Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo mở đợt cao điểm ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 về mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Theo Công điện, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng đã có nhiều nỗ lực trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Nhiều vụ việc nghiêm trọng như sản xuất, buôn bán sữa, thuốc, thực phẩm giả đã được phát hiện và xử lý, góp phần ổn định sản xuất kinh doanh, tăng thu ngân sách và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bộ Công an đã chủ động nắm tình hình, xử lý một số vụ án lớn liên quan đến hàng giả.

Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ nhận định tình hình vẫn rất phức tạp. Các hành vi vi phạm diễn ra trên diện rộng, với nhiều đối tượng tham gia, tinh vi hơn, thậm chí còn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ảnh hưởng đến uy tín hàng hóa Việt Nam. Những hành vi này không chỉ gây thiệt hại kinh tế, mà còn ảnh hưởng đến lòng tin của Nhân dân, gây hoang mang trong xã hội, làm suy giảm hiệu lực quản lý của Nhà nước và ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phát động đợt cao điểm kéo dài 1 tháng, từ ngày 15/5 - 15/6/2025, nhằm tập trung lực lượng, phương tiện và các biện pháp đấu tranh với các hành vi vi phạm nêu trên. Sau đợt cao điểm sẽ có sơ kết, đánh giá kết quả để có giải pháp dài hạn.

Một Tổ công tác đặc biệt sẽ được thành lập do Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia làm Tổ trưởng, với sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành chủ lực như: Công an, Quốc phòng, Tài chính, Công Thương, Y tế, Nông nghiệp, Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa - Thể thao - Du lịch...

Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì chỉ đạo lực lượng công an toàn quốc tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan, nhận diện tổ chức, cá nhân nghi vấn có dấu hiệu vi phạm. Tập trung vào các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại... Triển khai các biện pháp nghiệp vụ để xử lý hình sự nghiêm minh, kịp thời răn đe, cảnh tỉnh.

Bộ Quốc phòng chỉ đạo bộ đội biên phòng, cảnh sát biển tăng cường tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới và trên biển. Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tập trung kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt trên môi trường thương mại điện tử. Bộ Tài chính giao lực lượng hải quan tăng cường thu thập thông tin, phát hiện và xử lý các hành vi buôn lậu, trốn thuế, hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam.

Bộ Y tế tăng cường kiểm soát dược phẩm, đặc biệt là thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc. Cán bộ ngành y tế được yêu cầu không quảng cáo sai lệch về sản phẩm chưa được kiểm định đầy đủ. Bộ Nông nghiệp và Môi trường xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến giống cây trồng, vật nuôi, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật giả.

Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương rà soát các quy định liên quan đến sở hữu trí tuệ, nhất là trong môi trường số, nhằm bịt kín những sơ hở pháp luật. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu bổ sung chế tài xử lý hành vi quảng cáo sai sự thật, đặc biệt của người nổi tiếng trên mạng xã hội.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được yêu cầu thành lập Tổ công tác cấp tỉnh để trực tiếp chỉ đạo đợt cao điểm tại địa phương. Đồng thời, phải tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi buôn lậu, sản xuất và kinh doanh hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ trên địa bàn.

Một điểm nhấn đặc biệt quan trọng trong Công điện là yêu cầu xử lý nghiêm cả hành vi bao che, dung túng, tiếp tay cho sai phạm. Thủ tướng yêu cầu làm rõ trách nhiệm quản lý, cấp phép, kiểm soát hàng hóa của các tổ chức, cá nhân có liên quan; xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực (nếu có) với tinh thần “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Từ các vụ việc cụ thể, Chính phủ sẽ chỉ đạo tổng hợp, đánh giá nguyên nhân, các sơ hở trong cơ chế, chính sách pháp luật để hoàn thiện thể chế, nhất là sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự, Luật Thương mại điện tử và các văn bản liên quan đến sở hữu trí tuệ.

Các cơ quan báo chí được giao nhiệm vụ tăng cường tuyên truyền, đưa tin về đợt cao điểm; biểu dương những gương điển hình, cách làm hay của các địa phương, đồng thời phê phán các hành vi tiêu cực, tiếp tay cho vi phạm. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên được đề nghị tích cực phối hợp vận động người dân tham gia giám sát, tố giác các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị các bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, xem đây là nhiệm vụ cấp bách, cần thực hiện liên tục và quyết liệt.

Tin cùng chuyên mục