Thủ tướng kỳ vọng Quảng Ninh sẽ là đầu tầu kinh tế. |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Chính phủ vừa có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh về tình hình kinh tế - xã hội.
Cùng dự có Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình.
Theo báo cáo của Quảng Ninh, tỉnh nằm ở phía Đông Bắc Tổ quốc, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2016 của tỉnh ước đạt 10,1%, mức tăng cao so với mặt bằng chung cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 4.050 USD; tổng thu ngân sách ước đạt 36.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt mức cao nhất từ trước đến nay (24.000 tỷ đồng).
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng báo cáo việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ chỉ đạo năm 2016 như về việc cải thiện môi trường kinh doanh, tỉnh đã giảm gần 50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định của Nhà nước. Đến nay, thời gian thành lập doanh nghiệp chỉ còn tối đa từ 1 – 2 ngày. Năm 2016, tỉnh có 1.600 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 20% so với năm 2015, cao nhất từ trước tới nay.
Về bảo đảm an toàn thực phẩm, Quảng Ninh đã dành 100% kinh phí xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm để đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật kiểm tra. Tỉnh đã không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào.
Về bảo vệ môi trường, tỉnh đã hoàn thành dự án hỗ trợ kỹ thuật bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long, hoàn thành di dời các làng chài lên bờ, đã đầu tư xây dựng 26 trạm quan trắc môi trường tự động.
Về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tỉnh đã xác định chủ đề công tác năm 2016 là “Nâng cao chất lượng quản trị và hành chính công”, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, trục lợi khi xử lý, giải quyết công việc.
Về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Quảng Ninh đã đón 8,4 triệu lượt khách, tăng 9% so với cùng kỳ, doanh thu du lịch đạt 13.300 tỷ đồng.
Quảng Ninh phải trở thành trung tâm kinh tế động lực của Bắc Bộ và cả nước, trung tâm giao lưu quốc tế, điểm đến cho nhà đầu tư, du khách.
Đi đầu về hợp tác công - tư
Bày tỏ vui mừng về những kết quả tỉnh Quảng Ninh đạt được thời gian qua, Thủ tướng biểu dương tinh thần dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, sáng tạo hiệu quả trong phát triển kinh tế-xã hội của Quảng Ninh.
Thủ tướng nhấn mạnh kết quả Quảng Ninh đã đạt được trong xã hội hóa nguồn lực phát triển, là một trong những tỉnh đi đầu về hợp tác công – tư. Theo đó, trong 5 năm 2012 – 2016, Quảng Ninh đã huy động trên 190 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư, như vậy 1 đồng ngân sách đã huy động được 8,3 đồng ngoài ngân sách để đầu tư phát triển kinh tế-xã hội. Nhiều công trình lớn đã được đầu tư nhờ nguồn vốn này.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng Quảng Ninh tăng trưởng cao nhưng còn dưới mức tiềm năng; giá trị sản phẩm ứng dụng công nghệ cao còn ít; doanh nghiệp địa phương còn hạn chế về quy mô và khả năng cạnh tranh; nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu; vẫn còn tình trạng vi phạm pháp luật về khai thác, vận chuyển, kinh doanh than.
Tầm nhìn của Quảng Ninh
Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh: Quảng Ninh phải trở thành trung tâm kinh tế động lực của Bắc Bộ và cả nước; trở thành trung tâm giao lưu quốc tế, điểm đến cho nhà đầu tư, du khách, hàng hóa và những ý tưởng sáng tạo đột phá.
Thủ tướng kỳ vọng Quảng Ninh sẽ là đầu tàu kinh tế phát triển mạnh nhất cả nước trong nhiệm kỳ này, giữ vai trò dẫn dắt sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm.
“Để có tầm nhìn mạnh bạo này, thì vấn đề then chốt là xây dựng niềm tin để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư mạnh mẽ vào Quảng Ninh”, Thủ tướng nói.
Vì vậy Quảng Ninh phải có chiến lược tổng thể, nhất quán, có tầm nhìn xa, có chiều sâu về quy hoạch phát triển. Với những tiềm năng lợi thế lớn của địa phương thì tỉnh cần có cơ chế đột phá để khai thác một cách thông minh, không bị mâu thuẫn và xung đột, qua đó tạo động lực phát triển kinh tế năng động và bền vững.
Thủ tướng: Mô hình phát triển của Quảng Ninh lựa chọn phải mở cửa, thu hút được nhân tài trong và ngoài nước phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Mô hình phát triển của Quảng Ninh lựa chọn phải mở cửa, thu hút được nhân tài trong và ngoài nước phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Mô hình đó phải cởi mở ở mức cao nhất và thuận lợi nhất, nhất là với Khu kinh tế Vân Đồn.
Thủ tướng nhấn mạnh, một địa phương chỉ thành công khi có 3 yếu tố: Doanh nghiệp tốt, người giỏi và người giàu. Nếu cải thiện môi trường kinh doanh tốt thì thu hút được nhà đầu tư, thu hút được người giỏi và doanh nghiệp. Nếu có môi trường sống tốt sẽ thu hút được người giàu.
Theo đó, động lực tăng trưởng của Quảng Ninh phải dựa trên năng suất, ứng dụng công nghệ, tính năng động và đổi mới sáng tạo.
Theo Thủ tướng, Quảng Ninh có nhiều thế mạnh nhưng nên chọn một số thế mạnh quan trọng và không cản trở nhau nhằm phát triển bền vững. Chính vì vậy Quảng Ninh cần suy nghĩ về một hệ sinh thái cho những ngành mà mình muốn phát triển. Vừa cần có công nghiệp, dịch vụ để tạo công ăn việc làm cho số đông, vừa cần phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch để hỗ trợ ngành du lịch, cung ứng tiêu dùng, giải quyết vấn đề nông dân, nông thôn. Tỉnh cũng cần kết hợp du lịch, dịch vụ, kinh tế biển, kinh tế cửa khẩu.
Nếu Quảng Ninh coi du lịch là đột phá thì tỉnh cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng, tiện ích công cộng, đào tạo nhân lực, quảng bá hình ảnh. Nên xây dựng hệ sinh thái du lịch phong phú, cộng đồng người dân Quảng Ninh làm du lịch chứ không phải một bộ phận làm du lịch.
Thủ tướng nêu rõ, Quảng Ninh không thể chỉ nghĩ đến phát triển mà không nghĩ đến bảo tồn. Bởi bảo tồn chính là để phát triển có chiều sâu và giá trị cao hơn. Đây không chỉ là bài toán cho Quảng Ninh mà là cho tất cả các địa phương.
Tỉnh phải thu hút ít nhất 7 triệu khách du lịch quốc tế, gần 20 triệu khách nội địa, như thế du lịch và dịch vụ mới là ngành kinh tế mũi nhọn.
“Chính quyền Quảng Ninh phải là chính quyền đối thoại, chính sách đồng bộ với bộ máy, thái độ cầu thị, học hỏi kinh nghiệm, triển khai ý tưởng mới nhanh chóng và quyết đoán thông qua dịch vụ công hiệu quả”, Thủ tướng nói.
Quảng Ninh phải trở thành một trong tốp 5 địa phương về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của cả nước, phấn đấu tối thiểu có 25.000 doanh nghiệp vào năm 2020, gấp đôi hiện nay.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh cần phải tiếp tục giảm bớt khoảng cách giàu nghèo, tạo dựng lòng tin của người dân với chính quyền, tạo môi trường sống và làm ăn an toàn cho doanh nghiệp và người dân.
Đồng thời, tỉnh cần tiếp tục thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, tăng cường an ninh và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; không để xảy ra tình trạng tội phạm, cờ bạc, nhất là trong những dịp cuối năm, lễ, Tết.
Thủ tướng đánh giá cao việc Quảng Ninh xác định chủ đề công tác năm 2017 là: “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh” và điều quan trọng là phải đưa chủ đề này vào thực tiễn với những biện pháp, mục tiêu cụ thể.
Cần coi Vân Đồn là “phòng thí nghiệm thể chế”
Cho ý kiến về các kiến nghị của Quảng Ninh, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phân cấp, giao quyền mạnh mẽ hơn để tỉnh chủ động triển khai các mặt công tác. Các Bộ, ngành phải tạo thuận lợi về mặt cơ chế, chính sách cho địa phương phát triển.
Tại cuộc làm việc, tỉnh Quảng Ninh kiến nghị Thủ tướng báo cáo Bộ Chính trị sớm cho phép thành lập Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn; chỉ đạo các Bộ, ngành trình Quốc hội phê chuẩn Luật Khu hành chính - kinh tế đặc biệt trong năm 2017.
Thủ tướng cho biết, tại phiên họp thường kỳ tháng 11 vừa qua Chính phủ biểu quyết, thống nhất việc xây dựng mô hình 3 đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, trong đó có Khu hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn và yêu cầu tỉnh Quảng Ninh sớm hoàn thiện đề án để trình cơ quan có thẩm quyền.
Thủ tướng giao Bộ KHĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, UBND các tỉnh và các bộ, cơ quan liên quan lập đề nghị xây dựng dự án Luật Khu hành chính - kinh tế đặc biệt, báo cáo Chính phủ cho ý kiến để trình Quốc hội.
Khu kinh tế hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn phải giải quyết tốt nhất 3 điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực, Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng, phải coi đây là “phòng thí nghiệm thể chế của Việt Nam” để thu hút phát triển. Mục tiêu là cải thiện môi trường kinh doanh, với câu hỏi đặt ra là làm sao các tỷ phú thế giới phải đến Vân Đồn. Về năng lực cạnh tranh của đặc khu này, Thủ tướng nêu rõ, phải ưu tiên trong việc cải thiện 12 trụ cột của năng lực cạnh tranh quốc gia.
Về kiến nghị ban hành Nghị định kinh doanh casino, Thủ tướng cho biết, các thành viên Chính phủ đã có ý kiến đối với dự thảo Nghị định, các cơ quan chức năng đang trình Chính phủ xem xét, ban hành.
Cũng trong chuyến công tác tại Quảng Ninh, Thủ tướng đã đến thị sát một số dự án tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của Vân Đồn như: Cảng hàng không Quảng Ninh có tổng vốn đầu tư 7.400 tỷ đồng; Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn, tổng vốn đầu tư 4.957 tỷ đồng.