Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Số liệu nào, chính sách đó”

(BĐT) - Mặc dù không chạy theo số lượng tăng trưởng nhưng con số này lại ảnh hưởng đến nhiều chỉ tiêu chất lượng khác của nền kinh tế. Do đó, với việc lần đầu tiên có kịch bản tăng trưởng hàng quý đã giúp Thủ tướng Chính phủ đánh giá được thực chất hoạt động từng ngành. Từ đó, có những chỉ đạo cụ thể với từng bộ trưởng, trưởng ngành, góp phần đạt được thành tích tăng trưởng trong năm 2017.
Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, áp dụng chuẩn mực quốc tế, chuẩn hóa quy trình và ứng dụng công nghệ hiện đại vào ngành thống kê. Ảnh: Lê Tiên
Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, áp dụng chuẩn mực quốc tế, chuẩn hóa quy trình và ứng dụng công nghệ hiện đại vào ngành thống kê. Ảnh: Lê Tiên

Số liệu khách quan, trung thực

Thông tin về kết quả thực hiện công tác thống kê trong năm 2017 tại Hội nghị triển khai công tác 2018 của ngành thống kê, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ngành Thống kê trong năm qua đã triển khai kế hoạch công tác với nhiều nhiệm vụ lớn, một mặt phải bảo đảm tốt nhất thông tin thống kê phục vụ kịp thời việc đánh giá, dự báo tình hình, xây dựng chiến lược, kế hoạch, chính sách lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của các cơ quan Đảng và Nhà nước ở Trung ương và địa phương; mặt khác triển khai các công việc có tính chất quan trọng, lâu dài như: hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động thống kê, tiến hành Tổng điều tra kinh tế năm 2017, thực hiện Đề án đổi mới quy trình biên soạn GRDP, cải tiến phương pháp chế độ thống kê... 

“Năm 2017, lần đầu tiên Việt Nam xây dựng kịch bản tăng trưởng hàng quý và đề xuất các giải pháp báo cáo Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ làm căn cứ để chỉ đạo, điều hành nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017” – ông Lâm nhấn mạnh.

Đánh giá về công tác này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhớ lại thời điểm khó khăn trong năm qua, khi quý I/2017 tăng trưởng chỉ đạt thấp (5,15%), nhiều người có khuyến nghị Thủ tướng nên điều chỉnh chỉ tiêu để không mang tiếng là không hoàn thành kế hoạch. “Khi đó, con số này như một “cái tát” đối với Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành” – Thủ tướng ví von.

Trước tình hình đó, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đưa ra các kịch bản tăng trưởng của quý II, III và IV, làm rõ các sản phẩm chủ lực, các lĩnh vực cần tăng trưởng để chỉ đạo. Từ đó, quy trách nhiệm cá nhân của các bộ trưởng, trưởng các đơn vị, các địa phương về đóng góp cho tăng trưởng.

Nhờ những báo cáo cụ thể số liệu, tình hình kinh tế - xã hội chính xác từng lĩnh vực, sản phẩm chủ đạo đã giúp Thủ tướng đánh giá được thực chất hoạt động của từng ngành, có chỉ đạo cụ thể với từng bộ trưởng, trưởng ngành tại các phiên họp thường kỳ của Chính phủ.

Với số liệu đầu vào như vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ luôn tôn trọng tính trung thực, khách quan của số liệu thống kê và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ và ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ làm công tác thống kê, bảo đảm tốt nguyên tắc cơ bản đầu tiên trong hoạt động thống kê Nhà nước: Trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời, thực hiện đúng Luật Thống kê. “Chúng ta không chạy theo thành tích để đưa ra số liệu không cơ bản mà chúng ta biết hệ thống số liệu chằng chịt, nó bổ sung lẫn nhau chứ không phải anh muốn tăng là được”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh yêu cầu về tính trung thực trong thống kê. 

Không được sai sót trong số liệu thống kê

Bên cạnh nhiều thành tích đã đạt được, ông Lâm nhìn nhận, toàn ngành vẫn còn những hạn chế, tập trung vào các nhóm: công tác thu thập thông tin thống kê; chất lượng thông tin thống kê vẫn còn hiện tượng không sử dụng thông tin đầu vào từ kết quả điều tra để làm báo cáo thống kê tại một số đơn vị; công tác kiểm tra, giám sát, phổ biến số liệu thống kê vẫn còn hạn chế...

Trong năm 2018, ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh, toàn ngành phải bảo đảm tốt thông tin thống kê, chủ động nghiên cứu, đề xuất kịp thời các “kịch bản tăng trưởng” về tình hình kinh tế - xã hội phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp, các ngành. Phân bổ số liệu kết quả sản xuất của các tập đoàn, tổng công ty hạch toán toàn ngành cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kịp thời để các Cục Thống kê sử dụng xây dựng báo cáo tình hình kinh tế - xã hội phục vụ việc quản lý, điều hành của chính quyền địa phương. Cùng với đó, biên soạn số liệu GRDP của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chính thức năm 2016, sơ bộ năm 2017 và ước năm 2018. Triển khai thực hiện việc tính số liệu GRDP 6 tháng và cả năm 2018 cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đúng quy trình biên soạn mới và công bố kịp thời để các địa phương sử dụng.

Nhấn mạnh nhiệm vụ của TCTK trong năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, tập trung nâng cao chất lượng công tác thống kê, đặc biệt công tác phân tích, đánh giá, dự báo kinh tế vĩ mô của các ngành, lĩnh vực, trong đó nâng cao chất lượng số liệu thống kê để tiến tới phân tích, đánh giá, hoạch định chính sách cho các cơ quan từ trung ương tới địa phương. “Số liệu nào, chính sách đó, có đánh giá, dự báo. Số liệu thống kê là nguồn số liệu chính thống, tin cậy và không được sai sót, tính trùng lắp, không có bất cập xảy ra” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu, nghiên cứu áp dụng chuẩn mực quốc tế, chuẩn hóa quy trình và ứng dụng công nghệ hiện đại vào ngành thống kê; tiếp tục đổi mới công tác, phương pháp chế độ thống kê tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp với thực tế Việt Nam; tiếp tục thực hiện tốt đề án của ngành, trong đó có nhiệm vụ thống kê GDP các địa phương, tránh trùng lắp, sai số quá lớn giữa số liệu trung ương và địa phương…