Thiết kế thủ tục hành chính trên tư duy kinh doanh số

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mặc dù đại dịch Covid-19 còn bất định, nhưng môi trường kinh doanh năm 2022 được dự báo là có nhiều điểm tích cực hơn so với rủi ro, thách thức… Do đó, để giúp doanh nghiệp nắm bắt những xu thế đầu tư kinh doanh nhằm phục hồi, tăng trưởng, cần đẩy nhanh hơn quá trình cải cách thể chế, hành chính theo tư duy kinh doanh số, đời sống số.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Đây là một trong những nội dung được các chuyên gia và doanh nghiệp thảo luận tại Diễn đàn "Doanh nghiệp 2022: Nhận diện thị trường và phương thức thích ứng" diễn ra ngày 23/11.

Phục hồi, tăng trưởng kinh tế dù dịch bệnh vẫn còn

Hiện nay, Quốc hội và Chính phủ đã quyết định chuyển hướng sang chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân cùng với tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp. Trong đó, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước, trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương và duy trì các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế.

Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 cũng đặt ra 15 chỉ tiêu chủ yếu, với mục tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6 - 6,5%. Trong đó, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,5%; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 27,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27 - 27,5%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.

Tuy vậy, khi nhận diện về cơ hội và thách thức của thị trường trong năm 2022, nhiều chuyên gia kinh tế đều cho rằng, dịch bệnh sẽ không sớm kết thúc, vẫn còn nhiều rủi ro, do đó cần phải tìm phương thức thích ứng phù hợp với đại dịch, duy trì việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như tạo công việc, sinh kế cho người dân.

Theo TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, có 4 yếu tố ảnh hưởng tới phục hồi và tăng trưởng kinh tế năm 2022. Đó là yếu tố dịch Covid-19, yếu tố bắt nhịp với đà phục hồi của các nền kinh tế, sự hỗ trợ của nhà nước và yếu tố bắt nhịp với những xu thế phát triển mới đã được định hình rõ nét trong bối cảnh Covid-19.

Trong đó, hiện chưa có dự báo dịch Covid-19 sẽ kéo dài tới lúc nào. Các dự báo đều cho thấy tăng trưởng trong 2 năm tới của thế giới có thể chậm lại và không đồng đều giữa các quốc gia, nhưng đà phục hồi khá rõ ràng. Ngoài những rủi ro về dịch bệnh, còn có rủi ro về tài chính như sự tăng trưởng nóng của thị trường chứng khoán, bất động sản, tăng nợ, kèm theo việc thu hẹp dần hoặc dừng lại các gói hỗ trợ khiến lãi suất tăng, ưu đãi giảm... Tuy nhiên, một trong những tín hiệu tích cực là Chính phủ đang tiếp tục tính tới việc tung ra gói hỗ trợ lên tới 10% GDP. Nếu thực thi tốt chương trình này, thì khả năng kinh tế có thể được hỗ trợ thêm 1 - 1,5 điểm %. Sự phục hồi kinh tế gắn với xu thế mới là phục hồi xanh, chuyển đổi số; đầu tư “xanh - thông minh - nhân văn/văn hóa”.

“Mặc dù mỗi vấn đề đều có những điểm tích cực và thách thức, nhưng phần tích cực có trọng số lớn hơn”, ông Thành nhận định.

Do đó, theo ông Thành, doanh nghiệp dù kinh doanh lĩnh vực gì thì cũng không được quên quản trị rủi ro, bắt nhịp đà phục hồi và xu hướng mới. “Tốc độ linh hoạt quan trọng hơn quy mô, vốn xã hội (kết nối, tạo chia sẻ, tạo giá trị qua kết nối) quan trọng hơn tiền bạc, biết cách học quan trọng hơn công nghệ”, ông Thành lưu ý.

Thủ tục hành chính “truyền thống” và có ứng dụng công nghệ trong giải quyết thủ tục vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi mới của doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh mới. Ảnh minh họa: Internet

Thủ tục hành chính “truyền thống” và có ứng dụng công nghệ trong giải quyết thủ tục vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi mới của doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh mới. Ảnh minh họa: Internet

Doanh nghiệp cần cơ chế đầu tư thông thoáng hơn cả hỗ trợ tài chính

Đối với các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, để thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới, Nhà nước cần quyết liệt hơn nữa trong việc sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến Luật Đất đai, Luật Đầu tư…; nâng cao hiệu quả thực thi của các chính sách hỗ trợ, nhất là về vốn.

“Tuy nhiên, điều mà doanh nghiệp cần hơn cả hỗ trợ về tài chính là cơ chế thông thoáng, đơn giản hóa thủ tục phê duyệt dự án đầu tư”, ông Đính chia sẻ.

Lấy một ví dụ cụ thể về vận đơn trong bối cảnh Covid-19 thời gian qua để nói về thủ tục hành chính tại Việt Nam, TS. Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, nếu như các quy trình vận đơn ở nước ngoài đều có thể thực hiện qua email thì ở Việt Nam, dù đã hồ sơ nộp trực tuyến, online nhưng vẫn phải đến tận nơi đối chiếu bản cứng hoặc gửi bản gốc cho cơ quan hải quan khiến doanh nghiệp không thể thực hiện được do giãn cách xã hội.

“Vấn đề này tuy nhỏ liên quan đến một đơn hàng cung ứng nguyên đầu vào cho doanh nghiệp sản xuất, nhưng là vấn đề lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Thủ tục hành chính “truyền thống” và có ứng dụng công nghệ trong giải quyết thủ tục vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi mới của doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh mới. Do đó, vấn đề đặt ra là cần thay đổi tư duy trong cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính. Không phải là số hóa thủ tục hành chính và phải thiết kế thủ tục hành chính trên tư duy kinh doanh số, đời sống số”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Theo ông Hiếu, từ bài học của công tác xây dựng và ban hành chính sách thời gian qua trong bối cảnh đại dịch cho thấy, cần phải có sự phản ứng chính sách nhanh, đòi hỏi cao, mang tính chất toàn diện và mang tính chất dự đoán dài hạn. Đặc biệt, rất nhiều vấn đề rất khó dự đoán và phức tạp vì Covid-19 tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế và chính sách mới chưa có tiền lệ. Một thực tiễn rất tốt là Nghị quyết số 42 về giãn hoãn thuế năm 2020 chỉ ban hành trong vòng chưa đầy một tháng trong khi trước đây phải mất ít nhất một năm để ban hành một nghị định.

Bên cạnh đó, đại dịch còn cho thấy vai trò quan trọng của sự hợp tác giữa các cơ quan, bộ ngành, địa phương với địa phương. Nếu không có sự phối hợp thì sẽ trở thành rào cản, tạo điểm nghẽn trong việc lưu thông hàng hóa, chậm ban hành chính sách.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục