Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam diễn ra ngày 7/11, tại TP. Đà Nẵng. Ảnh: Quang Hiếu |
Theo đó, Việt Nam sẽ quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN).
Tiếp tục là “đối tác kinh doanh tin cậy”
Thông tin trước các đối tác đầu tư trong và ngoài nước tại Hội nghị, đại diện cộng đồng DN Việt Nam, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết: “Việt Nam đang đổi mới, đầy sinh lực. Việt Nam không chỉ là một đất nước đang phát triển mạnh mẽ, mà còn là một đối tác kinh doanh tin cậy… Ở Việt Nam hiện nay, vị thế, vai trò của DN, của các nhà đầu tư đang được đánh giá cao hơn bao giờ hết. Chính phủ và người dân luôn là người đồng hành, sát cánh với DN”.
Dẫn số liệu của AmCham Singapore tháng 9/2017, Thủ tướng cho biết, có 56% DN được khảo sát đã coi Việt Nam là đối tác thương mại tốt nhất. Cùng với đó, Báo cáo của Ngân hàng Thế giới chỉ ra, quá trình chuyển đổi kinh tế của Việt Nam trong 30 năm qua có ý nghĩa rất to lớn. Với việc thực hiện các cải tổ kinh tế sâu rộng đã được chuyển hóa thành tốc độ tăng GDP cao, đạt bình quân gần 7%/năm, mức thu nhập của người dân cũng được nâng cao. Năm 2017, dự kiến GDP tăng 6,7%; phấn đấu giai đoạn 2016 - 2020 tăng 6,5 - 7%.
Thủ tướng cũng cho biết, hiện có khoảng 10% dân số Việt Nam thuộc tầng lớp trung lưu, dự kiến đến 2035 sẽ có 50% dân số gia nhập tầng lớp này. Điều này làm gia tăng nhu cầu của nền kinh tế, nhiều việc làm tốt hơn được tạo ra không chỉ đối với trong nước, mà Việt Nam còn từng bước tham gia vào các chuỗi cung ứng, các mạng sản xuất trong khu vực APEC và thế giới.
Thời gian qua, Việt Nam đã tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã ký kết, tham gia 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 4 FTA mới, trong đó có 18 đối tác thuộc các nền kinh tế thành viên APEC. Sau 10 năm gia nhập WTO, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2017 của Việt Nam đã tăng 4 lần, đạt trên 400 tỷ USD, tương đương 170% GDP.
3 định hướng điều hành của Chính phủ
Thứ nhất là, tập trung vào cải thiện chất lượng thể chế, chính sách pháp luật, thúc đẩy pháp quyền, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao năng lực quản trị nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô theo hướng tăng trưởng bền vững. Chính phủ chú trọng tăng cường đầu tư vào hạ tầng cơ sở; phát triển hệ thống y tế và giáo dục, nỗ lực giảm chênh lệch về thu nhập dân cư, đồng thời cải thiện mạng lưới an sinh xã hội nhằm bảo vệ tầng lớp người dân yếu thế, dễ bị tổn thương trước các cú sốc tiêu cực.
Thứ hai là, phát triển nền kinh tế khởi nghiệp, sáng tạo thông qua các cam kết hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để vun đắp, hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp. Việt Nam cam kết bảo hộ các ý tưởng sáng tạo, phát kiến mới trong khởi nghiệp và thực thi các quyền sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ Luật Sở hữu trí tuệ cũng như trong khuôn khổ các FTA mà Việt Nam tham gia.
Thứ ba là, Chính phủ thực hiện cải cách thuế theo hướng gia tăng cạnh tranh cho nền kinh tế, hướng đến các chuẩn mực minh bạch, công bằng và hiệu quả theo tiêu chuẩn cao của OECD. Thủ tướng nhấn mạnh, hiện tại thuế suất thuế thu nhập DN của Việt Nam chỉ 20% và dự kiến sẽ giảm còn 15 - 17% theo lộ trình cải cách thuế sắp tới để hỗ trợ cộng đồng DN. Ngoài thuế suất cạnh tranh, Việt Nam còn áp dụng nhiều quy định ưu đãi miễn, giảm thuế dành cho nhà đầu tư trong các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo nhiều việc làm…