Thiếu vật liệu san lấp tại các dự án giao thông trọng điểm: Điểm danh vướng mắc, bất cập

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Từ thực trạng thiếu vật liệu san lấp trầm trọng tại các dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã chỉ ra nhiều bất cập trong cấp phép khai khoáng tại một số địa phương cũng như công tác khảo sát, đánh giá trữ lượng, chất lượng của các mỏ và đề xuất biện pháp tháo gỡ.
Việc cấp phép thăm dò, khai thác một số mỏ vật liệu được triển khai khi khởi công dự án nên không đáp ứng tiến độ thi công. Ảnh minh họa: GK
Việc cấp phép thăm dò, khai thác một số mỏ vật liệu được triển khai khi khởi công dự án nên không đáp ứng tiến độ thi công. Ảnh minh họa: GK

TTCP vừa công bố liên tiếp 2 kết luận thanh tra về việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế cung cấp cho Dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn (Kết luận thanh tra số 1782/KL-TTCP) và tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Đồng Tháp cung cấp cho các dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Vĩnh Hảo, cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn 2 đầu cầu (Kết luận thanh tra số 1896/KL-TTCP).

Theo Kết luận thanh tra số 1896/KL-TTCP, căn cứ hồ sơ thiết kế kỹ thuật do Ban Quản lý dự án (BQLDA) 7 và BQLDA Thăng Long lập, nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp của Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết là 9,2 triệu m3 đất, nguồn cung cấp thuộc 14 khu mỏ với trữ lượng 25 triệu m3; Dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết là trên 3,9 triệu m3 đất, nguồn cung thuộc 5 khu mỏ trên địa bàn huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ và TP. Long Khánh (Đồng Nai); Dự án cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn 2 đầu cầu là 495,6 nghìn m3 cát san lấp, nguồn cung là các mỏ của Công ty CP Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp (tỉnh Đồng Tháp) và Công ty TNHH liên doanh Antraco (tỉnh An Giang).

Tuy nhiên, sau khi có thiết kế kỹ thuật và dự toán của 3 dự án trên, chủ đầu tư phản ánh tình trạng thiếu vật liệu san lấp. Qua thanh tra, TTCP xác định, trữ lượng vật liệu của các địa phương đều cao hơn nhiều so với nhu cầu của các dự án. Song tại thời điểm triển khai 2 dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Dầu Giây - Phan Thiết, Đồng Nai và Bình Thuận không đủ nguồn cung cấp vì phần lớn trữ lượng thuộc khu quy hoạch. Các khu vực mỏ đã được cấp phép thì có trữ lượng và công suất được phép khai thác quá thấp so với nhu cầu của các dự án.

Nguyên nhân khách quan được TTCP xác định, có sự chồng chéo, vướng mắc trong áp dụng quy định pháp luật về khoáng sản, đất đai và đầu tư. Nguyên nhân chính ở khâu khảo sát, đánh giá tình hình của đơn vị tư vấn chưa kỹ, không xác định đầy đủ tính pháp lý của khu vực dự kiến cung cấp vật liệu cho dự án.

Tại Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn, báo cáo của BQLDA đường Hồ Chí Minh tại bước thiết kế kỹ thuật xác định nhu cầu về VLXDTT của Dự án khoảng 10,52 triệu m3, có 6 mỏ đất được xác định cung cấp cho Dự án. Nhưng thực tế, có 3 mỏ đất cung cấp khối lượng ít hơn nhu cầu xác định tại bước thiết kế kỹ thuật (mỏ Vũng Nhựa, Hiền Sỹ, Vũng Chòi). Bộ Giao thông vận tải (Chủ đầu tư) đã 5 lần gia hạn tiến độ với các gói thầu XL02, XL05, XL06, XL11 bị chậm tiến độ có liên quan đến việc thiếu vật liệu đất đắp nền đường và điều chỉnh thiết kế kỹ thuật phải bổ sung nguồn vật liệu đất đắp nền đường.

TTCP nêu rõ, nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ Dự án là do các mỏ quy hoạch cung cấp cho Dự án nhưng chưa được cấp phép, đến khi khởi công Dự án mới tiến hành cấp phép thăm dò, khai thác nên mất nhiều thời gian giải quyết thủ tục hành chính; bất cập, vướng mắc giữa Luật Khoáng sản và Luật Đất đai trong việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, cho thuê đất; giá nhiên, vật liệu tăng (thép xây dựng tăng khoảng 18 - 22%, xăng dầu tăng khoảng 55% so với năm 2019 - năm phê duyệt dự toán); giá vật liệu đất đắp thực tế cao hơn so với giá công bố của tỉnh…

Ngoài ra, TTCP xác định, công tác điều tra khảo sát, đánh giá trữ lượng, chất lượng của các mỏ phục vụ Dự án chưa chính xác (BQLDA đường Hồ Chí Minh chưa phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn); một số mỏ có trong thiết kế nhưng không cung cấp được vật liệu, phải tìm mỏ khác hoặc đề nghị cấp phép mỏ mới; một số mỏ đá, cát thực tế không cung cấp, hoặc cung cấp ít hơn khối lượng thiết kế, làm tăng chi phí vận chuyển do điểm mỏ cung cấp vật liệu xa hơn, ảnh hưởng thời gian thi công của một số gói thầu, chậm tiến độ của Dự án.

TTCP đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu trình Chính phủ có quy định về việc lập dự án đầu tư xây dựng công trình, thực hiện đồng thời việc khảo sát, lựa chọn các mỏ khoáng sản đảm bảo chất lượng, khối lượng, có đủ điều kiện cấp phép để phê duyệt cùng dự án. Bên cạnh đó, phối hợp với địa phương hướng dẫn sớm lập hồ sơ xin cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu đắp nền đường. Ngoài ra, quy định cụ thể về lựa chọn nhà thầu thi công có đủ năng lực để có thể trực tiếp khai thác hoặc trực tiếp mua tại mỏ, giảm thiểu khâu trung gian trong khai thác, mua bán, vận chuyển vật liệu, đảm bảo tiến độ cung cấp và kiểm soát giá thành.

TTCP đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu trình Chính phủ ban hành quy định tháo gỡ vướng mắc trong việc khai thác khoáng sản, cơ chế thu hồi đất giữa Luật Khoáng sản và Luật Đất đai, hỗ trợ đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng tại các mỏ; xem xét ban hành quy định về cấp phép khai thác đất làm vật liệu san lấp theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính...

Tin cùng chuyên mục