Thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa: Đổi mới sáng tạo là yếu tố quan trọng hàng đầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Việt Nam phải nhập khẩu hầu hết công nghệ, máy móc thiết bị, phụ tùng, nguyên liệu chính cho sản xuất công nghiệp. Ảnh: Lê Tiên
Việt Nam phải nhập khẩu hầu hết công nghệ, máy móc thiết bị, phụ tùng, nguyên liệu chính cho sản xuất công nghiệp. Ảnh: Lê Tiên

Đây là bản nghị quyết đầu tiên về công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước, với tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á.

Nghị quyết đầu tiên về CNH - HĐH đất nước

Tại Hội nghị phổ biến Nghị quyết số 29 mới đây, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhận định, nội lực của nền kinh tế Việt Nam còn yếu, năng suất lao động thấp, chậm được cải thiện, năng lực độc lập, tự chủ thấp, phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Việt Nam còn phải nhập khẩu hầu hết công nghệ, máy móc thiết bị, phụ tùng, nguyên liệu chính cho sản xuất công nghiệp; trên 70% máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp; giống một số loại cây trồng, vật nuôi còn phụ thuộc vào nhập khẩu, điển hình như 80% giống rau, hoa và 60% giống ngô…

Bên cạnh đó, công nghiệp phát triển thiếu bền vững, giá trị gia tăng thấp, chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ phát triển còn nhiều hạn chế, công nghiệp thông minh phát triển còn chậm… Theo đó, ông Trần Tuấn Anh cho rằng, việc ban hành Nghị quyết số 29 thúc đẩy CNH - HĐH có ý nghĩa quan trọng khi cụ thể hóa các chủ trương của Đảng nêu trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030; là cơ sở, căn cứ để định hướng những tư duy mới, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp mới trong tương lai.

Nghị quyết số 29 xác định, CNH - HĐH là quá trình bao trùm tất cả các ngành, các lĩnh vực hoạt động của một quốc gia, trong đó, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định thành công của quá trình CNH - HĐH…

Thúc đẩy doanh nghiệp sáng tạo, đổi mới

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) không giấu niềm tiếc nuối về mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 của Việt Nam không hoàn thành, nhưng tin tưởng, Nghị quyết số 29 sẽ tạo nền tảng để Việt Nam đạt được các mục tiêu trong trung hạn và dài hạn. TS. Phương đồng tình với quan điểm để CNH - HĐH thành công, cần dựa trên nền tảng gốc rễ là khoa học kỹ thuật và đổi mới sáng tạo. “Theo tôi, đây chính là “chìa khóa”, điểm mấu chốt để có thể rút ngắn được quá trình thực hiện mục tiêu”, ông Phương nói.

Tuy nhiên, ông Phương cho rằng, ban hành Nghị quyết chỉ là điều kiện cần. “Sức mạnh” của Nghị quyết ở việc đưa các quan điểm, chỉ đạo từ Trung ương vào cuộc sống. Muốn làm được việc này, cần nhiều sự nỗ lực, nhưng trước hết là cần quyết tâm chính trị của những người đứng đầu “dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm”, vạch con đường thúc đẩy nền kinh tế đổi mới.

Trong những năm gần đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng nhiều bộ, ngành dành nhiều nỗ lực thúc đẩy công cuộc đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Ở tầm quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 749/QĐ-TTg ban hành “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Thực hiện Quyết định trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025”. Theo đó, từ năm 2020 đến nay, hàng vạn doanh nghiệp đã được hỗ trợ đào tạo nâng cao nhận thức, tầm nhìn và chiến lược về chuyển đổi số; số hóa hoạt động kinh doanh; quy trình quản trị... Những nỗ lực này, như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, xuất phát từ mong muốn tạo nên một kết nối lớn, tạo cơ hội cho mọi chủ thể trong nền kinh tế đều được tiếp cận với không gian mở của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đổi mới, sáng tạo và vượt qua chính mình.

Chia sẻ về Nghị quyết số 29, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng điều quan trọng nhất lúc này là nhanh chóng và sớm hoàn thành nhiệm vụ về xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách thúc đẩy CNH - HĐH. Điểm thuận lợi là nội dung trong nhóm giải pháp này đã và đang được triển khai thực hiện. Tuy nhiên, thể chế phải đi trước, mở đường và tạo nền tảng cho sự phát triển. Việc chậm trễ hoàn thành nhiệm vụ này là lực cản cho khả năng đạt mục tiêu đến năm 2030. Ngoài ra, sự chủ động tích cực của cộng đồng doanh nghiệp trong áp dụng quản trị tốt, đổi mới sáng tạo, tính liên kết và nâng cao năng lực cạnh tranh là quan trọng để cùng hợp lực với Nhà nước trong thực hiện các mục tiêu trung và dài hạn.