Ảnh minh họa. |
Khác biệt không lớn
Một trong những yêu cầu quan trọng nhất để Việt Nam thực thi hiệu quả các cam kết trong Chương MSCP của TPP chính là tính minh bạch trong tất cả các hoạt động mua sắm – điều mà nhiều cơ quan quản lý, chủ đầu tư/bên mời thầu, nhà thầu Việt Nam bấy lâu nay không thích hoặc e ngại hoặc vì một lý do nào đó. Song, trước áp lực về tính minh bạch được quy định bằng những điều khoản rất chặt chẽ trong Chương MSCP của TPP, nhiều chuyên gia cho rằng, những quy định về minh bạch thông tin trong lựa chọn nhà thầu, đảm bảo liêm chính, cạnh tranh… sẽ là động lực thúc đẩy Việt Nam đẩy nhanh hơn tiến trình này. Bởi lẽ, nói theo cách của ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thì, những quy định của pháp luật về đấu thầu của Việt Nam gần như đã tiệm cận với những quy định trong Chương MSCP của TPP. Chỉ có điều khác biệt là để làm được điều này chúng ta phải đạt được 3 điều kiện là khách quan, minh bạch và trình độ chuyên gia phải được nâng lên một nấc thang cao hơn.
Đề cập về các hình thức lựa chọn nhà thầu trong Chương MSCP của TPP và trong pháp luật về đấu thầu của Việt Nam (Luật Đấu thầu), tại Hội thảo Cam kết về MSCP trong TPP được tổ chức mới đây, ông Mai Lâm, chuyên gia tư vấn Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam cho biết, gần như không có sự khác biệt. Trong Luật Đấu thầu Việt Nam quy định các hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp, tự thực hiện, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt; còn Hiệp định TPP chỉ rõ 3 hình thức (đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế và chỉ định thầu).
So sánh về quy định ưu đãi trong đấu thầu, ông Mai Lâm dẫn chứng, pháp luật về đấu thầu của Việt Nam có quy định về ưu đãi trong một số trường hợp, song TPP gần như nghiêm cấm điều này nhằm tạo sự cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các nhà thầu nội khối. Do đó, các nhà thầu trong sân chơi TPP phải tuân thủ nguyên tắc đối xử quốc gia và không phân biệt đối xử; không được áp dụng các biện pháp ưu đãi trong nước; quy tắc xuất xứ…
Đòi hỏi minh bạch
“Những quy định trong MSCP của TPP rất chặt chẽ, tính minh bạch cao nhằm đảm bảo cho cuộc thầu diễn ra một cách khách quan, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế” – ông Mai Lâm nói.
Nêu quan điểm về nhận định trên, ông Lê Văn Tăng cho rằng, điều khó khăn nhất khi triển khai các cam kết về MSCP trong TPP của Việt Nam không phải là vấn đề kỹ thuật để hiểu quy định của TPP, mà là các cơ quan quản lý nhà nước phải vượt qua chính mình để nâng cao tính minh bạch trong hoạt động MSCP. “Đáng buồn là hiện vẫn còn thực tế nhiều cơ quan nhà nước tổ chức đấu thầu chưa muốn minh bạch, công khai thông tin” - ông Tăng chia sẻ.
Về hạn chế này, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, chia sẻ: “Đúng là việc kêu gọi sự minh bạch của các chủ đầu tư/bên mời thầu ở Việt Nam không dễ”.
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cũng chia sẻ thêm, từ ngày 1/7 tới đây, Bộ luật Hình sự mới có hiệu lực với chế tài xử lý rất nặng, trong đó Điều 220 của Bộ luật này quy định rõ tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và Điều 222 nêu rõ tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Đứng trước áp lực hội nhập và cạnh tranh kinh tế quốc tế ngày càng mạnh mẽ, các chuyên gia kinh tế, chuyên gia đấu thầu khuyến nghị, để thực thi hiệu quả cam kết trong TPP, thì việc công khai, minh bạch thông tin trong hoạt động mua sắm công là lợi thế giá trị nhất sẽ mang lại cho Việt Nam. Đây cũng là điều mà mọi người dân Việt Nam mong đợi. Việc các bên thực thi tốt yêu cầu về minh bạch sẽ đem lại môi trường kinh doanh và cơ hội phát triển tốt hơn cho doanh nghiệp cũng như cho đất nước.