Thời gian có hiệu lực của HSDT

Hỏi: Chúng tôi có một tình huống sau: Trong hồ sơ mời thầu (HSMT) quy định thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu (HSDT) tối thiểu là 60 ngày kể từ thời điểm đóng thầu. Thời điểm đóng thầu theo quy định trong HSMT là 10 giờ ngày 1/11/2011.

Có một HSDT của nhà thầu ghi thời gian có hiệu lực của HSDT là 60 ngày kể từ lúc 10 giờ 30 ngày 1/11/2011 (thời điểm mở thầu) đến 10 giờ ngày 1/1/2012. Như vậy, HSDT của nhà thầu này vẫn đảm bảo thời gian hiệu lực theo quy định của HSMT là 60 ngày do tháng 12 có 31 ngày. Trong trường hợp này có ý kiến của bộ phận thẩm định là HSDT này không bảo đảm yêu cầu về thời gian có hiệu lực không đáp ứng yêu cầu về thời điểm có hiệu lực của HSDT nên yêu cầu cần loại hồ sơ. Ý kiến của bộ phận thẩm định như vậy là đúng hay sai? Trong trường hợp này, phải xử lý thế nào cho chuẩn mực?

Trả lời:

Theo Điều 4 Khoản 24 Luật Đấu thầu quy định HSMT là căn cứ pháp lý để bên mời thầu đánh giá HSDT nhằm lựa chọn nhà thầu trúng thầu. Ngoài quy định trong Luật Đấu thầu, Nghị định 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ (NĐ85), trong mẫu HSMT do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) ban hành kèm theo thông tư nội dung thời gian có hiệu lực của HSDT được đề cập ở nhiều chỗ:

* Tại mẫu số 1: Về Đơn dự thầu:

Yêu cầu nhà thầu phải ghi rõ trong Đơn dự thầu là “Hiệu lực HSDT trong thời gian…ngày, kể từ…giờ, ngày…tháng…năm (ghi thời điểm đóng thầu)”.

Như vậy, trong HSMT quy định thời gian có hiệu lực của HSDT là số ngày yêu cầu tính từ thời điểm đóng thầu.

* Trong Chương I. Yêu cầu về thủ tục đấu thầu

Trong HSMT dành một mục để nói về thời gian có hiệu lực của HSDT. Theo đó, quy định: Thời gian có hiệu lực của HSDT được tính từ thời điểm đóng thầu và phải đảm bảo như quy định trong Bảng dữ liệu đấu thầu (BDL). HSDT có thời gian hiệu lực ngắn hơn so với quy định trong BDL là không hợp lệ và bị loại.

* Trong Chương II. Bảng dữ liệu đấu thầu (BDL)

Tại Chương này thuộc HSMT ghi rõ:

“Thời gian có hiệu lực của HSDT là…ngày kể từ thời điểm đóng thầu”.

Đồng thời cũng tại nội dung này, còn có ví dụ cụ thể minh họa cách tính số ngày theo quy định trong NĐ85 (Điều 2). Theo đó, ngày đầu tiên được tính từ thời điểm đóng thầu tới giờ 24 của ngày đóng thầu, nghĩa là chưa đủ 24 giờ cho ngày đầu tiên.

Qua các quy định và phân tích trên thấy rằng thời gian có hiệu lực của HSDT cần đảm bảo hai yếu tố:

1. Thời điểm bắt đầu có hiệu lực.

2. Quãng thời gian có hiệu lực (số ngày).

Trường hợp HSDT chỉ cần không đáp ứng một trong hai nội dung trên thì được coi là không đáp ứng.

Thuật ngữ “thời gian” dễ gây ra sự hiểu khác nhau, nó bao gồm “thời điểm” (nội dung thứ nhất nêu trên) và “thời hạn” (nội dung thứ hai nêu trên). Tiếc rằng sự thể hiện thuật ngữ này ở một vài chỗ làm người đọc nghĩ rằng “thời gian có hiệu lực” là chỉ nói về “thời hạn” (số ngày).

Trong tình huống được hỏi thì hiệu lực HSDT của nhà thầu mới chỉ đáp ứng yêu cầu thứ hai của quy định (về quãng thời gian có hiệu lực). Thậm chí theo cách tính quy định trong NĐ85 thì còn dư một vài giờ so với yêu cầu 60 ngày trong HSMT. Tuy nhiên, hiệu lực của HSDT này lại bắt đầu từ 10 giờ 30 muộn hơn thời điểm đóng thầu quy định trong HSMT là từ 10 giờ (đều thuộc cùng một ngày là 1/11/2011).

Như vậy, hiệu lực HSDT của nhà thầu đã không đáp ứng yêu cầu thứ nhất về thời điểm bắt đầu có hiệu lực nên HSDT bị loại do không đáp ứng điều kiện tiên quyết của HSMT (trong đó có nội dung về thời gian có hiệu lực của HSDT).

Tóm lại, ý kiến của bộ phận thẩm định trong trường hợp này là đúng, đủ cơ sở loại bỏ HSDT đã đề cập.

Đôi khi việc loại HSDT theo đúng quy định như trường hợp vừa nêu là điều không mong muốn của bên mời thầu/tổ chuyên gia đấu thầu, thậm chí gây ra bất lợi đối với chủ đầu tư. Nhưng tiếc rằng, trong tình huống này, nhà thầu đã có một sơ suất không đáng có, để bị loại căn cứ theo quy định của luật pháp.

Sự việc xảy ra là điều đáng tiếc cho cả nhà thầu và bên mời thầu/tổ chuyên gia đấu thầu song việc xử lý lại cần thiết là bài học để nhắc nhở, “răn đe” nhà thầu phải đọc kỹ HSMT thậm chí phải nghiên cứu để hiểu sâu sắc các quy định trong Luật, nghị định và trong các thông tư liên quan tới HSMT nếu không muốn rơi vào tình trạng bị loại bỏ vì những lý do đơn giản như tình huống vừa nêu. Đọc HSMT đã không kỹ thì làm sao chủ đầu tư có thể yên tâm trao hợp đồng cho nhà thầu. Thiết nghĩ việc loại nhà thầu như vậy cũng là thích đáng và cần thiết.

Tin cùng chuyên mục