Thúc đẩy “đầu tàu” kinh tế Đông Nam Bộ: Quyết liệt đưa nhanh giải pháp vào thực tiễn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bức tranh “đầu tàu” Đông Nam Bộ tiếp tục có những chuyển biến tích cực khi một số chỉ số kinh tế trọng yếu tháng 7 cải thiện hơn so với các tháng trước. Tuy nhiên, hoạt động tại nhiều doanh nghiệp vẫn rất khó khăn, đang tạo thách thức lớn cho việc thực thi mục tiêu tăng trưởng 8 - 8,5%/năm (giai đoạn 2021 - 2030) của khu vực này.
Nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn do tình trạng thiếu đơn hàng kéo dài và buộc phải thu hẹp sản xuất. Ảnh: Tiên Giang
Nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn do tình trạng thiếu đơn hàng kéo dài và buộc phải thu hẹp sản xuất. Ảnh: Tiên Giang

Thực tế này đòi hỏi chính quyền địa phương quyết liệt hơn trong việc đưa chính sách vào thực tiễn, giúp hoạt động của doanh nghiệp tạo ra hiệu quả thực chất, gỡ khó cho đời sống người dân…

Thực trạng khó khăn

Đã 5 tháng nay, chị Nguyễn Thanh Hằng phải làm quen với công việc mới, bán hàng theo giờ cho một cửa hàng thực phẩm với mức lương 29.000 đồng/giờ. Hơn ai hết, chị Hằng cảm nhận được cuộc sống gia đình chật vật hơn nhiều sau khi phải nghỉ việc tại một công ty sản xuất giày da ở Khu công nghiệp Linh Trung (TP. Thủ Đức, TP.HCM) do không có đơn hàng xuất khẩu. Xưởng gia công nhôm kính của chồng chị cũng gặp khó khăn do hoạt động xây dựng dân dụng đình trệ. Gia đình chị cũng như hàng vạn gia đình trẻ sống quanh các khu công nghiệp, đang trông chờ được đi làm trở lại để thoát khỏi tình trạng bán thất nghiệp như hiện nay.

Ông Nguyễn Liêm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết, đa số doanh nghiệp trên địa bàn đều trong tình trạng khó khăn. Đơn cử, khối doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu tại Bình Dương hiện chỉ vận hành khoảng 50% công suất, thậm chí nhiều nhà máy hoạt động 20 - 30% công suất cầm chừng. Năm nay, đơn hàng xuất đi châu Âu giảm 65%, đi châu Mỹ giảm khoảng 50 - 65%. Theo đó, nhiều lao động phải nghỉ việc, một số khác bị giảm giờ làm vì chủ doanh nghiệp không xoay đâu ra công việc, ra lương để trả cho người lao động. Theo ông Liêm, thị trường xuất khẩu dự báo tiếp tục khó khăn trong thời gian tới, nên các doanh nghiệp rất cần thêm những hỗ trợ có tính thực chất để tồn tại và vượt qua khó khăn.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất thang máy tại TP.HCM chia sẻ, thị trường bất động sản, xây dựng đình trệ khiến mặt hàng thang máy cũng ế ẩm theo. Doanh thu 2 năm lại đây giảm 20%/năm, đáng lo nhất là tỷ trọng doanh thu bán hàng mới giảm mạnh và thấp hơn doanh thu dịch vụ bảo trì. Thu nhập của người lao động giảm so với thời điểm trước dịch Covid-19. Mới đây, doanh nghiệp này phải cho công nhân nhà máy tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An nghỉ làm thứ Bảy, giảm thời gian làm việc xuống còn 5 ngày/tuần với tiêu chuẩn 8 tiếng/ngày, không tăng ca.

Không chỉ khu vực sản xuất công nghiệp, nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực bất động sản, xây dựng, logistic, kinh doanh bán lẻ, dịch vụ… tại 4 địa phương “đầu tàu” trong khu vực Đông Nam Bộ cũng đang phải vật lộn với khó khăn. Trong khi đó, Đông Nam Bộ là vùng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Năm 2022, GRDP vùng Đông Nam Bộ chiếm khoảng 31% cả nước; xuất khẩu đóng góp khoảng 35%, thu ngân sách khoảng 38%… Nếu không có các giải pháp hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng “đầu tàu” này sẽ rất khó để tăng trưởng cả nước tích cực hơn.

