Thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chiều 9/1, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với 449/489 đại biểu có mặt tại hội trường biểu quyết tán thành thông qua, chiếm 90,52%.
Thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Nghiêm túc, cầu thị tiếp thu tối đa các ý kiến hợp lý

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Báo cáo, căn cứ các chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ chuẩn bị Hồ sơ Quy hoạch công phu, bài bản, khoa học để trình Quốc hội. Trong quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan nghiêm túc, cầu thị tiếp thu tối đa các ý kiến hợp lý để nâng cao chất lượng. Việc sớm thông qua Quy hoạch sẽ là căn cứ để lập các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, tạo thuận lợi cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương lập, phê duyệt, quyết định các quy hoạch cấp dưới đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật Quy hoạch, “Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cấp quốc gia, mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ, bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời; hệ thống đô thị và nông thôn; kết cấu hạ tầng; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế”. Về mức độ chi tiết, tại Khoản 1 Điều 22 Luật Quy hoạch quy định rất rõ phạm vi nội dung của Quy hoạch tổng thể quốc gia là “xác định việc phân bố và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường có tầm quan trọng cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng mang tính chiến lược trên lãnh thổ bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời”.

Như vậy, Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch mang tính chiến lược, xác định việc tổ chức không gian phát triển của đất nước, có phạm vi ở cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng, đặc biệt chú trọng vào việc phân vùng, liên kết vùng, bao gồm việc xác định các vùng kinh tế - xã hội, các hành lang kinh tế, các vùng động lực, cực tăng trưởng, các vùng ưu tiên phát triển, các vùng hạn chế phát triển, các vùng bảo tồn, các phân vùng sản xuất chính và xác định khung kết cấu hạ tầng của đất nước, việc sử dụng tài nguyên và môi trường, phát triển hệ thống đô thị và nông thôn, bao gồm xác định các cảng cửa ngõ quốc tế, các hạ tầng kỹ thuật - xã hội cấp quốc gia, quốc tế, có tính liên vùng, cũng như các định hướng ưu tiên đầu tư trong thời kỳ quy hoạch.

Các nội dung quy hoạch chi tiết về phân chia tiểu vùng, liên kết nội vùng, định hướng phát triển từng ngành, từng tỉnh sẽ được cụ thể hóa ở các quy hoạch cấp thấp hơn như quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh để tránh có sự trùng lắp, chồng chéo về nội dung giữa các cấp quy hoạch, phù hợp với việc phân cấp, thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp và tạo sự chủ động, linh hoạt, thích ứng trong quá trình lập và triển khai thực hiện quy hoạch.

Ngoài ra, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rà soát lược bỏ những nội dung quá cụ thể, chi tiết để cụ thể hóa ở các quy hoạch cấp dưới.

Thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Quyết tâm cao nhất, tận dụng khai thác hiệu quả các lợi thế để thực hiện Quy hoạch

Tại phiên thảo luận ở Hội trường của Kỳ họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp, nên mức độ chi tiết đến đâu vẫn là vấn đề khó nhất. Chia sẻ về quá trình lập Quy hoạch, Bộ trưởng cho biết, đã triển khai trong suốt 2 năm vừa qua với hàng trăm cuộc hội nghị, hội thảo. "Rất nhiều ý kiến đã tiếp thu như về đánh giá hiện trạng cũng như quan điểm phát triển, định hướng phát triển của các ngành, các vùng, danh mục dự án, nguồn lực, mục tiêu, chỉ tiêu, chúng tôi cũng đã cơ bản tiếp thu", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Về các quan điểm phát triển và những trọng tâm, trọng điểm, báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, quan điểm mới và quan trọng của quy hoạch lần này là phải hướng đến phát triển có trọng tâm, trọng điểm để tạo ra được động lực phát triển mới, đồng thời phải đảm bảo các vấn đề về an sinh xã hội và môi trường.

"Theo đó, phân chia ra 2 giai đoạn. Giai đoạn trước 2030, chúng ta phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi để hình thành các vùng động lực, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và hiệu quả, nhưng vẫn đảm bảo quan tâm và đảm bảo các vấn đề về an sinh xã hội, môi trường, các đối tượng chính sách, những người nghèo, dân tộc thiểu số, miền núi, nhất là về y tế, giáo dục và văn hóa. Sau năm 2030, chúng ta sẽ hướng đến phát triển cân bằng, hài hòa và bền vững giữa các vùng miền và địa phương", Bộ trưởng cho biết.

Về hình thành và phát triển các vùng động lực, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay để lựa chọn một số địa bàn có vị trí, điều kiện thuận lợi nhất, có cảng biển, cảng hàng không quốc tế, khu kinh tế ven biển, tiềm lực về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao được kết nối với các cửa khẩu quốc tế sẽ xác định là 4 vùng động lực, sau đó có 4 cực tăng trưởng. Trong quá trình phát triển, nếu thấy đủ điều kiện thì sẽ điều chỉnh và bổ sung các vùng động lực mới để phát huy được tối đa tất cả các lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của các vùng, các địa phương.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết đã nghiên cứu kỹ lưỡng để lựa chọn kịch bản phát triển trên cơ sở đánh giá đầy đủ các yếu tố tác động, cân đối các nguồn lực phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu phát triển, bám sát để cụ thể hóa mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đưa ra. Để đạt được các mục tiêu đề ra, dự kiến nguồn lực để thực hiện quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 này cần khoảng 48,3 triệu tỷ đồng, tương ứng với cả 35% GDP, thông qua việc huy động tối đa các nguồn lực, từ nguồn lực của Nhà nước đến đầu tư tư nhân, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, các nguồn lực của nước ngoài.

Tin cùng chuyên mục