Chỉ có 199.500 doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm khoảng 42% tổng số doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên |
Đến thời điểm này, Dự án Luật đã nhận được sự đồng tình, nhất trí cao của Thường vụ Quốc hội về việc có 3 tiêu chí xác định DNNVV là vốn, doanh thu và lao động.
Thu hẹp đối tượng hỗ trợ
Trong báo cáo tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, để bảo đảm tính khả thi trong khả năng nguồn lực có hạn, Dự thảo Luật đã tiếp thu, bổ sung quy định về tiêu chí DNNVV. Cụ thể, giảm mức trần về số lao động từ 300 xuống 200 lao động; bổ sung điều kiện lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH); thu hẹp đối tượng DNNVV được hỗ trợ theo Luật.
Theo thống kê của BHXH năm 2015, trong khoảng 480.000 DN đang hoạt động và có đăng ký mã số thuế, chỉ có 199.500 DN tham gia BHXH, chiếm khoảng 42% tổng số DN. Việc bổ sung tiêu chí lao động tham gia BHXH không chỉ thu hẹp đối tượng, mà còn tạo cơ sở để DNNVV tuân thủ pháp luật về BHXH. Đối với các đối tượng có trọng tâm cũng đã quy định rõ hơn về đối tượng, điều kiện, nội dung hỗ trợ; làm rõ chủ thể thực hiện hỗ trợ và quy định cụ thể trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.
Đồng thuận với việc đặt vấn đề về tiêu chí lao động tham gia BHXH là đúng và đề cao trách nhiệm của giới chủ, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhận định, bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa là chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động. Do đó, nếu đưa đề xuất này ra xin ý kiến các đại biểu Quốc hội chắc chắn sẽ nhận được sự đồng tình và thuyết phục cao.
Ngoài ra, các ý kiến của Thường vụ Quốc hội cũng bày tỏ đồng tình, nhất trí cao với việc có 3 tiêu chí xác định DNNVV là vốn, doanh thu và lao động. Trong đó, đối với tiêu chí lao động, lấy mức trần là 200 lao động là hợp lý, tuy nhiên cần yêu cầu rõ các lao động này phải tham gia BHXH để bảo vệ quyền lợi của người lao động và đề cao trách nhiệm của giới chủ.
Tạo cơ sở pháp lý để sửa các luật khác
Liên quan đến Điều 30 Dự thảo Luật DNNVV, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV cơ bản tán thành với những quy định khá rõ trách nhiệm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và trách nhiệm của Hiệp hội DNNVV Việt Nam. Điều này thể hiện sự đổi mới tư duy, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc chuyển giao một số nhiệm vụ trước đây do các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện cho tổ chức xã hội (trong đó có Hiệp hội DNNVV Việt Nam) thực hiện.
Cũng liên quan đến Điều 30, về ý kiến khác biệt của VCCI, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, mỗi hiệp hội đều có tôn chỉ, mục đích, chức năng riêng, nên tổ chức này không thể là cấp trên hay là tổ chức mẹ của tổ chức khác. “Nếu đã là chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đối với cộng đồng DNNVV thì càng nhiều tổ chức hỗ trợ càng tốt, chứ không chỉ riêng VCCI. Do vậy, tôi kiến nghị giữ nguyên Điều 30 như Dự thảo Luật” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm.
Phát biểu kết luận tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Thường vụ Quốc hội khẳng định Dự án Luật DNNVV là luật khung, luật chung đưa ra nguyên tắc, tạo cơ sở pháp lý để sửa các luật khác như thuế, đất đai, tổ chức tín dụng, chương trình quốc gia. Do đó, không thể quy định tất cả các vấn đề nêu trên vào trong luật này. Riêng đối với Điều 30, Ban soạn thảo Dự án Luật cần rà soát lại để không ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức khác như VCCI, Hiệp hội DNNVV, hiệp hội và các ngành nghề khác