Thiếu điện, thêm khó cho mục tiêu tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mới bước vào Hè 2023, nhưng khu vực miền Bắc đã thiếu điện trầm trọng. Ở nhiều địa phương, không chỉ điện sinh hoạt bị cắt, mà điện sản xuất, kinh doanh cũng bị cắt luân phiên, khiến hoạt động của các doanh nghiệp (DN) đã khó, càng thêm khó. Nhiều chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, nếu tình trạng thiếu điện không sớm được khắc phục, sẽ rất khó để thúc đẩy DN tăng trưởng, cũng như tăng trưởng nền kinh tế nói chung.
Nhiều doanh nghiệp phải chạy máy phát điện để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: St
Nhiều doanh nghiệp phải chạy máy phát điện để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: St

Doanh nghiệp chật vật vì… mất điện

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, Giám đốc một DN ở Bắc Giang cho biết, tình trạng cắt điện đột ngột đang lan rộng trên địa bàn. Nhiều khu vực mất điện cả ngày, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN cũng như đời sống của người dân. “Chúng tôi đi mua máy phát điện với giá đắt gấp đôi, gấp ba trước đây để phục vụ hoạt động kinh doanh. Đắt, nhưng DN vẫn phải mua, vì không có điện thì không làm gì được, không thể đáp ứng tiến độ đơn hàng. Hậu quả trì trệ xuất khẩu, phạt hợp đồng là tất yếu”, ông cho biết.

Tình trạng thiếu điện, cắt điện không chỉ xảy ra ở Bắc Giang mà còn diễn ra ở một số tỉnh, thành miền Bắc, trong đó có những “cứ điểm” công nghiệp quan trọng như: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam…

Ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh cho biết, một DN sản xuất kính hoạt động trong khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh đang sản xuất thì bị cắt điện đột ngột, toàn bộ mẻ kính phải bỏ đi, chưa kể thiệt hại do hệ thống máy móc bị ảnh hưởng vì phải dừng hoạt động. Theo ông Bắc, gần đây, tình trạng cắt điện trên địa bàn Tỉnh liên tục xảy ra, cắt cả ở các khu công nghiệp.

“Điện là nguồn năng lượng thiết yếu để DN hoạt động bình thường, nên khi thiếu điện, bị cắt điện, hoạt động của DN bị méo mó. Tổn thất của DN là rất lớn do không dự liệu được kế hoạch sản xuất, kinh doanh, nguy cơ chậm đơn hàng, bị phạt hợp đồng… là thấy trước. DN khó khăn chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế”, ông Bắc phân tích.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhấn mạnh, việc thiếu điện nếu không được khắc phục chắc chắn sẽ đe dọa mục tiêu tăng trưởng nói chung. Theo ông Long, 3 động lực tăng trưởng chính là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu của nước ta đều cần đều cần điện. Muốn đạt mục tiêu tăng trưởng thì điện lúc nào cũng phải đi trước một bước, đáp ứng nhu cầu đời sống cũng như sản xuất kinh doanh.

Đâu là giải pháp?

Tại cuộc họp về tình hình cung ứng điện ngày 7/6 vừa qua, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương đã thừa nhận trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng thiếu điện, không bảo đảm cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Hòa cho biết, Bộ Công Thương cùng ngành điện đang thực hiện nhiều biện pháp để khắc phục tình trạng thiếu điện. Các đơn vị điện lực tập trung mọi nguồn lực nhằm duy trì mức độ sẵn sàng các nhà máy/tổ máy nhiệt điện, đẩy nhanh thời gian khắc phục sự cố nhanh nhất có thể; kêu gọi sử dụng tiết kiệm điện…

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nỗ lực vận hành hệ thống điện hợp lý, cố gắng tăng huy động nhiệt điện để bù đắp tình trạng thiếu điện do suy giảm mức nước thủy điện; đẩy mức nước các hồ thủy điện lớn lên khỏi mức nước chết; tạo điều kiện tối đa trong việc đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện đối với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp…

Nhiều hiệp hội đồng loạt kiến nghị về việc bị cắt điện

Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam, Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ hàng hải Việt Nam và Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam vừa đồng loạt ký đơn kiến nghị đến EVN, Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng. Nguyên nhân là thời gian vừa qua đã xảy ra tình trạng mất điện do sự cố, cắt điện luân phiên thường xuyên tại khu vực Hải Phòng. Đặc biệt, trong hoạt động khai thác cảng, phải luôn luôn bảo đảm cam kết năng lực phục vụ 24/7 cho tất cả các khách hàng, hãng tàu, DN xuất nhập khẩu trong và ngoài nước, duy trì thông suốt toàn bộ chuỗi cung ứng - mạch máu của nền kinh tế… Việc cắt điện đã gây rất nhiều khó khăn cho các cảng, tiềm ẩn rủi ro DN phải đền bù thiệt hại rất lớn cho số ngày tàu nằm chờ tại cảng, làm giảm sút nghiêm trọng chất lượng dịch vụ, xuống cấp nhanh chóng trang thiết bị, ảnh hưởng đến an toàn lao động và đặc biệt là nguy cơ bị mất khách hàng…

Để hạn chế tối đa tác động bất lợi từ việc cắt giảm điện tới đời sống người dân và sản xuất, kinh doanh, ông Nguyễn Phương Bắc nhấn mạnh, trong điều kiện cung cấp điện khó khăn, việc điều độ hệ thống điện là rất quan trọng. Cần xác định ưu tiên điện cho sinh hoạt hay điện cho sản xuất và chọn thời điểm nào là hợp lý. Với tình trạng “sức khỏe” đại đa số DN đang rất yếu, việc cắt điện cần rà soát từng khu vực và đặc thù của các khu công nghiệp chứ không đơn thuần là chỉ thông báo rồi cắt luôn.

Ông Ngô Sĩ Long cho rằng, trước mắt, ngành điện phải thực hiện mọi cách để đáp ứng cơ bản nhu cầu điện. Bên cạnh đó, các DN cũng cần chủ động sắp xếp sản xuất lệch giờ cao điểm; thực hiện mạnh mẽ giải pháp tiết kiệm điện. Về dài hạn, cần nhanh chóng hiện thực hóa Quy hoạch điện VIII; các cơ quan liên quan cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án điện…

Cũng theo ông Long, về cơ bản, giá bán điện vẫn thấp, nên nhà đầu tư không mấy mặn mà. Vì vậy, việc tiếp tục tăng giá điện trong thời gian tới là cần thiết dưới sự giám sát chặt chẽ của các bên liên quan để tăng sức hút đầu tư vào các dự án điện, góp phần giảm áp lực cung ứng điện trên cả nước.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, cần tạo khung chính sách ổn định giúp nhà đầu tư yên tâm đầu tư với thủ tục đơn giản, thuận lợi và phải cùng có lợi. Những thủ tục nào không cần thiết thì phải xóa bỏ. Đặc biệt, giá điện cũng phải theo kinh tế thị trường. Có như vậy, dòng vốn từ khu vực tư nhân mới tiếp tục chảy vào các dự án điện, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, phục vụ hiệu quả cho mục tiêu phát triển kinh tế.