Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp siêu nhỏ là thiếu vốn và khó tiếp cận các nguồn vốn vay. Ảnh: Lê Tiên |
Lực lượng đông nhưng tiếng nói yếu
Với tiêu chí về lao động và doanh thu tại Nghị định 39/2018/NĐ-CP, DN siêu nhỏ ước tính chiếm khoảng 70% tổng số DN Việt Nam hiện nay. Theo TS. Hoàng Trần Hậu, Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính thuộc Bộ Tài chính, trong nhiều năm tới, DN siêu nhỏ vẫn là một trong những nhân tố chủ lực của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, thành phần kinh tế này chỉ phát triển mạnh trong những lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận khiêm tốn, công nghệ thấp do không có lợi thế về quy mô, mà thường tập trung vào các vấn đề như lựa chọn mục tiêu kinh doanh phù hợp với khả năng, ổn định, củng cố thị phần đã có hay phát triển thị trường từng bước và có chọn lọc điểm đột phá thuận lợi nhất. “Các DN siêu nhỏ vẫn phải tự vận động và liên kết để hợp tác kinh doanh, mà thiếu vắng vai trò rõ nét của chính sách nhà nước”, ông Hậu nói.
Trong khi đó, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, với tỷ lệ cao trong tổng số DN của Việt Nam, lẽ ra các chính sách hỗ trợ của Chính phủ phải quan tâm tới các DN siêu nhỏ nhiều hơn cả về chủ trương và sự thực thi. “Tuy nhiên, chính vì quy mô siêu nhỏ, những DN này dường như đang bị “ngó lơ”. Tiếng nói của họ ít được nghe thấy trên các phương tiện truyền thông và do đó ít thu hút sự quan tâm của công chúng và cơ quan chính phủ”, ông Thành nói.
Về tài chính phục vụ hoạt động kinh doanh, thành phần kinh tế này gặp khó khăn lớn nhất là thiếu vốn và khó tiếp cận các nguồn vốn vay với nguyên nhân chính là thiếu tài sản thế chấp và khả năng tiếp cận thị trường yếu. Do đó, họ chủ yếu dựa vào lợi nhuận để lại (nếu có) và nguồn vốn từ bạn bè, người thân.
Chính sách hỗ trợ chưa thực tế
Đồng tình với những nhận xét trên, ông Nguyễn Văn Tuyền - Giám đốc Công ty TNHH Tiến Đạt - cho rằng, các chủ trương hỗ trợ DN siêu nhỏ cần được hiện thực hóa thay vì “bàn đến rất nhiều nhưng chỉ để đấy”, bởi họ không thể chờ đợi khi các đối thủ cạnh tranh đang tấn công khá mạnh mẽ.
Đề xuất cụ thể về chính sách, ông Đạt cho rằng, cần bắt đầu bằng việc giảm hoặc miễn thuế cho DN, không phạt chậm nộp thuế nếu người nộp thuế có lý do phù hợp. “Chúng tôi cần được khuyến khích thay vì trừng phạt quá nặng, bởi điều này có thể gây khó khăn, làm nản tinh thần kinh doanh hoặc tệ hơn là kiệt quệ tài chính đến mức ngừng kinh doanh. Các chủ trương hỗ trợ DN nhỏ được nói khá nhiều trên các phương tiện truyền thông nhưng lại chưa hiển hiện trong thực tế công việc của chúng tôi”, vị giám đốc này nhấn mạnh.
Nghiên cứu từ góc độ thủ tục hành chính thuế với DN siêu nhỏ, bà Tôn Thu Hiền, giảng viên Khoa Thuế - Hải quan thuộc Học viện Tài chính cho rằng, cần đơn giản hóa các chế độ kế toán, chế độ khai thuế, thủ tục tiền lương, bảo hiểm xã hội với DN siêu nhỏ. “Đây cũng là một trong các biện pháp cần thực hiện để nhiều hộ kinh doanh cá thể không thấy ngại và sẵn lòng trở thành DN”, bà Hiền nêu quan điểm.
Quan tâm đến chính sách hỗ trợ cho DN siêu nhỏ với định dạng là các DN khởi nghiệp sáng tạo (startup), bà Đỗ Thị Tú Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp nhận xét, nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành, song việc thực thi rất chậm và không đồng bộ. Trong khi đó, đặc thù của các startup là phải tấn công thị trường nhanh và mạnh nên hầu hết các startup không trông cậy được vào nguồn hỗ trợ của Nhà nước.
“Trong nhiều trường hợp, đội ngũ thực thi chưa hiểu sát và cặn kẽ về các mô hình kinh doanh mới nên quá thận trọng, sợ trách nhiệm. Nếu chờ đợi nguồn hỗ trợ này, startup chắc chắn nhỡ cơ hội kinh doanh trên thị trường”, bà Tú Anh phàn nàn.
Đề xuất cách thức hỗ trợ hiệu quả hơn, bà Đỗ Thị Tú Anh cho rằng, việc cần làm đầu tiên là đào tạo hệ thống nhân sự hiểu được các DN cần hỗ trợ gì, có thể làm được gì. “Nhiều địa phương đang có tiền để hỗ trợ khởi nghiệp nhưng không giải ngân được với lý do là không tìm được dự án để giải ngân. Nhiều tiêu chí hỗ trợ của các nguồn vốn này không sát thực tế, không phù hợp với môi trường kinh doanh khởi nghiệp sáng tạo hiện nay”, bà Tú Anh nói.
Mặt khác, vị phó giám đốc này cũng đề xuất, cần xây dựng một cơ quan đầu mối quốc gia chuyên về hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo thay cho tình trạng nhiều bộ, ngành, địa phương có bộ phận hỗ trợ startup nhưng manh mún, không nhất quán nên không hiệu quả.