Thủ tướng rời Hà Nội, đi thăm chính thức Mông Cổ và dự ASEM 11

Nhận lời mời của Tổng thống Mông Cổ TS. Elbegdorj và Thủ tướng Mông Cổ J. Erdenebat, sáng sớm 13/7, theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam đã rời Hà Nội, lên đường thăm chính thức Mông Cổ và tham dự Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 11 tại thủ đô Ulan Bator, Mông Cổ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) 

Chuyến thăm diễn ra từ ngày 13- 16/7. Cùng tham gia Đoàn có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát (Chủ tịch phân ban Ủy ban Liên chính phủ Việt Nam-Mông Cổ); Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang. 

Tháp tùng đoàn còn có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mông Cổ Phan Đăng Dương; Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc và Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Quốc Khánh.

Chuyến thăm chính thức Mông Cổ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lần này là dịp để hai bên trao đổi những phương hướng và biện pháp lớn thúc đẩy quan hệ hai nước, duy trì mối quan hệ chính trị, cùng tìm kiếm biện pháp phù hợp thúc đẩy hợp tác kinh tế, nông nghiệp, văn hóa và giáo dục giữa Việt Nam và Mông Cổ.

Sau khi thăm chính thức Mông Cổ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM) 11. Trong bối cảnh hội nhập, liên kết kinh tế tiếp tục là xu thế hợp tác kinh tế quốc tế cùng với sự hình thành các hiệp định thương mại tự do có tầm ảnh hưởng toàn cầu, các định chế tài chính quốc tế mới, tuy nhiên kinh tế thế giới phục hồi chậm với nhiều rủi ro, ASEM tiếp tục là diễn đàn đối thoại quan trọng được các thành viên Á-Âu thúc đẩy trong nỗ lực phục hồi kinh tế, ứng phó các thách thức toàn cầu. 

Việc Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao ASEM 11 nhằm tích cực triển khai mạnh mẽ đối ngoại đa phương; thúc đẩy triển khai nhiều sáng kiến mà Việt Nam đi đầu khởi xướng như: “Đối thoại ASEM về phát triển bền vững,” hợp tác xử lý nguồn nước (2015), ứng phó thiên tai, giao lưu thanh niên và kỹ năng xanh (2016)./.

Tin cùng chuyên mục