Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của EVN. Ảnh: VGP |
Chiều ngày 3/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Theo báo cáo của EVN, năm 2016, điện sản xuất và mua đạt khoảng 178 tỷ kWh, tăng 10,8%; điện thương phẩm đạt hơn 149 tỷ kWh, tăng 11% so với năm 2015, đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân, vượt kế hoạch Nhà nước giao.
Doanh thu bán điện của toàn Tập đoàn ước đạt 264.680 tỷ đồng, tăng khoảng 13%. Thời gian mất điện trong năm của khách hàng bình quân (SAIDI) giảm 25%. Năng suất lao động sản xuất kinh doanh điện tăng 11%.
Trong năm 2016, EVN hoàn thành đưa vào phát điện 5 tổ máy với tổng công suất 2.305 MW, hoàn thành đóng điện 297 công trình lưới điện.
Thời gian giải quyết cấp điện đối với lưới trung áp là 6,52 ngày, ít hơn so với chỉ tiêu là 10 ngày, góp phần cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam hiện đứng ở vị trí 96/190, tăng 5 bậc so với năm 2015.
Tuy nhiên, EVN nhìn nhận, vẫn còn những khiếm khuyết, hạn chế cần rút kinh nghiệm. Đó là chưa khắc phục được tình trạng quá tải cục bộ trên lưới điện, một phần do tăng trưởng phụ tải điện trên thực tế khác với dự báo theo quy hoạch, nhưng có nguyên nhân chậm tiến độ của các dự án lưới điện.
Số tai nạn lao động đã giảm nhiều so với năm 2015 (giảm 46%), nhưng vẫn còn ở mức cao.
Tiến độ một số dự án nguồn điện bị chậm so với kế hoạch. Việc tiêu thụ tro xỉ ở các nhà máy nhiệt điện phía nam còn chậm một phần do thiếu các tiêu chuẩn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia. Ảnh: VGP
‘Tiếng kêu của người dân, doanh nghiệp đã giảm…’
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng cho biết, chưa có năm nào mà thiên tai và nhân tai lớn như năm 2016. Tuy nhiên, trong khó khăn như vậy, chúng ta cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, có 12 chỉ tiêu vượt mức, 2 chỉ tiêu xấp xỉ đạt. Lần đầu tiên một năm có trên 110.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn tăng 40%.
Theo Thủ tướng, những kết quả này có sự đóng góp quan trọng của ngành công thương, trực tiếp là EVN khi “không có ai không sử dụng điện mà có thể phát triển”, từ nuôi gà ấp trứng đến trồng rau xanh... Đặc biệt, trong năm 2016, EVN đã cố gắng bám sát, triển khai thực hiện tốt chủ đề “nâng cao năng lực quản trị trong EVN”; đã bảo đảm cung ứng đủ điện cho nền kinh tế và đời sống nhân dân; khắc phục nhanh việc cung cấp điện phục vụ công tác khắc phục hậu quả bão lũ; thực hiện tốt việc tái cơ cấu, tối ưu hóa chi phí sản xuất kinh doanh, bảo đảm cân bằng tài chính và kinh doanh có lợi nhuận; đóng góp tích cực vào việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta, cụ thể, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam tăng 5 bậc.
“Tôi có theo dõi tiếng kêu của dân, của doanh nghiệp đã giảm đáng kể”, Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế “bởi chúng ta che giấu khuyết điểm, không chịu nói ra một cách thẳng thắn” thì khó có thể phát triển.
Thủ tướng cho rằng, chúng ta có dự phòng nguồn điện, nhưng không đồng đều và còn quá thấp, nhất là ở miền Nam. Do đó, năm 2017-2019 có nguy cơ không đáp ứng đủ điện cho miền Nam.
Cho biết một số dự án nhiệt điện khu vực miền Nam do các đơn vị khác ngoài EVN đảm nhận có thể không vận hành theo tiến độ, Thủ tướng mong muốn, với trách nhiệm là tập đoàn chủ lực của ngành điện, EVN cần cùng chia sẻ, tháo gỡ khó khăn này.
Với năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, chỉ số tiếp cận điện năng có tăng, nhưng vẫn đứng thứ 96/190 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 6 trong ASEAN, vì vậy EVN cần nỗ lực hơn để cải thiện chỉ số này. Thủ tướng cũng chỉ ra một số công trình xây dựng cơ bản chất lượng thấp, thất thoát mà báo chí, dư luận đã phản ánh. Có một số dự án ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống.
