Năm 2019, Bộ Công Thương tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên |
Doanh nghiệp đã bớt khổ vì thủ tục?
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 ngành công thương diễn ra sáng ngày 17/1, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, sau khi đã cắt giảm 675/1.216 điều kiện kinh doanh của 27 ngành, nghề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương trong năm 2017 và đầu năm 2018 (chiếm tỷ lệ 55,5% tổng số điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ), năm 2018, Bộ Công Thương đã tiếp tục rà soát, ban hành Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ giai đoạn 2019 - 2020. Theo đó, tiếp tục đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa và chuyển hậu kiểm 202 điều kiện trên tổng số 561 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ (tương đương 36%), nâng tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương dự kiến đạt 72,1%.
Về đơn giản hóa thủ tục hành chính và thực hiện dịch vụ công trực tuyến, trong năm 2018, Bộ đã bãi bỏ, đơn giản hóa 54 thủ tục hành chính thuộc 10 lĩnh vực được quy định tại 19 văn bản quy phạm pháp luật. Tính đến thời điểm hiện tại, tất cả 291 thủ tục hành chính thực hiện ở cấp trung ương đã được Bộ Công Thương triển khai ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 trở lên…
Đánh giá cao nỗ lực của ngành công thương trong việc xóa rào cản cho DN, song ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhận xét: “DN vẫn phải tốn kém thời gian và chi phí thực hiện thủ tục giấy tờ”. Ông Trường cho biết, theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới về tạo thuận lợi thương mại công bố tháng 12/2018, tuy có cải thiện nhiều, nhưng thời gian tuân thủ về chứng từ với các biện pháp phi thuế quan để nhập khẩu ở Việt Nam là 76 giờ, cao hơn hẳn 2,5 lần so với mức bình quân ở các nước ASEAN 4 là 28 giờ. Các biện pháp phi thuế quan về xuất khẩu là 50 giờ, cao gấp đôi mức bình quân ASEAN 4 là 24 giờ. Tính toán chi phí DN phải bỏ ra cho các hoạt động phi thuế quan tương đương thuế suất DN phải chịu là 22% trong khi ASEAN 4 là 12,5%. Số biện pháp cũng cao, lên tới 402 biện pháp, trong khi năm 2003 là 15 biện pháp phi thuế quan… Do đó, các thủ tục xuất nhập khẩu tiếp tục “cần được cải thiện để nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN”.
Một ví dụ tiêu biểu cho “nỗi khổ” khi thực hiện thủ tục là Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long. Đây là dự án điện do tư nhân đầu tư lớn nhất ở Việt Nam, sử dụng công nghệ hiện đại, không bị đội vốn đầu tư, vận hành ổn định, công suất vượt định mức... Tập đoàn Geleximco đã đưa Nhà máy vào vận hành thương mại tháng 7/2018. Tuy nhiên, để dự án này đi vào hoạt động, Geleximco phải mất tới 10 năm để làm các thủ tục xin cấp phép đầu tư, giải phóng mặt bằng, trong khi việc xây dựng chỉ mất có 3 năm.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, tính chủ động trong công tác lập, điều chỉnh nhiều chiến lược, quy hoạch trong ngành công thương còn chưa cao. Một số quy hoạch được triển khai chậm so với yêu cầu của thực tiễn gây lúng túng trong công tác quản lý như quy hoạch phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia...
Bứt phá của ngành công thương là ở đâu?
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ngành công thương phải tiếp tục cải cách, giải phóng sức sản xuất để mọi người dân, DN cùng làm, chứ nếu vì quyền lợi của ngành mình, cục bộ, không nhìn đại cục thì không thể phát triển được. Nhắc lại phương châm hành động “12 chữ” của Chính phủ trong năm 2019, trong đó có chữ “bứt phá”, Thủ tướng nhấn mạnh: bứt phá của ngành công thương là ở đâu?
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội, Chính phủ giao cho năm 2019, Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung đi thẳng vào giải quyết những vấn đề được coi là điểm nghẽn, là hạn chế trong phát triển của ngành. Đồng thời, Bộ phát huy những thuận lợi, những kết quả tích cực đã đạt được trong những năm vừa qua để tạo bước phát triển mới.
Đặc biệt, theo ông Vượng, trong số 8 nhóm giải pháp trọng tâm mà Bộ tập trung thực hiện trong năm 2019, việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, khơi dậy các nguồn lực phục vụ cho phát triển các lĩnh vực công nghiệp, thương mại vẫn là giải pháp ưu tiên hàng đầu. Gắn với đó là việc tiếp tục cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến của ngành. Theo Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ năm 2019, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, cắt giảm hàng chục điều kiện đầu tư kinh doanh và đơn giản hóa thủ tục hành chính.