Thư xuân mới gửi mẹ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - “Đề nghị quý khách thắt chặt dây an toàn, nâng tấm chắn cửa sổ, máy bay chuẩn bị hạ độ cao. Chúng ta sắp hạ cánh xuống sân bay Nội Bài”. Tiếng cô tiếp viên vang lên khiến tôi choàng tỉnh khỏi cơn ngủ mệt.

Hà Nội đang phía dưới kia sao? Một cảm xúc nghẹn ngào khiến tim tôi nghẹt thở. Tôi sắp gặp lại quê hương yêu dấu, trở lại nơi mười năm trước tôi đã ra đi, mang theo trái tim tan nát.

Trên chuyến bus hàng không, tôi tò mò, háo hức ngắm cảnh vật, đường phố. Hàng quán nhộn nhịp, trời se lạnh. Một cái gì thật thân quen, thật xốn xang. Phải rồi, năm đang hết, Tết sắp về.

Chợt, một không gian rực rỡ, bừng sáng hiện ra. Tôi dụi mắt. Trời! Phải chợ hoa Hàng Lược đó không? Những giàn đèn lồng, những dây thiệp đỏ khẽ đu đưa, những hàng hoa tươi, bích đào, lay ơn, cúc… xen cùng những hàng hoa giấy, hoa nhựa, hoa lụa đủ loại sặc sỡ. Từng tốp người đủ mọi lứa tuổi, đeo khẩu trang, vẫn không giấu được các cung bậc cảm xúc khác nhau.

Bóng một cụ già tóc bạc phơ dắt theo bé gái chừng mười tuổi khiến tôi giật mình thảng thốt. Có phải là tôi của hai mươi năm trước đó không, cùng với người ông yêu kính của mình?

Hà Nội, mảnh đất của hoa và những người yêu hoa, không đếm hết được số chợ hoa trong Thành phố, nhưng chợ hoa Hàng Lược vẫn có một vị trí đặc biệt, như biểu tượng của tình yêu cái đẹp, của sự thủy chung với những giá trị xưa mà không cũ. Một năm chỉ họp một lần duy nhất vào dịp cận Tết Nguyên đán, chợ hoa Hàng Lược là nơi người Hà Nội đến không chỉ để mua hoa, mà để hưởng cái không khí xốn xang, chộn rộn rất đặc biệt vào thời điểm năm cũ sắp qua, để quên đi cái nhọc nhằn của cuộc mưu sinh. Người Hà Nội đi chợ hoa Hàng Lược như một nghi lễ.

Ngày đó, đi chợ hoa Hàng Lược với ông bà là niềm vui của chị em chúng tôi. Đó thực chất là một cuộc đi chơi Tết sớm. Ông thường mặc complet chỉnh tề, bà dịu dàng, nhuần nhị trong tà áo dài màu mỡ gà có những bông hoa chìm nho nhỏ. Mấy đứa tôi xúng xính diện lần đầu bộ quần áo bố mẹ vừa sắm cho, vẫn còn sột soạt mùi hồ. Dạo một vòng quanh chợ, ngắm cái này, khảo giá cái kia… Cuối buổi dạo chợ, thế nào bà cũng mua cho chị em chúng tôi một món quà nho nhỏ và một cành bích đào xinh xinh, đem về cắm ban thờ gia tiên.

Ngôi nhà xưa đây rồi! Đón tôi là cánh cổng xanh rêu đã ngả màu, giàn ti gôn lòa xòa trùm kín mái cổng. Bước vào sân, tôi ngỡ ngàng, cây hoa đá của ông nơi góc sân vẫn còn đó, đã xum xuê, trùm lên cái chậu đá xanh cổ, thả những búp mập mạp rơi rơi gần sát mặt sân. Ôi, nơi đây tôi đã sống những tháng năm tươi đẹp nhất của tuổi thơ…

Bước vào nhà, một thoáng khựng lại, như chờ ông bà ân cần âu yếm đón tôi thuở nào. Trong cơn mơ, tôi sà vào lòng bà hít hà cái hơi âm ấm nồng nồng của riêng bà mà tôi vô cùng quen thuộc. Rồi chợt tỉnh, thực tại kéo tôi nhìn lên ban thờ ngay chính giữa phòng khách. Gương mặt ông ánh nét cười, đôi mắt dịu dàng của bà nhìn tôi hiền từ. Ban thờ vương bụi, đã lâu không người chăm sóc.

