![]() |
Theo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Việt Nam ưu tiên phát triển điện khí trong nước |
Cơ chế mới phát triển dự án điện khí
Theo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Việt Nam ưu tiên phát triển điện khí trong nước, phát triển các nguồn điện khí LNG nhập khẩu với quy mô phù hợp nhằm thực hiện chuyển dịch năng lượng, bám sát xu thế phát triển công nghệ và giá thành trên thế giới.
Về phương án phát triển, đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy sử dụng khí trong nước đạt 10.861-14.930 MW; định hướng năm 2050, khoảng 7.900MW tiếp tục sử dụng khí trong nước hoặc chuyển sang sử dụng LNG, 7.030MW dự kiến chuyển sang sử dụng hydrogen hoàn toàn.
Với nhiệt điện LNG, phát triển phù hợp với các nguồn điện sử dụng LNG nếu có phương án thay thế để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu. Đến năm 2030, tổng công suất các nguồn điện LNG đạt 22.524 MW; giai đoạn 2031 - 2035 sẽ đưa vào vận hành Dự án Điện khí LNG Long Sơn, Long An II đã được phê duyệt hoặc có thể đẩy sớm tiến độ nếu điều kiện thuận lợi, đưa một số dự án vào danh mục dự phòng các dự án khác chậm tiến độ triển khai hoặc phụ tải tăng cao để đón làn sóng đầu tư vào Việt Nam…
Ngày 8/5/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 56/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện, đầu tư xây dựng dự án điện lực và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án kinh doanh điện lực (gọi tắt NĐ100), trong đó đã quy định cơ chế mới với phát triển điện khí.
Cụ thể, các dự án nhiệt điện khí sử dụng khí thiên nhiên khai thác trong nước được vận hành, huy động ở mức tối đa theo khả năng cấp khí, đáp ứng các yêu cầu ràng buộc về nhiên liệu, công suất và sản lượng phát điện khả dụng của dự án, nhu cầu và ràng buộc kỹ thuật của hệ thống điện quốc gia.
Thời gian áp dụng kể từ ngày các dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra văn bản thông báo chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình và bắt đầu vận hành phát điện bằng khí thiên nhiên khai thác trong nước trước ngày 1/1/2036 và kéo dài cho đến khi không còn sử dụng khí thiên nhiên khai thác trong nước…
Với dự án nhiệt điện khí sử dụng LNG nhập khẩu, sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn được bên bán điện và bên mua điện thỏa thuận, thống nhất trong hợp đồng mua bán điện bảo đảm các nguyên tắc không thấp hơn mức 65% sản lượng điện phát bình quân nhiều năm của dự án nhiệt điện khí…
Dấu hiệu tích cực
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhìn nhận, NĐ100 ra đời là một bước điều chỉnh rất kịp thời của Chính phủ nhằm thúc đấy và thu hút đầu tư vào các dự án điện khí.
Quan sát cho thấy, đến thời điểm này, một số dự án điện khí nằm trong Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đang tái khởi động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Nghi Sơn có tổng vốn đầu tư hơn 58.000 tỷ đồng. Hiện có 5 nhà đầu tư lọt vào danh sách ngắn, gồm: Liên danh Công ty CP Tập đoàn SOVICO - JERA Co., Inc. (Nhật Bản); Liên danh Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - Công ty CP Tập đoàn T&T; Liên danh Tổng công ty Điện lực Nam Hàn Quốc - Tổng công ty Khí Hàn Quốc - Tập đoàn Xây dựng và Kỹ thuật Daewoo - Tổng công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát; Gulf Energy Development Public Company Limited (Thái Lan); SK Innovation Co., Ltd. (Hàn Quốc).
Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận đang tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Nhiệt điện LNG Cà Ná có tổng vốn đầu tư hơn 56.000 tỷ đồng. Dự án này đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.
Với Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn IV có tổng vốn đầu tư gần 30.000 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đang lựa chọn nhà thầu thực hiện Dự án. Trong đó, Gói thầu OM4-EPC-HHO-06 Thiết kế, mua sắm, xây dựng lắp đặt, chạy thử và nghiệm thu Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn (hơn 17.820 tỷ đồng) hấp dẫn 3 nhà thầu lớn tham dự.
Theo ông Nguyễn Quốc Thập, nhiều nhà đầu tư, nhà thầu quan tâm cho thấy những dấu hiệu tích cực trong việc triển khai đầu tư các dự án điện khí. Song để tạo được “làn sóng” đầu tư, khơi thông nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực điện khí thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Ông Thập cho rằng, cơ chế mới tại NĐ100 mới đáp ứng được một phần mong muốn của nhiều chủ thể. “Nghị định mới cho phép sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn của dự án điện khí LNG không thấp hơn mức 65% là có tiến bộ, song chưa đủ thuận lợi để thu xếp tài chính cho dự án”, ông Thập đánh giá và cho rằng, cần tiếp cận theo hướng thị trường đối với loại hình dự án điện khí thiên nhiên, điện khí nhập khẩu LNG với cơ chế rõ ràng, đột phá hơn.