Thời gian tới, Thủ tướng cho biết, nhu cầu điện phục vụ tăng trưởng kinh tế (với mức tăng trưởng GDP hằng năm 6,5-7% thời gian tới) là rất lớn khi chúng ta đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp. Một số ngành công nghiệp quan trọng phải tự cân đối, kể cả thép. “Tôi có hỏi anh Trần Tuấn Anh (Bộ trưởng Bộ Công Thương) thì năm nay ta phải nhập 6-7 tỷ USD thép từ Trung Quốc. Tại sao chúng ta không làm thép mà để họ làm rồi ta nhập khẩu để rồi mất cân đối cán cân xuất nhập khẩu?”, Thủ tướng đặt vấn đề và cho rằng, thực trạng này liên quan nhiều đến ngành điện.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm cùng tập thể lãnh đạo EVN. Ảnh: VGP
Không để thiếu điện trong trung và dài hạn
Với tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu EVN tập trung vào một số nhiệm vụ. Đó là EVN phải tiếp tục là tập đoàn Nhà nước giữ vai trò chủ đạo thực hiện nhiệm vụ cung cấp điện quốc gia. Bảo đảm thực hiện đúng tiến độ các dự án điện, đề xuất các cơ chế để mọi thành phần tham gia lĩnh vực này, đặc biệt đề xuất cơ chế tài chính, đầu tư nguồn và lưới điện để tạo điều kiện cho EVN thực hiện tốt nhiệm vụ nặng nề này.
Thủ tướng nhấn mạnh việc phát triển điện, “đừng để nước đến chân mới nhảy”, không để nước ta thiếu điện trong trung và dài hạn.
Thực hiện tốt việc cơ cấu lại Tập đoàn để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, năng lực cạnh tranh. Hoàn thành cổ phần hóa Tổng Công ty Phát điện 3 trong năm 2017 và 2 tổng công ty phát điện còn lại trong năm 2018. Đổi mới sắp xếp khối phát điện, phân phối và bán lẻ điện, vận hành hệ thống điện và thị trường điện, bảo đảm đưa thị trường bán buôn điện cạnh tranh vào hoạt động hiệu quả, đồng thời phù hợp với định hướng phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
EVN chỉ giữ lại 6 nhà máy thủy điện chiến lược, đa mục tiêu và các nhà máy liên quan đến nhà máy đa mục tiêu khác, lưới truyền tải và phân phối, còn lại cổ phần hóa khâu bán lẻ và dịch vụ. Tăng cường công tác quản trị, sắp xếp bộ máy quản lý để tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, bảo đảm hiệu quả.
Đừng để tính cục bộ, con em trong ngành nể nang nhau
“Tôi đồng ý với chủ đề năm nay (2017) mà các đồng chí đưa ra là đẩy mạnh khoa học công nghệ để có một nhận thức mới, một bước tiến mới theo kịp trình độ khoa học công nghệ của ngành điện trên thế giới, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra”, Thủ tướng nói và yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý điều hành, nhất là tài chính. Công khai, minh bạch, chống tham ô, tham nhũng trong mọi khâu, nhất là trong cổ phần hóa và đầu tư xây dựng.
Ngành điện phải đóng góp trực tiếp vào việc nâng hạng môi trường cạnh tranh của Việt Nam vào nhóm đầu ASEAN. Đây là nhiệm vụ vất vả, nhưng Thủ tướng tin, ngành điện sẽ làm được.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong phát triển phải chú ý bảo vệ môi trường, rút kinh nghiệm các dự án trước đây có nguy cơ ô nhiễm để chủ động bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước. Không sản xuất điện với mọi giá để ảnh hưởng đến đời sống nhân dân vùng có nhà máy điện.
Có quy chế tuyển dụng thật nghiêm, không để tính cục bộ, con em trong ngành nể nang nhau, để làm sao thu hút được nhân tài.
Về điện hạt nhân Ninh Thuận vừa được Quốc hội nhất trí cho dừng dự án, Thủ tướng đề nghị EVN, với tư cách chủ đầu tư, phải sắp xếp nhân sự của dự án đúng mức, sử dụng cơ sở vật chất có hiệu quả, “đừng để hoang hóa, hư hỏng bất cứ cơ sở vật chất nào”; phải tính toán để bù đắp sản lượng điện do không làm điện hạt nhân.
Cho ý kiến về các kiến nghị cụ thể của EVN, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần, “những kiến nghị gì về thể chế, chính sách mà ràng buộc khiến các đồng chí không phát triển được, thuộc phạm vi của Chính phủ thì Chính phủ đồng ý tháo gỡ”, để tạo ra sức sống mới cho ngành điện.