần trở nên khan hiếm và đắt đỏ, thị trường có xu hướng phân bổ ra các khu vực ngoài trung tâm, với tổng nguồn cung toàn TP.HCM từ 2023 trở đi ước tính sẽ đạt 190.000 căn hộ.

Trong đó, khu Đông (TP. Thủ Đức) được kỳ vọng sẽ tiếp tục dẫn đầu thị trường về nguồn cung trong tương lai. Với định hướng trở thành đô thị đa trung tâm vào 2040 cùng với việc hạ tầng công cộng từng bước được nâng cấp đã giúp TP. Thủ Đức trở nên nổi bật hơn so với các khu vực khác.

Riêng phân khúc nhà liền thổ, giá sơ cấp trung bình tại khu Đông (TP. Thủ Đức) hiện đang cao hơn trung bình toàn TP.HCM 12% và cao hơn trung bình khu vực phía Bắc 139% (phía Bắc có lượng nguồn cung sơ cấp lớn thứ 2 thị trường TP.HCM, bao gồm Quận 12 và quận Tân Phú).

Nguồn cung tương lai nhà liền thổ được dự đoán sẽ có thêm 7.900 căn từ năm 2023 trở đi. Phía Đông TP.HCM tiếp tục được kỳ vọng sẽ dẫn đầu do quỹ đất sẵn có và nhu cầu đô thị hóa cao của TP. Thủ Đức. Thành phố cũng kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng tỷ lệ đô thị hóa tại các khu vực ngoại ô như Nhà Bè hoặc khu vực xa hơn. Trong tương lai, TP.HCM sẽ có nhiều dự án với số lượng trung bình khoảng 200 căn mỗi dự án; và đồng thời tiếp tục các giai đoạn đoạn tiếp theo của các dự án lớn hiện hữu.

Tại sự kiện công bố báo cáo thị trường bất động sản quý II/2023 mới đây, bà Dương Thùy Dung - Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho rằng, khả năng thanh khoản của thị trường căn hộ TP.HCM sẽ dồi dào hơn trong 2 quý cuối năm 2023. Đến cuối năm 2023, dự kiến sẽ còn nhiều ngân hàng bắt đầu giảm lãi suất cho vay khi áp lực chi phí vốn từ các ngân hàng đã phần nào hạ nhiệt.

Bên cạnh đó, hàng loạt các tín hiệu tích cực của thị trường sẽ diễn ra về các tháng cuối năm, điển hình là việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công như hoàn thiện tuyến Metro số 1, dự kiến giải phóng mặt bằng tuyến Metro số 2, khởi công các dự án thành phần thuộc các tuyến vành đai trọng điểm khu vực TP.HCM…, cùng với đó là nỗ lực gỡ vướng pháp lý cho hàng loạt dự án bất động sản. Các tháng cuối năm 2023 sẽ là giai đoạn tiền đề, tác động lớn lên sự phục hồi của thị trường bất động sản TP.HCM trong năm 2024.

“Thực tế cho thấy, ở thời điểm hiện tại, vấn đề đầu tiên người mua quan tâm nhất chính là mức giá phù hợp, sau đó là tính pháp lý của dự án. Các dự án dù áp dụng nhiều chính sách giãn tiến độ nhưng không có sự điều chỉnh mức giá phù hợp vẫn gặp khó khăn trong việc thanh khoản sản phẩm”, bà Dung nhận định.

Tin cùng chuyên mục