Thông tư 09/2020/TT-BKHĐT quy định: đối với hàng hóa thông thường, thông dụng, sẵn có trên thị trường, đã được tiêu chuẩn hóa thì không yêu cầu nhà thầu cung cấp hàng mẫu. Ảnh: Lê Tiên |
Không được tùy tiện yêu cầu hàng mẫu
Một trong những điểm đáng chú ý của TT09 là quy định tại “Điều 5. Yêu cầu về cung cấp hàng mẫu”. Đây có thể coi là “liều thuốc mạnh” điều trị việc lạm dụng, tùy tiện trong việc yêu cầu hàng mẫu khi mua sắm hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa thông dụng.
Điều 5 của TT09 quy định chặt chẽ, chi tiết để hạn chế tối đa yêu cầu hàng mẫu và vẫn có hướng xử lý cho chủ đầu tư, bên mời thầu đối với tình huống phát sinh. Cụ thể, “đối với hàng hóa thông thường, thông dụng, sẵn có trên thị trường, đã được tiêu chuẩn hóa thì không yêu cầu nhà thầu cung cấp hàng mẫu”.
Riêng với trường hợp hàng hóa của gói thầu là đặc thù, phức tạp, chủ đầu tư, bên mời thầu không thể xác định được cụ thể hình dáng, mẫu mã của hàng hóa, cần chế tạo, sản xuất đơn lẻ, riêng biệt thì Thông tư hướng dẫn “có thể yêu cầu nhà thầu cung cấp hàng mẫu để chứng minh thông số kỹ thuật của hàng hóa”.
Đồng thời, Thông tư quy định: “Trường hợp yêu cầu nhà thầu cung cấp hàng mẫu, trong tờ trình đề nghị phê duyệt hồ sơ mời thầu (HSMT) phải nêu rõ lý do để chủ đầu tư xem xét, quyết định. Chủ đầu tư, bên mời thầu phải bảo đảm việc yêu cầu cung cấp hàng mẫu không dẫn đến làm tăng chi phí của gói thầu, hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng”.
Điều 5 của TT09 quy định: “Đối với hàng hóa thông thường, thông dụng, sẵn có trên thị trường, đã được tiêu chuẩn hóa thì không yêu cầu nhà thầu cung cấp hàng mẫu”.
“Đây là những quy định được các nhà thầu trong lĩnh vực cung cấp hàng hóa, thiết bị chúng tôi mong chờ, kỳ vọng. Bởi, quy định này đã loại bỏ hoàn toàn việc yêu cầu hàng mẫu đối với hàng hóa thông dụng, các nhà thầu đã trút được gánh nặng, đỡ chi phí lớn khi dự thầu”, đại diện Công ty CP Công nghệ Tin Việt Tiến ở Đồng Nai nhận xét.
Trong khi đó, đại diện Công ty TNHH Máy tính Kết nối tại Tiền Giang khẳng định, một loạt điểm mới tại TT09 thực sự tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu. Nhiều khi gói thầu chỉ 200 - 300 triệu đồng nhưng chi phí đi lại cung cấp hàng mẫu khá nhiều, nếu không trúng thầu lại phải vận chuyển về, gây tốn kém cho nhà thầu. Các chủ đầu tư và bên mời thầu cập nhật, tuân thủ theo quy định mới này chính là tạo ra những cuộc đấu minh bạch, hiệu quả kinh tế cao nhất.
Tạo thuận lợi nhất cho nhà thầu
Ghi nhận của phóng viên Báo Đấu thầu cho thấy, dù đến ngày 15/1 tới, TT09 mới có hiệu lực nhưng hiệu ứng lan tỏa đến các nhà thầu là rất lớn. Dù Thông tư quy định gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định CPTPP nhưng lại có tác động đến cả hoạt động mua sắm hàng hóa của các chủ đầu tư khác. “Chúng tôi đã nắm được tinh thần của TT09 với những cải tiến này, trong quá trình xây dựng HSMT các gói thầu mua sắm hàng hóa, chúng tôi sẽ quán triệt tuân thủ nghiêm túc. Mục đích để tạo thuận lợi nhất cho các nhà thầu dự thầu, không phát sinh chi phí không cần thiết”, đại diện một chủ đầu tư tại TP.HCM khẳng định.
Điều 5 của TT09 còn quy định: “Trường hợp hồ sơ mời thầu có yêu cầu cung cấp hàng mẫu, nhà thầu có thể nộp bổ sung hàng mẫu sau thời điểm đóng thầu”. Quy định này được nhiều ý kiến đánh giá là đột phá lớn. Bởi tại nhiều gói thầu, do thực hiện theo các phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, hình thức chào hàng cạnh tranh nên thời gian chuẩn bị HSDT, hồ sơ đề xuất rất gấp (3 đến 5 ngày). Quy định mới này thực sự tạo thuận lợi rất lớn cho các nhà thầu, giúp nhà thầu chủ động hơn và sẵn sàng tham gia các gói thầu, làm tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu”, đại diện Công ty CP Xây dựng và Trang trí nội thất Phúc Tấn đánh giá.