Gói thầu hệ thống xử lý nước thải Hòa Thành (Tây Ninh): Kiến nghị điều chỉnh tiêu chí bất thành

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Công ty CP Tư vấn xây dựng Nhất Nguyên được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Tây Ninh (chủ đầu tư) giao làm bên mời thầu Gói thầu Thi công xây dựng nhà máy xử lý nước thải và tuyến ống thu gom cấp 1 trên đường Trần Phú kết nối vào nhà máy thuộc Dự án Hệ thống xử lý nước thải đô thị Hòa Thành - giai đoạn 2.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Trong thời gian phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT), Gói thầu liên tục phát sinh kiến nghị của nhà thầu về việc sửa đổi tiêu chí đánh giá chưa phù hợp quy định, có thể gây hạn chế cạnh tranh.

Gói thầu nêu trên có giá 151,087 tỷ đồng, phát hành HSMT từ ngày 25/10 - 20/11/2024.

Tiêu chí đánh giá uy tín của nhà thầu tại HSMT quy định: “Nhà thầu chưa từng bị cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu hoặc ra thông báo nhà thầu có hành vi gian lận, cung cấp thông tin không trung thực trong đấu thầu theo quy định tại Điều 16 Luật Đấu thầu, cũng như chưa từng bị xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng”.

Nhiều nhà thầu kiến nghị cho rằng, hướng dẫn đánh giá về uy tín của nhà thầu tại Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT không có nội dung này. Mặt khác, theo quy định tại khoản 3 Điều 87 Luật Đấu thầu, nhà thầu chỉ bị cấm tham dự thầu trên phạm vi toàn quốc trong trường hợp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành quyết định cấm thầu. Pháp luật về đấu thầu không có quy định nhà thầu khi bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu hoặc vi phạm tại một cơ quan/tổ chức ở địa phương này thì không được tham gia đấu thầu ở địa phương khác. Do đó, các nhà thầu cho rằng, quy định trên là hà khắc, không phù hợp với quy định pháp luật đấu thầu.

Về nhân sự chủ chốt, bên cạnh vị trí chỉ huy trưởng, HSMT yêu cầu tất cả các vị trí nhân sự chủ chốt còn lại, bao gồm: cán bộ phụ trách kỹ thuật thi công phần xây dựng nhà máy (phần xây dựng dân dụng), cán bộ phụ trách kỹ thuật thi công phần tuyến ống thu gom, cán bộ phụ trách kỹ thuật thi công phần giao thông, cán bộ phụ trách thi công lắp đặt thiết bị công nghệ, cán bộ phụ trách thi công điện đều phải đáp ứng điều kiện “có chứng chỉ hành nghề giám sát trong hoạt động xây dựng từ cấp III trở lên còn hiệu lực”.

Phản ứng với tiêu chí này, các nhà thầu cho biết, theo quy định tại Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi năm 2020), những chức danh, cá nhân hành nghề hoạt động xây dựng phải có chứng chỉ hành nghề bao gồm: giám đốc quản lý dự án đầu tư xây dựng; chủ nhiệm, chủ trì lập thiết kế quy hoạch xây dựng; chủ nhiệm khảo sát xây dựng; chủ nhiệm, chủ trì thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng; tư vấn giám sát thi công xây dựng; chủ trì lập, thẩm tra và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Đối với gói thầu đang xét, ngoài chức danh chỉ huy trưởng phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định tại Điều 74 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, các vị trí cán bộ phụ trách thi công trực tiếp là nhân sự phụ trách về mặt kỹ thuật thi công, không phải là chức danh theo quy định pháp luật xây dựng, không yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề nghiệp vụ tương ứng. Khi tham dự thầu, các nhân sự chủ chốt này đã đáp ứng trình độ năng lực, kinh nghiệm theo các yêu cầu khác trong HSMT. Việc HSMT yêu cầu thêm chứng chỉ hành nghề giám sát trong hoạt động xây dựng đối với các vị trí kỹ thuật này là hành vi hạn chế cạnh tranh quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật Đấu thầu.

Phản hồi các kiến nghị, Bên mời thầu bảo lưu HSMT với lý do, theo quy định về nghiệm thu công việc xây dựng tại Nghị định số 06/2021/NĐ-CP, cá nhân phụ trách kỹ thuật thi công trực tiếp tham gia ký, xác nhận hồ sơ nghiệm thu, quản lý chất lượng phải có năng lực phù hợp với công việc đảm nhận, đảm bảo điều kiện năng lực theo đúng hồ sơ dự thầu và hệ thống quản lý chất lượng công trình của nhà thầu. Do đó, việc yêu cầu cá nhân có chứng chỉ hành nghề giám sát trong hoạt động xây dựng nhằm đảm bảo nhân sự có đủ năng lực, kinh nghiệm. Liên quan đến tiêu chí đánh giá về uy tín nhà thầu, Bên mời thầu đề nghị các nhà thầu thực hiện đúng theo HSMT.

Chuyên gia đấu thầu cho biết, Nghị định số 100/2018/NĐ-CP và Nghị định số 15/2021/NĐ-CP đều không quy định nhân sự trực tiếp tham gia thi công phải có các chứng chỉ hành nghề giám sát. Quy định về chứng chỉ hành nghề cần tuân thủ theo pháp luật chuyên ngành. Nếu pháp luật về xây dựng không quy định nội dung này thì việc HSMT yêu cầu về chứng chỉ hành nghề sẽ dễ dẫn đến hạn chế nhà thầu, không phù hợp quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP.

“Về tiêu chí đánh giá uy tín của nhà thầu, Luật Đấu thầu không có quy định hạn chế nhà thầu tham gia các gói thầu nằm ngoài phạm vi bị cấm, do đó bên mời thầu cần xây dựng HSMT theo các văn bản hướng dẫn Luật Đấu thầu, không chỉnh sửa các tiêu chí nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu”, chuyên gia đấu thầu bình luận.

Cùng thuộc dự án trên, Gói thầu Thi công xây dựng tuyến ống thu gom; trạm bơm nước thải và hố bơm kỹ thuật (giá gói thầu 170,85 tỷ đồng) cũng ghi nhận các kiến nghị tương tự. Ngày 12/11 vừa qua, Gói thầu đã hoàn tất mở thầu với sự tham dự của 2 nhà thầu, đó là Liên danh thu gom nước thải Hòa Thành (Công ty CP Công trình giao thông Công Chánh đại diện, giá dự thầu 151,927 tỷ đồng) và Liên danh ĐS (Công ty CP Hải Đăng đại diện, giá dự thầu 173,331 tỷ đồng).

Tin cùng chuyên mục