Đứng trước ban thờ ông bà, bao ký ức khi xưa vọng về.

Ngày đó, mỗi lần năm hết, Tết đến là khoảng thời gian vui sướng nhất đối với lũ trẻ chúng tôi, là ký ức chưa bao giờ phai mờ trong tôi.

Từ rất sớm, tầm tháng 11 âm, ông đã lên kế hoạch cho những việc cần làm dịp cuối năm, rồi triệu tập con cháu, phân việc cho từng người. Tôi thường được ông giao việc dọn dẹp, sắp xếp lại tủ sách đồ sộ của ông, dọn nhà, lau chùi tranh ảnh, trang hoàng, sắp xếp lại phòng khách. Với tôi, đó là khoảng thời gian vô cùng thú vị. Tôi được lật giở từng trang quá khứ của ông bà qua những bộ album, được chìm đắm trong thế giới kỷ niệm của ông bà và gia đình qua những vật kỷ niệm in dấu thời gian... Rồi giây phút hân hoan khi ngôi nhà, phòng khách trở nên mới mẻ, bừng sáng dưới bàn tay của hai ông cháu.

Còn bà chọn mua sẵn các loại đồ khô chuẩn bị cho các món ăn cổ truyền ngày Tết: đỗ xanh, gạo nếp, măng khô, nấm hương, mộc nhĩ… Sát Tết, hầu như mọi thứ trong nhà đã đầy đủ. Bà tôi nấu ăn ngon, trong kho tàng các món Tết do bà làm, tôi đặc biệt yêu thích món chè kho, vừa là món trong mâm cỗ chay cúng giao thừa, vừa là món ăn chơi trong ba ngày Tết. Để có món chè đúng điệu, khâu chọn đỗ là quan trọng nhất. Phải là đỗ mùa mới, hạt nhỏ đều, ruột vàng mỡ gà, chè mới thơm, đẹp màu mà sánh mịn. Đỗ sau khi xay vỡ và đãi sạch vỏ, đem đồ chín, giã tay cho nhuyễn, thắng nước đường rồi mới thả đỗ, khuấy đều, đun nhỏ lửa. Món chè kho của bà ăn nóng hay lạnh đều ngon theo cách riêng. Từng miếng chè tan trong miệng, để lại dư vị man mát, ngọt thanh, thoang thoảng hương hoa bưởi tinh khiết.

Được chờ đợi nhất là buổi họp mặt gia đình đầu xuân. Chúng tôi thường chuẩn bị từ sớm cho buổi họp mặt này. Ông tôi mở đầu, tổng kết lại những sự kiện, những thành tựu của đại gia đình trong năm cũ, tiếp đến đại diện từng gia đình các con báo cáo những sự kiện, thành tích của mỗi cá nhân, chia sẻ các kế hoạch, dự định cho năm mới. Sôi động và hứng khởi nhất là phần biểu diễn văn nghệ của các thành viên trong gia đình với đủ các thể loại đàn, hát, ngâm thơ, kể chuyện... Cuối cùng ông căn dặn con cháu, nói về những kế hoạch mong ước của ông bà.

Nhớ đến đây, bất giác nước mắt tôi trào ra. Cái Tết cuối cùng trước khi rời Việt Nam, cũng trong buổi họp mặt như vậy, đến tiết mục của mình, tôi đọc một bài thơ tự sáng tác, nhưng mới được vài câu, tôi nghẹn ngào, không thể đọc tiếp. Tôi vừa quyết định chia tay mối tình đầu bảy năm của mình.

Cuối buổi hôm đó, ông dặn tôi ở lại. Nắm tay tôi, ông trìu mến: “Mọi vết thương đều sẽ lành. Kiên nhẫn là một phẩm chất vừa quý, vừa hiếm, ai có nó sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng con ạ”.

Rời quê hương, tôi nghĩ, đi để quên, để buông bỏ tất cả những gì đã qua, để hồi sinh một cuộc sống mới.

