Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh...Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Tại Chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chú trọng khơi thông thị trường trong nước, có chính sách khuyến khích tiêu dùng, khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực mà sản xuất trong nước có thế mạnh, còn năng lực sản xuất và thị trường trong nước có nhu cầu. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại thị trường trong nước, kết nối cung cầu, hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, tư vấn pháp lý cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung rà soát, ưu tiên các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công, các gói tín dụng, đất đai cũng như chính sách thu hút các nguồn lực xã hội tham gia thực hiện các dự án phù hợp với quy mô và tín hiệu thị trường. Bên cạnh đó, rà soát và có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Đồng thời, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương có chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, bền vững, xây dựng nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội nhằm kích cầu tiêu dùng các mặt hàng vật liệu xây dựng được sản xuất trong nước…
Theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành của Economica Việt Nam, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy đầu tư công và cải thiện đầu tư tư nhân là nhóm giải pháp toàn diện để đạt mức tăng trưởng cao nhất trong năm nay, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng bền vững trong thời gian tới. Trong đó, kích cầu tiêu dùng cá nhân có thể được cải thiện từ việc tăng thu nhập khả dụng và niềm tin của người tiêu dùng. Về thu nhập khả dụng, một số yếu tố thuận lợi là chính sách tăng lương mới đây của Chính phủ, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng vẫn còn hiệu lực và mùa vụ tiêu dùng cuối năm sắp đến. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi khả quan, nhiều doanh nghiệp tuyển dụng thêm lao động là những yếu tố giúp người dân có thêm niềm tin về triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm nay và những năm sau. Do đó, các giải pháp về khơi thông thị trường, đưa nguồn hàng giá cả hợp lý đến tay người tiêu dùng là phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
Theo ông Bình, với việc quyết liệt triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng, triển vọng giải ngân đầu tư công từ nay đến cuối năm có thể sẽ cải thiện. Mặt khác, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), đầu tư tư nhân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 3,9%, cải thiện so mức tăng 2,1% của cùng kỳ năm ngoái, song vẫn thấp hơn mức tăng trung bình 4,7% của giai đoạn 2017 - 2019. Đây là khu vực còn nhiều dư địa nên cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho dòng vốn tư nhân phát huy tiềm năng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Tại báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 8 vừa công bố, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, nhu cầu tiêu dùng nội địa sẽ tiếp tục phục hồi vào cuối năm nay nhờ một số yếu tố hỗ trợ. Đó là thị trường việc làm ở khu vực sản xuất đã phục hồi mạnh mẽ, giúp cải thiện thu nhập và tiết kiệm của người lao động. Áp lực lạm phát bắt đầu hạ nhiệt từ tháng 8, giúp tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ dần cải thiện.
Cùng với sự phục hồi của nhu cầu nội địa, kinh tế Việt Nam có khả năng duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ trong những tháng cuối năm với sự hỗ trợ của một số yếu tố. Các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu đã bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất, giúp nới lỏng điều kiện tín dụng toàn cầu. Hoạt động sản xuất và xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ nhờ số lượng đơn đặt hàng sản xuất mới cao. Bên cạnh đó, Chính phủ đang đẩy nhanh quá trình đưa Luật Đất đai sửa đổi vào cuộc sống, qua đó hỗ trợ quá trình phục hồi của lĩnh vực bất động sản. Từ các lực đẩy này, VNDIRECT dự báo tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt mức 6,5%.
Tại Báo cáo điểm lại về kinh tế Việt Nam tháng 8/2024, WB nhận định, tuy đang hồi phục nhưng chi tiêu của người tiêu dùng vẫn dừng ở mức thấp hơn so với trước đại dịch, chủ yếu do niềm tin của người tiêu dùng yếu, làm giảm doanh số các mặt hàng lâu bền và không thiết yếu. Doanh số bán lẻ tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước trong nửa đầu năm 2024 nhưng vẫn thấp hơn bình quân trước đại dịch.
WB khuyến nghị Việt Nam tiếp tục đa dạng hóa thương mại để tăng cường hội nhập hơn nữa, cải thiện khả năng chống chịu của kinh tế Việt Nam. Ngoài ra, hệ sinh thái tư nhân trong nước cần hội nhập hơn nữa vào các chuỗi cung ứng toàn cầu bằng việc tăng tỷ trọng các nhà cung cấp trong nước cho các doanh nghiệp FDI.
Ở khía cạnh khác, WB cho rằng, cần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công để hỗ trợ tổng cầu trong ngắn hạn, đồng thời giúp thu hẹp những thiếu hụt hạ tầng - đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, giao thông và logistics - vốn đang là nút thắt cản trở tăng trưởng.