Chính quyền các tỉnh Đông Nam Bộ cần đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục đối diện nhiều thách thức. Ảnh: Tiên Giang

Chính quyền các tỉnh Đông Nam Bộ cần đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục đối diện nhiều thách thức. Ảnh: Tiên Giang

Giải pháp cần đo đếm được hiệu quả

Báo cáo của Tổng cục thống kê cho thấy, một số chỉ số kinh tế trọng yếu 7 tháng đầu năm của các địa phương trọng điểm như TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai có cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều vấn đền cần giải quyết.

Cụ thể, tình hình kinh tế TP. HCM có dấu hiệu phục hồi. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 7 tháng tăng 2,4% so với cùng kỳ 2022; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,9%; tổng doanh thu du lịch tăng 55%… Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh bất động sản còn nhiều khó khăn, xuất nhập khẩu giảm, giải ngân đầu tư công chậm…

Đối với Bình Dương, chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2023 chỉ tăng 3,01% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 15,5%; kim ngạch nhập khẩu giảm 13,8%; thu hút vốn FDI giảm 61,4%; tổng thu ngân sách nhà nước giảm 16,2%. Doanh nghiệp trên địa bàn Bình Dương vẫn còn khó khăn, nhất là tình trạng thiếu đơn hàng kéo dài, phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, thậm chí giải thể.

Tương tự, tại Đồng Nai - địa phương được xem là “thủ phủ” công nghiệp vùng Đông Nam Bộ, chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2023 chỉ tăng 3,61% so cùng kỳ, là mức tăng thấp nhất so với 7 tháng của nhiều năm qua. Đáng ngại, chỉ số sản xuất công nghiệp của một số ngành quan trọng giảm như: điện tử, máy tính giảm 2,13%, phương tiện vận tải giảm 0,25%, sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 1,96%… Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu giảm 18,16%, kim ngạch nhập khẩu giảm 23,01% so với cùng kỳ 2022.

Được đánh giá là khởi sắc với 9/13 chỉ tiêu kinh tế, tài chính có mức tăng trưởng so với cùng kỳ 2022, song kinh tế Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn còn một số tồn tại. Theo đó, lũy kế từ đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa giảm 9,79% so với cùng kỳ 2022, trong đó xuất khẩu giảm 13,88%; nhập khẩu giảm 4,83%...

Trong khi khu vực kinh tế ngoài quốc doanh gặp khó thì tiến độ giải ngân đầu tư công tại các địa phương ở vùng Đông Nam Bộ cũng… chậm chạp. Cụ thể, tới hết tháng 7, tỷ lệ thanh toán vốn đầu tư ngân sách nhà nước lần lượt là TP.HCM (26,56%), Bình Dương (29,32%), Đồng Nai (38,81%) và Bà Rịa - Vũng Tàu (41,83%) so với tổng kế hoạch vốn.

Lãnh đạo nhiều địa phương cho biết, đã triển khai hàng loạt giải pháp để góp phần giảm khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, sớm vực dậy tăng trưởng. Trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều doanh nghiệp đánh giá các giải pháp, chính sách hỗ trợ đã “bắt đúng bệnh”, nhưng để vực dậy tăng trưởng, chính quyền các địa phương phải thực thi giải pháp quyết liệt hơn. Công tác điều hành cần chuyển biến rõ nét, mang lại hiệu quả thực chất, có thể cân đong đo đếm được.

Chẳng hạn, giải pháp cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp vẫn vướng, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn tín dụng; khâu thực thi các gói hỗ trợ doanh nghiệp chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng như gói lãi suất 2% không khả thi. “Với gói tín dụng 15 nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản, hiện doanh nghiệp chưa biết phải tiếp cận ra sao. Gói 120 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho người vay và doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội cần sớm thẩm thấu vào đời sống kinh tế”, lãnh đạo Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương nói và mong rằng, các cơ quan thực thi chính sách cần nhìn thẳng vào thực tế, đồng hành cùng doanh nghiệp đưa chính sách thấm nhanh vào sản xuất, kinh doanh, bên cạnh việc thúc đẩy đầu tư công theo đúng chỉ đạo của Chính phủ để kinh tế Đông Nam Bộ giữ được vị thế “đầu tàu”.