Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11

Sáng nay (3/12), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11 trong thời điểm còn chưa đầy 1 tháng nữa là kết thúc năm 2018.

Phiên họp diễn ra trong 1 ngày với 5 nội dung, trong đó trọng tâm là thảo luận tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2018; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2019.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 giảm 0,29% (mức giảm thấp nhất trong 9 năm), bình quân tăng 3,59%.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục giữ ở mức cao, 11 tháng tăng hơn 10% .Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tiếp tục tăng trưởng ấn tượng 12,2%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng tăng 11,5%. Khách quốc tế 11 tháng đạt hơn 14 triệu lượt, tăng 21,3%.

Xuất siêu ở mức kỷ lục 6,8 tỷ USD. Thành lập mới doanh nghiệp tiếp tục tăng mạnh. 11 tháng có trên 121.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với vốn đăng ký tăng 9,1%; tổng vốn đăng ký mới và bổ sung đạt trên 3,4 triệu tỷ đồng. Gần 32.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động.

Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế trong nước tháng 12 tiếp tục diễn biến tích cực. Thương mại, tiêu dùng, du lịch dự báo sẽ tăng cao do là tháng cuối cùng của năm và có các kỳ nghỉ lễ lớn của quốc tế. Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá tích cực về ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 đạt  mức 6,6-6,8%, lạm phát khoảng 4%.

Bên cạnh những kết quả tích cực, khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế còn phức tạp. Việt Nam là một trong những nền kinh tế có độ mở thương mại hàng đầu khu vực, nên diễn biến tình hình kinh tế thế giới và khu vực sẽ có tác động sâu rộng đến kinh tế trong nước. Xuất nhập khẩu dự báo sẽ đối mặt với cơ hội và thách thức đan xen do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc.

Ngoài ra, kinh tế trong nước cũng cần phải tính đến những khó khăn, thách thức nội tại như sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng của thiên tai, nguy cơ dịch bệnh vẫn hiện hữu; tình hình giá cả có thể biến động phức tạp do chịu ảnh hưởng từ giá cả thế giới và nhu cầu tiêu dùng tháng cuối năm…

Tin cùng chuyên mục