Ông Vũ Xuân Thắng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA) |
Qua quá trình thực hiện nhiều gói thầu, chúng tôi nhận thấy thủ tục thanh quyết toán rất rườm rà, phiền phức, gây thiệt hại cho nhà thầu. Ví dụ, hợp đồng thi công là chế tạo hạng mục thiết bị cơ khí 500 tấn, nhưng sau khi hoàn thành, thiết bị này có trọng lượng là 530 tấn. Khi thanh toán thì nhà thầu chỉ được thanh toán 500 tấn, còn 30 tấn khối lượng vượt bị chủ đầu tư tạm giữ, chờ ký được phụ lục bổ sung hoặc khi quyết toán mới được thanh toán. Đây là lỗi của công tác lập khối lượng, nhưng thiệt hại thì nhà thầu phải gánh.
Bên cạnh đó, thủ tục về phê duyệt quyết toán cũng gây phiền phức và thiệt hại cho nhà thầu. Cụ thể, hợp đồng thỏa thuận giữ lại tỷ lệ % để bảo hành và chờ phê duyệt quyết toán. Tuy nhiên, nhiều khi hết hạn bảo hành 5 - 10 năm, nhưng công trình, dự án vẫn chưa phê duyệt được quyết toán. Một hợp đồng thi công lãi chỉ được 3 - 5%, thậm chí hòa hoặc lỗ nhưng quyết toán chậm thì coi như lỗ.
Do vậy, tôi kiến nghị phải luật hóa hoặc nghị định hóa rõ ràng một số quy định làm cơ sở cho việc thanh quyết toán hợp đồng thi công. Đơn cử, một công trình hay hạng mục công trình đã được bàn giao chuyển giai đoạn sau thì giai đoạn trước mặc nhiên phải được công nhận và được thanh quyết toán. Ngoài ra, quy định và thực hiện nghiêm việc sau 1 - 3 năm (tùy cấp độ và quy mô vốn) kể từ ngày bàn giao công trình, phải phê duyệt xong quyết toán. Không phê duyệt xong thì phải thanh toán cho nhà thầu, trách nhiệm hoàn thành phê duyệt quyết toán là của các bên liên quan.