Thủ tướng hứa giảm chi thường xuyên để có thêm tiền đầu tư phát triển

(BĐT) - Trả lời chất vấn của Đại biểu Trương Trọng Nghĩa về nợ công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết đến năm 2020 sẽ giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống 58% và tăng chi cho đầu tư phát triển lên 20% trong khi nợ công được đảm bảo.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định sẽ cơ cấu lại nợ công theo hướng ổn định, bền vững.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định sẽ cơ cấu lại nợ công theo hướng ổn định, bền vững.

Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) về việc giảm nợ công, giảm thâm hụt ngân sách nhà nước. Về chất vấn này, Thủ tướng cho biết đã trình Quốc hội Báo cáo về sử dụng vốn vay, quản lý nợ công, đánh giá thực hiện ngân sách nhà nước 5 năm 2011 – 2015 và định hướng giai đoạn 2016 – 2020. Năm 2015, mức dư nợ công dự kiến khoảng 61,3% GDP, nợ Chính phủ khoảng 48,9% GDP và nợ nước ngoài khoảng 41,5% GDP, trong phạm vi quy định.

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ thừa nhận dư nợ công từ năm 2011 đến 2015 tăng thêm khoảng 7% GDP do yêu cầu phải tăng vay để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Chính phủ dự kiến mức bội chi ngân sách nhà nước bình quân của giai đoạn 2016–2020 khoảng 4,9% GDP trong khi dư nợ công không quá 65% GDP, dư nợ của Chính phủ không quá 55%GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. 

Để giảm bội chi, theo Thủ tướng, thu ngân sách sẽ tiếp tục bổ sung các chính sách nhằm vào thu nội địa, giảm thiểu tác động giảm thu do cắt giảm thuế quan để hội nhập quốc tế và thu từ dầu thô. 

Về chi ngân sách, Thủ tướng cho biết sẽ tiếp tục cơ cấu lại, phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng chi thường xuyên giảm xuống khoảng 58% (giảm khoảng 9-10% so với tỷ trọng bố trí dự toán năm 2015), tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển chiếm trong tổng chi ngân sách đạt khoảng 19–20%, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các hình thức đầu tư ngoài ngân sách.