Thúc đẩy tư nhân tham gia phát triển bền vững: Đẩy mạnh đấu thầu cạnh tranh

(BĐT) - Sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) vào thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (PTBV) ở Việt Nam vẫn ở mức khiêm tốn. Đầu tư của khu vực này chỉ chiếm 12% lượng đầu tư cho kết cấu hạ tầng ở Việt Nam. 
Khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững. Ảnh: Song Lê
Khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững. Ảnh: Song Lê

Các ý kiến tại Hội thảo Khu vực KTTN với việc tham gia thực hiện các mục tiêu PTBV diễn ra ngày 25/10, tại Hà Nội cho rằng, đấu thầu cạnh tranh là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy khu vực KTTN tham gia thực hiện các mục tiêu PTBV.

Đầu tư tư nhân góp phần cải thiện kết cấu hạ tầng

Đề cập về sự tham gia của khu vực KTTN trong việc thực hiện các mục tiêu PTBV ở Việt Nam, bà Nguyễn Thị Luyến, Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về PTBV, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động với 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể. Trong đó, Kế hoạch xác định khu vực KTTN đóng vai trò quan trọng trong thực hiện thành công Chương trình.

Về kết quả thực hiện, đánh giá của Báo cáo chỉ số thực hiện chỉ tiêu PTBV hàng năm của Mạng lưới giải pháp PTBV của Liên hợp quốc cho thấy, xếp hạng thực hiện mục tiêu PTBV của Việt Nam cải thiện đáng kể. Việt Nam từ vị trí 88/149 nước năm 2016 lên vị trí 57/156 nước vào năm 2018 và ở vị trí 54/162 nước trong năm 2019. Trong việc thực hiện các mục tiêu này đã có sự tham gia của khu vực KTTN.

Đối với thực hiện mục tiêu PTBV về năng lượng, đến nay, số dự án đầu tư của khu vực tư nhân vào lĩnh vực năng lượng tái tạo tăng mạnh, cả về số lượng và tổng mức đầu tư. Đối với dự án BOT ngành điện, nếu như năm 2013, sự tham gia của khu vực KTTN chiếm 20,62% thì đến năm 2017 tăng lên 23,9%. Theo số liệu mới nhất của cơ quan phụ trách về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), hiện có 18 dự án BOT ngành điện đã ký hợp đồng và nhiều dự án khác đang chuẩn bị đầu tư.

Đối với mục tiêu Phát triển hạ tầng bền vững, nhiều công trình hạ tầng giao thông đã hoàn thành với sự tham gia của khu vực KTTN. Nhờ đó, bộ mặt hạ tầng giao thông đã thay đổi. Cũng theo cơ quan quản lý về PPP, đến nay có 140 dự án BOT, 188 dự án BT… được thực hiện, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, nhiều mục tiêu khác cũng ghi nhận sự tham gia tích cực của khu vực KTTN.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của CIEM đánh giá, sự tham gia, đóng góp của khu vực KTTN vào thực hiện các mục tiêu PTBV còn khiêm tốn, đặc biệt là tham gia đầu tư. CIEM cho rằng, có nhiều lý do, song nổi bật lên là khung khổ, thể chế chưa đầy đủ để thúc đẩy, khuyến khích sự tham gia của khu vực KTTN, bên cạnh nguyên nhân quy mô doanh nghiệp tư nhân còn nhỏ, thiếu vốn, năng suất lao động thấp… 

Thúc đẩy tư nhân tham gia phát triển bền vững bằng cách nào?

Tại Hội thảo, các ý kiến kiến nghị cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển KTTN; hoàn thiện thể chế, chính sách để cắt giảm chi phí cho DN…

Đối với thực hiện mục tiêu PTBV kết cấu hạ tầng, năng lượng, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, chuyên gia về PTBV nhấn mạnh giải pháp đẩy mạnh đấu thầu cạnh tranh, góp phần minh bạch hóa hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư để khuyến khích tư nhân tham gia nhiều hơn vào các dự án hạ tầng thời gian tới.

Tán thành đề xuất trên, bà Nguyễn Thị Luyến cho rằng, việc thực hiện đấu thầu cạnh tranh sẽ tạo sự tin tưởng, kích thích sáng tạo của khu vực KTTN, từ đó nâng cao hiệu quả đầu tư.

Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế Bùi Văn Dũng đề xuất cần phải đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tạo sân chơi bình đẳng cho khu vực KTTN; hỗ trợ DN tư nhân với các ưu đãi để tham gia PTBV…

Đối với việc hoàn thiện khung khổ chính sách thu hút sự tham gia của KTTN vào PTBV ở Việt Nam, nhiều ý kiến đề nghị, cần sớm có luật về PPP. “Việc luật hóa các nguyên tắc xây dựng cơ chế chia sẻ rủi ro và áp dụng các công cụ giảm thiểu rủi ro đối với các dự án PPP là để tạo niềm tin cho khu vực KTTN tham gia vào các dự án PPP”, một chuyên gia nêu quan điểm.