Thiếu dữ liệu thông tin đất đai, nhà ở và bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Vụ việc đấu giá đất tại Thủ Thiêm hay vụ Đường Nhuệ ở Thái Bình… cho thấy những bất cập do thiếu vắng hệ thống thông tin đất đai, nhà ở và bất động sản (BĐS) đáng tin cậy. Có ý kiến cho rằng, ngoài nỗ lực từ phía Nhà nước, các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp (DN) cũng có thể xây dựng cơ sở dữ liệu độc lập, đáng tin cậy và minh bạch để Nhà nước, DN, nhà đầu tư và người dân có thể tham khảo, vận dụng.
Nhà nước cần sớm xây dựng hệ thống thông tin tổng thể về đất đai, nhà ở và thị trường bất động sản. Ảnh Internet
Nhà nước cần sớm xây dựng hệ thống thông tin tổng thể về đất đai, nhà ở và thị trường bất động sản. Ảnh Internet

Dữ liệu không đầy đủ, thiếu kết nối, không đủ tin cậy

Liên quan đến thông tin đất đai, nhà ở và thị trường BĐS, hàng quý, hàng năm, Bộ Xây dựng công bố các báo cáo về nhà ở và thị trường BĐS. Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê cũng công bố số liệu thống kê về giá BĐS và chỉ số giá thị trường BĐS. Ngoài ra còn có các báo cáo thị trường của một số công ty tư vấn BĐS thực hiện theo tháng, quý và cả năm.

Tuy vậy, theo PGS.TS. Trần Kim Chung - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, các thông tin đất đai và báo cáo chính thống của Nhà nước hiện vẫn chưa được xem như các thông tin phổ cập, mới chỉ là thông tin cấp theo yêu cầu.

PGS.TS. Trần Kim Chung đánh giá, việc hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực đăng ký đất đai, nhà ở, tài sản khác còn chậm, đặc biệt là một số quy định thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tính minh bạch, an toàn của các giao dịch. Các văn bản mang tính cập nhật và chính thức, công khai đang được hoàn thiện chờ ban hành. Ví dụ như việc cung cấp thông tin, có trả phí vẫn nằm trong tiến trình hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai và tự chủ tài chính của hệ thống dịch vụ công trong ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT) đi liền với kiện toàn hệ thống văn phòng đăng ký đất đai. Bộ TN&MT đang xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, trong khi chờ sửa Luật.

Hơn nữa, mô hình cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất chưa phù hợp, còn lúng túng trong quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của người dân, DN. Quy trình đăng ký thủ công tồn tại nhiều sai sót, dễ dẫn đến tình trạng nhũng nhiễu từ phía cán bộ đăng ký. Thông tin về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trong một số trường hợp không phản ánh chính xác, từ đó dẫn đến tranh chấp, khiếu nại kéo dài, gây bức xúc trong xã hội.

Thực tế còn cho thấy, ngay trong các cơ quan đăng ký, hay giữa cơ quan đăng ký với tổ chức hành nghề công chứng, thuế… cũng chưa có sự kết nối, chia sẻ thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản. Việc thiếu dữ liệu thông tin về tài sản đã và đang dẫn đến những khó khăn cho người dân, DN, cũng như cho chính các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hiện chưa có báo cáo nào mang tính thống nhất, tổng thể về đất đai, nhà ở và BĐS Việt Nam. Tính cập nhật của thông tin chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Trong khi đó, báo cáo của DN chủ yếu mang tính vi mô, thiếu tổng thể, thậm chí không đảm bảo tính pháp lý. Thực tế đã có những tranh cãi về tính chính xác cũng như tính đại diện của thông tin từ các báo cáo này.

Sớm hoàn thiện thể chế

Để khắc phục những bất cập trong lĩnh vực BĐS, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần sớm xây dựng hệ thống thông tin tổng thể về đất đai, nhà ở và thị trường BĐS. Trước tiên là cần phải sửa đổi các luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh BĐS.

PGS.TS. Trần Kim Chung lưu ý, việc sửa đổi cần quy định theo hướng: thông tin phải đăng ký theo thửa; cập nhật tự động theo thời gian; thông tin phải phủ trùm cả nước; thông tin phải được tích hợp đa tiện ích; thông tin đất đai, nhà ở, BĐS phải kết nối thông tin với dữ liệu cá nhân (căn cước công dân…); thông tin phải công khai, minh bạch và dự báo được; sử dụng thông tin có tính phí.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cần sửa cả Luật Đấu thầu, Luật Đấu giá tài sản và các luật có liên quan khác… đối với những vấn đề bất hợp lý, còn chồng chéo và khép lại các vùng mờ gây ra nhiều ý kiến khác nhau. Đồng thời bổ sung các mô hình kinh doanh BĐS mới, BĐS hình thành trong tương lai... cũng như công cụ điều tiết thị trường. “Khi nhận thấy giá cả thị trường bị đẩy lên mức cao quá mức, bất hợp lý thì Nhà nước có thể ứng xử như yêu cầu ngừng giao dịch trong thị trường chứng khoán được không?”, ông Lộc đặt vấn đề.

Đối với thông tin đất đai, ông Lộc cho rằng, không chỉ trông chờ vào cơ quan nhà nước, các hiệp hội DN có thể chủ động tiên phong xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin về đất đai một cách độc lập để Nhà nước, cộng đồng DN, nhà đầu tư sử dụng.

Tin cùng chuyên mục