6 tháng đầu năm 2019, Công ty CP Thực phẩm Hữu Nghị ghi nhận doanh thu thuần đạt 579 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 36 tỷ đồng, giảm lần lượt 15% và 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Đông A |
Cấp thiết huy động vốn
Hội đồng quản trị Thực phẩm Hữu Nghị vừa thông qua phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ từ 200 tỷ lên 300 tỷ đồng, tương đương với số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành 10 triệu cổ phiếu.
Thực phẩm Hữu Nghị dự kiến sẽ chào bán cho cổ đông với giá 10.000 đồng/CP, tổng số tiền huy động là 100 tỷ đồng. Tỷ lệ phân bổ quyền 2:1 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được hưởng 1 quyền mua, cứ 2 quyền mua được 1 mua cổ phiếu phát hành thêm).
Mục đích của đợt phát hành chủ yếu dùng để trả công nợ vay ngắn hạn cho các ngân hàng Vietcombank, VPBank, Bankok Đại chúng, MB Bank, Shinhan Bank, ACB, SINOPAC Bank (92,4 tỷ đồng). Số tiền còn lại, 7,6 tỷ đồng sẽ được dùng để bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh.
Cũng cần phải lưu ý rằng, tại thời điểm cuối quý II/2019, tài sản ngắn hạn của Thực phẩm Hữu Nghị chỉ đạt mức 573,8 tỷ đồng (tiền và các khoản tương đương tiền cộng với tiền gửi ngân hàng ngắn hạn chỉ còn 17,8 tỷ đồng) trong khi nợ phải trả là 769,5 tỷ đồng (chủ yếu là nợ ngắn hạn với tỷ trọng các khoản vay lên tới 378,8 tỷ đồng). Điều này cho thấy nếu không thực hiện phát hành 100 tỷ đồng kịp thời, Thực phẩm Hữu Nghị sẽ khó có thể thanh toán các khoản nợ ngắn hạn đang đến gần hạn trả.
Bên cạnh việc huy động vốn từ cổ đông hiện hữu thì vào đầu tháng 10/2019, Công ty cũng đăng ký bán hơn 1,179 triệu cổ phiếu quỹ. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ 8 - 31/10. Đáng nói, quyết định bán cổ phiếu quỹ được đưa ra trong bối cảnh thị giá cổ phiếu HNF giảm mạnh từ vùng đỉnh 132.000 đồng/CP xuống 45.000 đồng/CP với thanh khoản rất thấp.
Điều này phần nào cho thấy tính cấp thiết trong việc huy động vốn của Thực phẩm Hữu Nghị trong thời điểm hiện nay.
Nguồn cơn của sự khát vốn
Trong vòng 3 năm trở lại đây, hoạt động kinh doanh của Thực phẩm Hữu Nghị cho thấy sự tăng trưởng tích cực, đặc biệt là doanh thu năm 2018 của Công ty đạt mức kỷ lục trong vòng 7 năm trở lại đây, đạt 1.792 tỷ đồng (tăng trưởng 23% so với 2017). Lợi nhuận sau thuế năm 2017 và 2018 cũng duy trì ở mức cao hơn hẳn so với các năm trở về trước. 6 tháng đầu năm 2019, Công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 579 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 36 tỷ đồng, giảm lần lượt 15% và 12% so với cùng kỳ năm trước.
Điều đáng nói ở đây là dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Công ty từ năm 2017 đến nay liên tục âm. Cụ thể, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2017 và 2018 lần lượt âm 147,7 tỷ đồng và 29,2 tỷ đồng. Tình trạng kinh doanh không tạo ra tiền vẫn tiếp diễn trong 6 tháng đầu năm 2019 khi dòng tiền từ hoạt động kinh doanh tiếp tục âm 64 tỷ đồng. Việc dòng tiền liên tục âm nặng là điều chưa từng xảy ra với Thực phẩm Hữu Nghị trong giai đoạn từ 2011 - 2016.
Việc dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm nhiều năm liên tục dẫn đến nhiều nghi ngại về khả năng thanh toán lãi vay, các khoản nợ vay ngắn hạn/dài hạn đến hạn của doanh nghiệp này. Thậm chí việc thiếu tiền cũng sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc chủ động đầu tư mở rộng sản xuất, ít nhiều ảnh hưởng đến khả năng phát triển bền vững của doanh nghiệp. Đây có lẽ cũng là nguyên nhân dẫn đến cơn khát vốn của Thực phẩm Hữu Nghị trong thời điểm hiện nay.