Không ngờ thoáng chốc mười năm đã trôi qua. Thực ra, chỉ sau khoảng vài năm, tôi đã nguôi ngoai và tha thứ cho người bạn thanh mai trúc mã của mình. Tôi biết không chỉ mình anh có lỗi. Nhưng một cú sốc mới đến với tôi. Từ phương xa, tôi nhận tin mẹ quyết chấm dứt cuộc sống chung với cha, dứt áo ra đi. Đây mới thực là đòn chí mạng với tôi, đứa con gái vốn coi cha như hình mẫu của người đàn ông. Khi đó, ông tôi vẫn còn, ông cũng đã an ủi và động viên tôi, nói đỡ cho mẹ. Nhưng tôi vẫn quyết không tha thứ cho bà. Thế là cuộc ly hương của tôi kéo dài thêm một số những cái Tết xa quê.

Ở nơi đất khách, ai rồi cũng tìm được cho mình một cộng đồng nho nhỏ, không hẳn là tri kỷ, nhưng đồng điệu, vì tận nơi sâu thẳm tâm hồn cùng có ký ức về một miền yêu dấu. Mỗi khi Tết đến, chúng tôi cũng háo hức mong chờ, đếm từng ngày, nhắc nhau, hẹn hò, tụ tập, cũng lùng tìm các sản vật để chuẩn bị cho mâm cúng tất niên đủ đầy với giò, nem, măng, mọc... Có năm còn hì hụi gói bánh chưng, gửi mua cành đào. Nhưng kỳ lạ, dù có sửa soạn cách nào, chúng tôi cũng thấy rõ nó chỉ là cái Tết vọng mà thôi. Nó qua rất nhanh, an ủi chút lòng nhớ quê hương, rồi lại trượt đi với những hụt hẫng… Và lại mong chờ đến cái Tết năm sau.

Trở về lần này, việc quan trọng nhất là chăm sóc phần mộ ông bà đã xong, ba ngày Tết trôi qua nhanh chóng, tôi chuẩn bị cho chuyến bay khứ hồi.

Buổi tối cuối cùng trước khi ra đi, trong ánh sáng mờ mờ của thư phòng xưa, tôi khẽ nâng niu, vuốt ve mấy cuốn sách vẫn còn để mở trên bàn làm việc của ông. Bất chợt, một cuốn sổ bìa da rơi xuống sàn, vài tấm ảnh văng ra nằm im lìm trên nền gỗ nâu bóng. Tôi chậm rãi cầm lên, một thoáng, như có bàn tay bóp nhẹ nơi tim tôi. Tâm trí tôi dồn vào một tấm hình, nước ảnh đã mờ, vài chỗ đã ố màu, nhưng nụ cười người con gái trẻ trong ảnh vẫn vô cùng tươi đẹp, ánh mắt rạng ngời hạnh phúc. Cô đang ôm một cô bé có gương mặt bụ bẫm nhoẻn cười nũng nịu dụi đầu vào ngực mình. Bên dưới tấm ảnh, dòng chữ đã phai màu bay bướm “Hôm nay Suri 4 tuổi”. Nước mắt trào ra, tôi khóc như chưa bao giờ được khóc.

Đêm ấy, cùng cuốn nhật ký, tôi sống những tháng ngày xưa của mẹ. Hạnh phúc, khổ đau, niềm thương nỗi nhớ của mẹ gửi nơi đứa con gái nhỏ, lời gửi gắm mẹ nhờ ông trao cuốn nhật ký cho tôi. Ông tin tôi sẽ trở về, và cuốn nhật ký sẽ tới tay tôi, theo một cách nào đó, mà ông tin nhất định ngày đó sẽ tới.

Trở lại nơi xa, việc đầu tiên, tôi mở máy, nước mắt nhòe theo hàng chữ, nhưng trái tim tôi đang ấm lại.

“Mẹ yêu dấu,

Là con đây, Suri của mẹ đây.

Con viết cho mẹ từ Philadelphia. Những bông tuyết vẫn còn vương trên ngọn cây nơi triền núi xa xa, nhưng những mầm xanh nơi góc vườn đã le lói nhú lên rồi.

Có lẽ mùa xuân đang trở lại…”

Tin cùng chuyên mục