Thúc đẩy 3 không gian kinh tế để tạo động lực tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khi những ảnh hưởng của dịch bệnh trong năm 2020 vẫn dai dẳng, thì đợt bùng phát Covid-19 mới tiếp tục tác động mạnh đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm nay. Trong bối cảnh này, sẽ cần nhiều giải pháp mạnh mẽ để duy trì đà phục hồi và tăng tốc, đặc biệt là thúc đẩy 3 không gian kinh tế, gồm: kinh tế trong nước, kinh tế quốc tế và kinh tế số.
Nếu dịch Covid-19 được khống chế kịp thời trong quý I, ước tính GDP quý I/2021 tăng 4,46%, thấp hơn 0,66 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01. Ảnh: Lê Tiên
Nếu dịch Covid-19 được khống chế kịp thời trong quý I, ước tính GDP quý I/2021 tăng 4,46%, thấp hơn 0,66 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01. Ảnh: Lê Tiên

Xu hướng phục hồi tích cực

Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2021 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, nhiều dấu hiệu khởi sắc với nhiều điểm sáng. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát được kiểm soát dù phải chịu áp lực từ nhu cầu tiêu dùng tăng. Thị trường tiền tệ, tín dụng tương đối ổn định. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Xuất siêu tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ấn tượng. Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đạt được kết quả nổi bật và ấn tượng, cho thấy sự đúng đắn, hiệu quả của những giải pháp điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế vẫn dai dẳng, phản ánh qua việc số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) suy giảm và khu vực dịch vụ, du lịch phục hồi chậm. Đặc biệt, dịch Covid-19 xuất hiện trở lại trong cộng đồng sẽ tiếp tục gây ra nhiều khó khăn cho nền kinh tế đang trên đà phục hồi, tăng tốc.

Nghị quyết 01/NQ-CP (NQ 01) của Chính phủ đã xây dựng các kịch bản tăng trưởng đối với từng quý và từng ngành. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật lại kịch bản tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, nếu dịch Covid-19 được khống chế kịp thời trong quý I, ước tính GDP quý I/2021 tăng 4,46%, thấp hơn 0,66 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01. Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 là 6,5% thì quý II cần đạt mục tiêu đặt ra trong NQ 01 với tăng trưởng 7,11% và quý III, quý IV phải phấn đấu đạt mức cao hơn so với NQ 01, trong đó quý III tăng 6,73% (cao hơn NQ 01 0,02 điểm phần trăm) và quý IV tăng 7,04% (cao hơn NQ 01 0,37 điểm phần trăm).

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã kiến nghị nhiều nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2021. Trong đó, Bộ trưởng lưu ý, cần tăng cường nghiên cứu, theo dõi, cập nhật các xu thế, mô hình mới, chính sách của các nước có tác động lớn đến nước ta; tập trung nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ và sức chống chịu của nền kinh tế trong tình hình mới.

Tiếp tục ổn định vĩ mô

Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, ưu tiên hàng đầu là chống dịch song hành ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. Thủ tướng nêu rõ cần thúc đẩy 3 không gian kinh tế, đó là kinh tế trong nước với thị trường gần 100 triệu dân; kinh tế quốc tế với nhiều hiệp định thương mại tự do và kinh tế số.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động bố trí nguồn lực và triển khai các giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động bị mất việc, thiếu việc làm, giảm sâu thu nhập do đại dịch Covid-19 và khôi phục sản xuất, kinh doanh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu xây dựng đề án về gói hỗ trợ thứ 2.

Bên cạnh xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư tiếp tục là một trong ba động lực quan trọng cho tăng trưởng năm 2021. Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện quyết liệt ngay từ những tháng đầu năm, thường xuyên đôn đốc triển khai các dự án, công trình quan trọng. Thủ tướng đồng ý thành lập tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ vướng mắc cho giải ngân đầu tư công. Tiếp tục cải cách mạnh mẽ, tạo chuyển biến thực chất hơn nữa về môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng. Đặc biệt chú trọng phát triển kinh tế tư nhân, chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đồng thời, phải tận dụng thời cơ, thu hút dòng vốn đầu tư, nhất là các tập đoàn công nghệ; tiếp tục cởi mở hơn nữa, tạo thuận lợi hơn nữa cho đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài làm ăn thành công ở Việt Nam, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất, ứng dụng công nghệ cao của khu vực và thế giới.

Tin cùng chuyên mục