Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV xem xét nhiều dự án luật hướng tới mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Ảnh: Nhã Chi |
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Kỳ họp đã hoàn thành với nhiều nội dung quan trọng, thể hiện tinh thần đổi mới, đoàn kết, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân, thẳng thắn thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân.
Thực hiện công khai, minh bạch, khuyến khích đầu tư
Trong số 3 luật được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này, đáng chú ý là Luật Đấu giá tài sản và Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư.
Cụ thể, nhằm thay thế các quy định về đấu giá tài sản thực hiện theo Nghị định số 17/2010/NĐ-CP vốn đã cũ và có nhiều bất cập, Luật Đấu giá tài sản vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua với 8 chương, 81 điều quy định rõ các loại tài sản phải bán thông qua đấu giá theo quy định của pháp luật gồm: tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; tài sản là quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản; tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật này.
Luật Đấu giá tài sản nghiêm cấm tổ chức đấu giá tài sản và đấu giá viên cho thuê, cho mượn hoặc cho các cá nhân, tổ chức khác sử dụng chứng chỉ hành nghề đấu giá của mình. Mặt khác, Luật cũng ngăn ngừa các cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá không đúng quy định của pháp luật; vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên; để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá nhằm mục đích trục lợi...
Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư cũng được Quốc hội khóa XIV thông qua. Đây được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Tăng chất lượng quy hoạch, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ
Kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến đối với những dự án luật quan trọng khác nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém và bất cập trong công tác quy hoạch (Luật Quy hoạch); tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển (Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa).
Theo Tờ trình của Chính phủ, hai nguyên nhân chính dẫn đến hạn chế, yếu kém của công tác quy hoạch là tư duy và nhận thức của các cấp, các ngành về quy hoạch còn nhiều bất cập; ban hành quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về công tác quy hoạch, nhưng không thống nhất, thiếu đồng bộ và còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn nhau. Do đó, Luật Quy hoạch sẽ là khung khổ pháp lý quan trọng hướng tới sự cải cách toàn diện về công tác quy hoạch, giúp Nhà nước kiến tạo sự phát triển, là giải pháp để đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đối với công tác hỗ trợ doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được quy định tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP và các văn bản pháp luật liên quan đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập dẫn đến việc thực hiện hỗ trợ cho đối tượng doanh nghiệp này trong thực tiễn chưa hiệu quả.
Do đó, việc xây dựng và ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là hết sức cần thiết, nhằm thiết lập đồng bộ các chính sách, chương trình để hỗ trợ DNNVV có chọn lọc, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế của đất nước, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, quốc gia và nguồn lực có thể bố trí trong từng thời kỳ; tăng cường năng lực và hiệu quả cho hệ thống cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV; nâng cao hiệu quả điều phối, xây dựng, tổ chức thực hiện, giám sát và đánh giá các hoạt động hỗ trợ DNNVV...
Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, 2 dự án luật này được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 và dự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV.