Thu hàng trăm tỷ đồng từ BOT, “ông trùm” Tasco vẫn chê thấp, quyết từ bỏ

Mặc dù với tỷ suất sinh lời 11,5%/năm, Tasco vẫn cho rằng, mức lợi nhuận này không quá cao, thậm chí là thấp vì vốn bị "giam" quá lâu. Do đó, vừa rồi Tasco đã quyết định dừng đầu tư vào BOT để tập trung đầu tư bất động sản, y tế, công nghệ.
Ông Phạm Quang Dũng từng tuyên bố không còn hưng phấn đầu tư BOT khi bị coi như "tội đồ"
Ông Phạm Quang Dũng từng tuyên bố không còn hưng phấn đầu tư BOT khi bị coi như "tội đồ"

Vốn bị "giam" quá lâu nên lợi nhuận không hấp dẫn?

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra mới đây, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) của Công ty cổ phần Tasco (mã: HUT) - ông Phạm Quang Dũng đã công bố, định hướng phát triển trong 5 năm tới của công ty này là tập trung vào 3 lĩnh vực trọng tâm: đầu tư bất động sản, y tế, công nghệ.

Kế hoạch này được đưa ra sau khi đại diện Tasco từng bất ngờ tuyên bố tại buổi gặp mặt nhà đầu tư hồi tháng 3, cho biết, công ty này sẽ quyết định dừng đầu tư vào lĩnh vực BOT dù đã gắn bó 10 năm. Đối với những dự án BOT đã đầu tư, công ty dự kiến sẽ vẫn tiếp tục khai thác và tìm đối tác nước ngoài thích hợp để chuyển nhượng (nếu có).

Với tỷ suất sinh lời hàng năm ổn định khoảng 11,5%, Tasco cho rằng, mức lợi nhuận này không quá cao trong khi nguồn vốn chủ sở hữu bị "giam" quá lâu. Do vậy, theo lãnh đạo công ty này, Tasco sẽ có nhiều cơ hội đầu tư khác tốt hơn.

Điều này khiến nhà đầu tư không khỏi liên hệ đến một phát biểu "gây bão" dư luận được ông Phạm Quang Dũng đưa ra hồi giữa năm ngoái (tháng 6/2016) rằng, BOT là lĩnh vực có lợi nhuận thấp nhưng do bất động sản chững lại, không có việc gì làm nên doanh nghiệp đầu tư hạ tầng mới chuyển hướng đầu tư BOT.

Bởi theo vị này, thời gian thu hồi vốn của các dự án BOT dài tới 20 năm trong khi tiền đồng trượt giá mỗi năm lên tới 6 - 7% nên hưởng lợi ở đây là Nhà nước chứ không phải doanh nghiệp. Thậm chí, thời điểm đó, ông Dũng đã tuyên bố: "Nói nhà đầu tư BOT như tội đồ, chúng tôi ái ngại và không còn hưng phấn đầu tư nữa".

Như để minh chứng cho việc "nói là làm", Tasco đã lên chủ trương không làm thêm dự án BOT mới nào, thay vào đó công ty sẽ đầu tư hệ thống thu phí tự động không dừng trên toàn quốc và mở rộng phát triển hệ thống giao thông thông minh như thu phí nội đô, bãi đỗ xe, vé điện tử bus, vé tàu trên cao...

Bản thân ông Phạm Quang Dũng cũng chê mức sinh lời là quá thấp. Tuy nhiên, công ty này "vẫn làm vì chưa thấy cái gì cao hơn và có khả thi hơn". Vị lãnh đạo Tasco còn bình luận rằng, lĩnh vực này "vào làm rồi mới thấy sai lầm, mới thấy là xương xẩu, rất rủi ro".

Theo phê duyệt của Bộ Giao thông vận tải, dự án thu phí tự động không dừng (giai đoạn 1) áp dụng đối với 28 trạm thu phí trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và Quốc lộ 1, Liên danh Tasco - VETC được chỉ định làm nhà đầu tư với tổng mức 1.524 tỷ đồng. Hiện Tasco đã lắp cửa thu phí tự động không dừng tại 8 trạm, vận hành thương mại 5 trạm. Theo kế hoạch, năm 2017, Tasco sẽ hoàn tất 28 trạm lắp hai làn đầu tiên. Đến năm 2018 sẽ lắp hai làn tiếp theo và năm 2019 sẽ lắp tất cả các cửa thu phí tự động.

Vay nợ 3.500 tỷ đồng BOT nhưng không lo lãi suất!

Trên thực tế, dù "chê" đầu tư BOT lãi thấp, song tại báo cáo thường niên năm 2016 của Tasco, công ty này vẫn thừa nhận, đây là một năm thành công của Tasco khi cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế đều tăng vượt bậc so với năm 2015.

Bên cạnh mảng chủ chốt là bất động sản thì báo cáo cũng nêu rõ: doanh thu thu phí từ các trạm BOT (các dự án: BOT 10, BOT 21, BOT Quảng Bình...) vẫn là mảng hoạt động vẫn luôn đem lại doanh thu lợi nhuận ổn định qua các năm của công ty này. Cụ thể, doanh thu từ hoạt động thu phí năm 2016 đạt 447 tỷ đồng, bằng 215,6% so với năm 2015.

Tổng tài sản và tổng nguồn vốn tăng 2.233 tỷ đồng so với năm 2015 tương đương 31,52%, trong đó, tỷ trọng lớn đến từ tài sản dài hạn, tăng 2.098 tỷ đồng, tương ứng 41%, một phần lớn thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT như: Tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến đường 70, BOT Hải Phòng…

Liên quan đến khoản nợ 4.000 tỷ đồng tồn tại đến thời điểm cuối năm, đại diện Tasco cho biết, có đến 3.500 tỷ đồng trong số này là khoản vay nợ BOT. Tuy nhiên, phía Tasco cũng cho biết, số nợ này công ty không phải chịu lãi, mà do Nhà nước trả. Do đó, nếu lãi suất thị trường tăng hay giảm, công ty không bị rủi ro phần nợ vay 3.500 tỷ đồng của các dự án BOT. Khi các dự án BOT đi vào hoạt động thì sẽ có lợi nhuận và trả được số nợ ngân hàng liên quan.

Kết thúc quý I/2017, Tasco dự kiến ghi nhận 630 tỷ doanh thu, tăng 10,5% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ước đạt gần 130 tỷ đồng, tăng 55%. Trong đó, riêng hoạt động thu phí giao thông BOT đạt doanh thu 150 tỷ đồng.

Năm nay, Tasco cũng sẽ đưa hai dự án BOT mới vào thu phí là BOT QL10 Hải Phòng với tổng mức đầu tư 2.815 tỷ đồng và BOT Đông Hưng – Thái Bình với tổng mức đầu tư 436 tỷ đồng. Khi 6 trạm BOT hoạt động ổn định, Tasco sẽ có khoảng 800 - 900 tỷ đồng doanh thu mỗi năm với biên lợi nhuận ròng bình quân khoảng 11,5%. 

Tin cùng chuyên mục