Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái báo cáo tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương. Ảnh: VGP |
Kiến nghị thu hồi trên 43.300 tỷ đồng, trên 4.900 ha đất
Theo Tổng Thanh tra Lê Minh Khái, năm 2017, ngành thanh tra đã triển khai trên 7.500 cuộc thanh tra hành chính và trên 237.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Qua thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 67.700 tỷ đồng, gần 17.600 ha đất, kiến nghị thu hồi trên 43.300 tỷ đồng, trên 4.900 ha đất. Ban hành 148.000 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 2.924 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính gần 2.100 tập thể và cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 114 vụ việc, 192 đối tượng. Chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực.
Cơ quan thanh tra cũng đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện gần 3.600 kết luận và quyết định xử lý sau thanh tra, thu hồi và xử lý khác 856 tỷ đồng (đạt 63%), 4.126 ha đất, xử lý 971 tập thể, trên 4.200 cá nhân, chuyển cơ quan chức năng khởi tố 16 vụ, 29 đối tượng.
Tuy nhiên, công tác thanh tra còn có những hạn chế nhất định: Một số cuộc thanh tra triển khai chậm hoặc còn để kéo dài, trong đó có những cuộc thanh tra đột xuất, dư luận xã hội quan tâm; chất lượng kết luận thanh tra chưa cao, biện pháp xử lý chưa rõ. Công tác đôn đốc, xử lý về thanh tra tuy đã có tiến bộ, nhưng tỷ lệ thu hồi, xử lý khác về tiền, tài sản chưa đạt yêu cầu đề ra. Việc theo dõi, đôn đốc kết quả thực hiện kiến nghị về hoàn thiện cơ chế, chính sách chưa kịp thời, thường xuyên.
Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo chuyển biến rõ nét
Trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có nhiều chủ trương, giải pháp và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo sát sao. Cùng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có những chuyển biến rõ nét. Công tác tiếp công dân đã từng bước gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên; việc đôn đốc, thi hành quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo có hiệu lực pháp luật được quan tâm hơn và có những chuyển biến tích cực.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đó là: Thủ trưởng cơ quan hành chính tại một số nơi chưa làm tròn trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đạt thấp hơn so với mục tiêu đề ra. Vẫn còn nhiều vụ việc giải quyết chậm, chất lượng hạn chế, sai sót trình tự, thủ tục. Một số địa phương giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng ban đầu tốt, nhưng sau thực hiện chậm. Chức năng quản lý Nhà nước chưa được quan tâm đúng mức.
Tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi
Công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), quản lý Nhà nước về PCTN được tăng cường. Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được quan tâm.
Ngành thanh tra đã thực hiện cơ bản tốt các nhiệm vụ: Tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về PCTN, nhất là về nhận định tình hình tham nhũng, đánh giá công tác PCTN; thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý tham nhũng.
Tuy nhiên, tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công.
Công tác PCTN tại các bộ, ngành, địa phương còn yếu, chưa đồng đều. Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức, hiệu quả thấp. Một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng triển khai thiếu đồng bộ, kiểm tra đánh giá không thường xuyên nên tác dụng phòng ngừa còn hạn chế. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế, số vụ việc phát hiện còn ít so với thực tế vi phạm. Việc tham mưu thanh tra đột xuất các vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng còn ít.
Tăng cường thanh tra theo chuyên đề, giảm thanh tra vụ việc
Về phương hướng, nhiệm vụ của ngành thanh tra năm 2018, Tổng Thanh tra Lê Minh Khái cho biết: Hoạt động thanh tra bám sát, đáp ứng được các yêu cầu của việc thực hiện nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và của các cấp, các ngành. Đổi mới công tác thanh tra theo hướng tăng cường thanh tra theo chuyên đề, giảm thanh tra vụ việc. Tăng cường phối hợp để hạn chế và xử lý kịp thời chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.
Cụ thể, triển khai thực hiện có hiệu quả các cuộc thanh tra chuyên đề, chuyên đề diện rộng, gồm: Công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; quản lý, sử dụng đất tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế; công tác quản lý và khai thác tài nguyên, khoáng sản; về thuế để chống thất thu thuế, tập trung thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp; công tác quản lý Nhà nước và thực hiện pháp luật trong hoạt động mua sắm, đấu thầu thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế.
Tiếp tục tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định 33 năm 2015 của Chính phủ; thực hiện đúng quy định việc công khai kết luận thanh tra.
Phấn đấu hoàn thành giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp
Đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo sẽ được ngành thanh tra tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện Luật Tố cáo (sửa đổi). Tổng kết việc thực hiện Chương trình phối hợp về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng quy định vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh ngay từ cấp cơ sở, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%. Tập trung phấn đấu hoàn thành giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng theo Kế hoạch 2100 của Thanh tra Chính phủ; phối hợp xử lý, giải quyết 463 vụ việc đông người, phức tạp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện tốt các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu tỷ lệ trên 85%.
Tăng cường và nâng cao chất lượng thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về tiếp dân, khiếu nại, tố cáo. Đưa hệ thống Cơ sở Dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo vào sử dụng; tiếp tục đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Xử lý người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng
Đặc biệt, công tác PCTN cần tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc, giúp các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về PCTN đến năm 2020. Thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Triển khai Đề án tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin, công khai kết quả công tác PCTN; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về PCTN. Hoàn thành đánh giá việc thực thi Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng (chu trình 2) về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng.
Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về PCTN; đổi mới phương thức theo dõi, đánh giá kết quả công tác PCTN. Tăng cường phát hiện tham nhũng qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao.
Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để xử lý các hành vi tham nhũng, chú trọng xử lý người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Thu hồi triệt để tài sản tham nhũng được phát hiện qua hoạt động của ngành thanh tra.