Sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch: Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc sắp xếp đơn vị hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đặt ra yêu cầu rà soát, điều chỉnh hệ thống quy hoạch và hệ thống chính sách, pháp luật về quy hoạch.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch đề xuất phân cấp thẩm quyền cho chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định danh mục dự án ưu tiên đầu tư trong kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh. Ảnh: Tiên Giang
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch đề xuất phân cấp thẩm quyền cho chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định danh mục dự án ưu tiên đầu tư trong kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh. Ảnh: Tiên Giang

Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với những định hướng sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch như: tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng quyền tự chủ, tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị gắn với nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu, kiểm soát quyền lực chặt chẽ trong công tác quy hoạch.

Tạo sự linh hoạt trong công tác quy hoạch

Theo Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, qua gần 8 năm triển khai chính sách, pháp luật về quy hoạch, có một số vướng mắc, khó khăn cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Đơn cử, theo quy định của Luật Quy hoạch, Chính phủ tổ chức lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia; Quốc hội quyết định quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Song khi triển khai thực hiện, quy định này chưa tạo sự linh hoạt dẫn đến kéo dài thời gian lập, thẩm định, quyết định các quy hoạch. Do vậy, cần nghiên cứu theo hướng phân cấp thẩm quyền tổ chức lập, thẩm quyền quyết định quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia để đáp ứng yêu cầu tăng cường phân cấp trong quản lý nhà nước và đề cao trách nhiệm của từng cấp.

Bên cạnh đó, việc thực hiện Luật Quy hoạch gặp một số vấn đề phát sinh liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy và sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính như: thay đổi tên gọi, phạm vi, ranh giới quy hoạch, các định hướng phát triển, tổ chức không gian phát triển… trong quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; mức độ chi tiết của các loại quy hoạch cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thay đổi về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; yêu cầu điều chỉnh định hướng phát triển và tổ chức không gian phát triển của vùng, địa phương do có sự thay đổi về quan điểm, định hướng phát triển sau khi sáp nhập đơn vị hành chính.

Do vậy, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch có một số quy định về việc điều chỉnh quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 để đáp ứng yêu cầu sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng đơn giản hơn so với điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục thông thường và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.

Một số nội dung chính liên quan tới phân cấp, phân quyền được đề xuất trong Dự thảo Luật là: phân cấp thẩm quyền cho Chính phủ xác định các vùng cần lập quy hoạch vùng; quyết định quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Phân cấp thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ tổ chức lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Phân cấp thẩm quyền cho bộ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong kế hoạch thực hiện quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh. Phân cấp cho các bộ tổ chức thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch ngành quốc gia; phân cấp cho UBND cấp tỉnh tổ chức thẩm định điều chỉnh quy hoạch tỉnh, chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tỉnh sau khi được HĐND tỉnh thông qua đối với việc điều chỉnh các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 để đáp ứng yêu cầu về sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Phát huy tính chủ động

Tại phiên thảo luận ở tổ về Dự thảo Luật, đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn TP. Hà Nội) tán thành với việc tăng cường phân cấp, phân quyền nhằm phát huy tính chủ động của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan. Đại biểu này cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu để mở rộng một cách hợp lý việc phân cấp cho các địa phương theo hướng “địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” bởi không gian phát triển hiện nay khi được tổ chức lại đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã là rất khác; cần phải nghiên cứu để tiếp tục có điều chỉnh, mở rộng một cách hợp lý về phân cấp cho các địa phương trong công tác lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, đồng thời quy định rõ trách nhiệm của địa phương và bảo đảm việc phân quyền không ảnh hưởng đến tính thống nhất của hệ thống quy hoạch quốc gia. Việc phân cấp cũng phải đảm bảo theo nguồn lực và các điều kiện thực hiện.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM), nỗ lực của cơ quan soạn thảo tại Dự án Luật đã đáp ứng yêu cầu thể chế hóa đường lối của Đảng, Nhà nước. Dự thảo Luật điều chỉnh sửa đổi Điều 6 Luật Quy hoạch theo hướng giao cho Chính phủ quy định chi tiết việc xử lý trong trường hợp có mâu thuẫn giữa các quy hoạch, giúp gỡ nhanh điểm nghẽn trong việc triển khai các dự án không phù hợp với quy hoạch.

Trước các ý kiến còn khác nhau về việc “trao thẩm quyền quyết định quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch sử dụng đất quốc gia của Quốc hội cho Chính phủ", đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn TP. Cần Thơ) cho rằng, việc phân giao này là phù hợp vì các quy hoạch nêu trên vẫn phải bám vào các nội dung đã được Quốc hội thông qua ở Quy hoạch tổng thể quốc gia. Đại biểu này đề xuất, cần tích hợp một số tiêu chí quan trọng của quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia vào Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quốc hội vẫn giám sát, giúp Chính phủ chủ động hơn trong công tác điều chỉnh.

Tin cùng chuyên mục